10 lời khuyên giúp phụ huynh nuôi dạy trẻ một cách toàn diện nhất

(Dân trí) - Có rất nhiều cách để giúp các bậc phụ huynh có thể nuôi dạy trẻ phát triển một cách toàn diện và đem lại niềm vui cho các em. Sau đây là 10 cách được nhiều cha mẹ chọn lựa và đem lại những kết quả tích cực nhất.

 

10 lời khuyên giúp phụ huynh nuôi dạy trẻ một cách toàn diện nhất - 1

1. Trêu đùa với trẻ

Việc trêu đùa với trẻ như một người bạn đã được khoa học chứng minh đem lại những tác động vô cùng tích cực đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Việc này sẽ giúp các em học cách suy nghĩ sáng tạo hơn cũng như giảm bớt những căng thẳng mà các em gặp phải trong quá trình học tập.

2. Hãy trở nên lạc quan

Việc các bậc cha mẹ tỏ ra bi quan hay thể hiện những cảm xúc tiêu cực khi giao tiếp với trẻ sẽ khiến các em trở nên hiếu động và hung hăng hơn, đặc biệt là đối với những trẻ đang ở độ tuổi học mẫu giáo. Vì vậy, hãy trở nên lạc quan và loại bỏ mọi cảm xúc tiêu cực có thể khiến trẻ cảm thấy khó gần gũi với cha mẹ của mình.

3. Thể hiện lòng trắc ẩn

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh lòng trắc ẩn sẽ giúp con người trở nên bình tĩnh và sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong cuộc sống.

Việc các bậc phụ huynh thể hiện lòng trắc ẩn sẽ là một ví dụ không thể tốt hơn cho con cái của mình khi giúp các em cảm thấy đồng cảm với những khó khăn của người khác qua đó dạy các em cách giúp đỡ người khác cũng như giải quyết những khó khăn của riêng mình.

10 lời khuyên giúp phụ huynh nuôi dạy trẻ một cách toàn diện nhất - 2

4. Hãy để trẻ được tự do

Khi con cái bước vào độ tuổi trưởng thành và sẵn sàng cho một cuộc sống tự lập, các bậc phụ huynh cần để các em được tự do làm những điều mình thích nếu những điều này ở trong một chừng mức cho phép. Đây là thời điểm vô cùng quan trọng và nhạy cảm khi các em có thể tự đưa ra quyết định của riêng mình và học cách tự chịu trách nhiệm trước những lựa chọn của mình.

5. Duy trì hạnh phúc gia đình

Việc phải sống trong một gia đình “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” sẽ khiến trẻ luôn phải sống trong tâm trạng hoang mang, điều mà khoa học chứng mình sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới giấc ngủ của trẻ. Điều này là vô cùng tai hại đối với những trẻ đang ở độ tuổi từ 9-18 tháng tuổi, khi trẻ bắt đầu hình thành nhận thức về thế giới xung quanh.

Việc giấc ngủ không ngon giấc không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển trí não của trẻ mà còn khiến trẻ trở nên cáu kỉnh và hay bực tức.

10 lời khuyên giúp phụ huynh nuôi dạy trẻ một cách toàn diện nhất - 3

6. Quan tâm tới sức khỏe tinh thần của chính mình

Nếu bạn cảm thấy mình đang gặp phải một số vấn đề về tâm lý như khủng hoảng tinh thần hay stress thì hãy tìm cách vượt qua nó nhanh chóng bởi việc này có thể ảnh hưởng tới cách bạn nuôi dạy con cái của mình.

Việc gặp phải những bất ổn về tinh thần sẽ khiến bạn không thể tập trung toàn tâm toàn ý vào việc nuôi dạy trẻ và thậm chí là phớt lờ những nhu cầu của trẻ, khiến trẻ dễ gặp phải những căng thẳng không đáng có.

7. Xây dựng mối quan hệ tốt với con cái

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc người mẹ quan tâm và xây dựng một mối quan hệ gần gũi như một người bạn với con cái của mình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hình tính cách cũng như giúp trẻ không gặp phải những vấn đề về cách hành xử.

Điều này sẽ giúp trẻ có được sự tự tin cũng như tin tưởng bởi trẻ luôn biết rằng mình có thể chia sẻ mọi thứ với cha mẹ. Bên cạnh đó, nó cũng sẽ giúp trẻ dễ dàng hơn trong việc xây dựng những mối quan hệ xung quanh mình.

10 lời khuyên giúp phụ huynh nuôi dạy trẻ một cách toàn diện nhất - 4

8. Không nên tránh né những cuộc tranh luận với con

Khi trẻ bước vào tuổi mới lớn, sẽ rất khó để có thể tránh khỏi việc đôi lúc trẻ sẽ cự cãi với cha mẹ, mặc dù đôi lúc việc này sẽ khiến bạn tức giận và không muốn vướng vào những cuộc cãi vã không có hồi kết này.

Vì vậy, thay vì tránh né, hãy thẳng thắn trao đổi với trẻ về những thứ khiến trẻ cảm thấy bức tức và khó chịu bởi đây là những thứ giúp trẻ xả bớt những áp lực từ trường lớp cũng như từ các mối quan hệ xung quanh.

Tuy nhiên, trong những cuộc tranh luận với trẻ, các bậc phụ huynh không nên quá áp đặt và khắt khe cũng như bắt con cái phải làm theo những điều mình muốn. Những cuộc tranh luận này chính là cơ hội để trẻ có thể học cách thể hiện mình.

9. Không nên áp đặt sự hoàn hảo lên trẻ

Không có ai là hoàn hảo cả vì vậy đừng đặt ra những mục tiêu quá sức đối với trẻ và bắt trẻ phải làm mọi cách để đạt được những mục tiêu này. Điều này không chỉ khiến các bậc cha mẹ mà cả trẻ cũng trở nên mệt mỏi và luôn phải đối mặt với những áp lực không đáng có.

10 lời khuyên giúp phụ huynh nuôi dạy trẻ một cách toàn diện nhất - 5

10. Học cách hiểu tâm lý của trẻ

Đa số những bậc cha mẹ đều cho rằng mình hiểu rõ con cái của mình như lòng bàn tay song điều này trong một số trường hợp lại khiến cha mẹ và con cái trở nên xa cách; đặc biệt là đối với những trẻ gặp khó khăn trong việc biểu lộ cảm xúc, ít nói cũng như ít chia sẻ với những người xung quanh.

Những trẻ ở dạng này luôn tỏ ra bình thường trước mặt mọi người, kể cả với cha mẹ mình song các em lại luôn phải tự cố gắng để tìm ra cách giải quyết những vấn đề mình gặp phải. Vì vậy, nếu các bậc phụ huynh luôn cho rằng mình quá hiểu con cái và cho rằng các em hoàn toàn không gặp phải vấn đề gì thì điều này không ít thì nhiều cũng sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.

Theo đó, các bậc cha mẹ cần học cách nắm bắt tâm lý của trẻ và lưu tâm tới những thay đổi trong hành vi của trẻ dù là nhỏ nhất để có thể đưa ra những lời khuyên và giúp trẻ vượt qua những vấn đề của trẻ.

Ninh Nhật (theo livescience)