10 thói quen học tập hiệu quả được các sinh viên áp dụng thành công

Hoàng Dương

(Dân trí) - Chăm chỉ là cần thiết, nhưng chìa khóa để học tập hiệu quả là biết cách học một cách thông minh hơn, chứ không phải là chăm chỉ hơn. Bạn càng học lên cao thì điều này càng đúng.

10 thói quen học tập hiệu quả được các sinh viên áp dụng thành công - 1

Nếu bạn muốn trở thành một sinh viên thành công, thì hãy cố gắng phát triển các thói quen học tập hiệu quả (Ảnh: Unsplash).

Nếu như ở bậc trung học, bạn chỉ cần 1-2 giờ tự học mỗi ngày để đạt đủ điểm tốt nghiệp thì khi lên đại học, chừng đó thời gian sẽ là không đủ, nếu bạn không biết cách học thông minh hơn.

Chỉ có một số rất ít học sinh, sinh viên có thể vượt qua các cấp học tập mà chỉ cần nỗ lực ở mức tối thiểu. Phần lớn đạt được thành công bằng cách phát triển và áp dụng các thói quen học tập hiệu quả. Sau đây là 10 thói quen học tập hàng đầu được các sinh viên thành công áp dụng. 

1. Không cố gắng nhồi nhét tất cả nội dung cần học vào một buổi

Đã bao giờ bạn thấy mình thức khuya tiêu tốn nhiều năng lượng để cố gắng giữ cho mí mắt mở hơn là việc học học? Nếu có, đã đến lúc bạn phải thay đổi.

Những sinh viên thành công thường sắp xếp bài tập của họ trong khoảng thời gian ngắn hơn và hiếm khi cố gắng nhồi nhét tất cả việc học vào 1-2 buổi học. Nếu muốn trở thành một sinh viên thành công thì bạn cần phải tìm cách nhất quán trong việc học và có thời gian học đều đặn nhưng ngắn hơn.

2. Lập kế hoạch những thứ cần học

Sinh viên học tập hiệu quả thường sắp xếp thời gian học cụ thể trong suốt cả tuần và tuân theo lịch trình đó. Những học sinh học tập không thường xuyên và hay thay đổi thường không thể hiện tốt bằng những người có một thời gian biểu học tập nhất định. 

Ngay cả khi bạn đã hoàn thành tất cả những thứ cần học, việc tạo ra một thói quen hàng tuần, trong đó bạn dành ra một khoảng thời gian vài ngày một tuần, để xem lại các khóa học sẽ đảm bảo bạn phát triển các thói quen học tập. Đó là điều giúp bạn thành công lâu dài trên con đường học vấn. 

3. Học trong cùng một thời gian biểu

Bạn không chỉ cần lập kế hoạch học tập, điều quan trọng là bạn phải tạo ra một thói quen học tập hàng ngày và nhất quán. Khi học vào cùng một thời điểm mỗi ngày và mỗi tuần, việc học sẽ trở thành một phần thường xuyên trong cuộc sống của bạn. 

Bạn sẽ chuẩn bị tốt hơn về mặt tinh thần và cảm xúc cho mỗi buổi học và đạt nhiều hiệu quả hơn. Nếu thỉnh thoảng bạn phải thay đổi lịch trình của mình do những sự kiện bất ngờ, điều đó không sao cả, tuy nhiên hãy trở lại với thói quen của bạn ngay sau khi sự kiện đó trôi qua.

4. Đặt mục tiêu cụ thể trong mỗi lần học

Học đơn thuần mà không có định hướng sẽ không đem lại hiệu quả. Bạn cần biết chính xác những gì cần hoàn thành trong mỗi buổi học. Trước khi bắt đầu học, bạn hãy đặt mục tiêu buổi học để hỗ trợ mục tiêu học tập tổng thể, ví dụ như ghi nhớ 30 từ vựng để vượt qua phần từ vựng trong bài kiểm tra tiếng Tây Ban Nha sắp tới.

5. Không bao giờ trì hoãn buổi học đã được lên kế hoạch 

Bạn dễ dàng gác lại việc học vì môn học không đem lại hứng thú, vì bạn có việc khác phải hoàn thành, hoặc chỉ vì bài tập khó. Học sinh thành công không trì hoãn việc học. Nếu bạn hoãn buổi học của mình, việc học của bạn sẽ trở nên kém hiệu quả hơn rất nhiều và bạn có thể không đạt được mọi thứ mà bạn cần. Chần chừ cũng dẫn đến vội vàng, và vội vàng là nguyên nhân số một dẫn đến sai sót.

6. Bắt đầu với môn học khó nhất trước

Vì bài tập hoặc môn học khó nhất sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực và trí lực nhất, bạn nên bắt đầu với nó trước. Một khi bạn đã hoàn thành công việc khó khăn nhất, bạn sẽ dễ dàng hoàn thành phần việc còn lại hơn rất nhiều. Dù bạn có tin hay không, việc bắt đầu với môn học khó nhất sẽ giúp cải thiện đáng kể hiệu quả của buổi học và kết quả học tập.

7. Luôn luôn xem lại ghi chú trước khi làm bài tập

Một điều hiển nhiên rằng trước khi xem lại ghi chú, bạn cần có ghi chú của riêng mình. Do đó, hãy đảm bảo rằng bạn ghi chép tốt khi học. Trước khi bắt đầu mỗi buổi học và trước khi bạn bắt đầu làm một bài tập cụ thể, hãy xem lại các ghi chú một cách kỹ lưỡng để đảm bảo rằng bạn biết cách hoàn thành bài tập một cách chính xác. Xem lại các ghi chú trước mỗi buổi học sẽ giúp bạn nhớ các chủ đề quan trọng đã học trong ngày và đảm bảo việc học có mục tiêu và hiệu quả.

8. Lựa chọn không gian, thời gian lý tưởng nhất

Mọi người đều dễ bị phân tâm bởi điều gì đó. Có lẽ đó là TV, là gia đình hoặc có lẽ nó quá yên tĩnh. Một số người thực sự học tốt hơn khi có một chút tiếng ồn xung quanh. Khi bạn bị phân tâm trong lúc học, bạn có thể: (1) mất khả năng suy nghĩ và (2) không thể tập trung - cả hai điều này sẽ dẫn đến việc học kém hiệu quả. 

Trước khi bắt đầu học, hãy tìm một nơi mà bạn không bị quấy rầy hoặc phân tâm. Đối với một số người, có thể là một căn phòng nhỏ yên tĩnh trong hốc tường của thư viện. Đối với những người khác, đó là một khu vực chung, nơi có một chút tiếng ồn xung quanh.

9. Sử dụng việc học nhóm hiệu quả

Bạn đã bao giờ nghe câu "hai cái đầu tốt hơn một cái chưa"? Điều này có thể đặc biệt đúng khi nói đến việc học tập. Làm việc theo nhóm cho phép bạn: (1) nhận được sự giúp đỡ từ những người khác khi đang gặp khó khăn trong việc hiểu một khái niệm, (2) hoàn thành bài tập nhanh hơn và (3) dạy cho người khác, nhờ đó giúp cả sinh viên khác và chính bạn hiểu được chủ đề vấn đề. Tuy nhiên, các nhóm học tập có thể trở nên thiếu hiệu quả nếu chúng không có cấu trúc và nếu các thành viên trong nhóm đến không chuẩn bị. 

10. Xem lại ghi chú, bài tập ở trường và các tài liệu trên lớp vào mỗi cuối tuần

Những sinh viên thành công xem lại những gì họ đã học được trong tuần vào cuối tuần. Bằng cách này, họ chuẩn bị tốt để tiếp tục học các khái niệm mới dựa trên bài học trước đó và kiến thức thu được trong tuần trước.

Theo www.educationcorner.com