Miền núi Nghệ An:

1 điểm mỗi môn vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu lớp 10

(Dân trí) - Năm học mới đã cận kề nhưng nhiều trường THPT ở miền núi tỉnh Nghệ An vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Một số trường, điểm tuyên sinh chỉ ở mức 1 điểm/ môn, thậm chí dưới 1 điểm vẫn trúng tuyển.

 

que-phong-3c5cf
Trường THPT Quế Phong mặc dù chỉ có điều kiện không có môn nào bị điểm liệt nhưng đến nay vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu.

Năm học 2015-2016, Trường THPT Kỳ Sơn (Nghệ An) tuyển 600 chỉ tiêu cho các lớp khối 10. Ngay từ đầu mùa tuyển sinh, nhà trường tiếp nhận 750 hồ sơ đăng ký dự thi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trường vẫn chưa tuyển sinh đủ chỉ tiêu trong khi đó theo lịch thì các học sinh đã tập trung chuẩn bị cho năm học mới.

Theo ông Lê Đức Cát – hiệu trưởng Trường THP Kỳ Sơn, trong đợt 1, điểm chuẩn vào trường là 5,5 điểm/5 môn (Văn, Toán nhân hệ số 2) nhưng chỉ có gần 500 học sinh đủ chỉ tiêu. Sang đợt 2, điểm tuyển sinh đầu vào hạ xuống còn 3,5 điểm/5 môn nhưng trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Bởi vậy, để “lấp đầy” chỉ tiêu 600 học sinh, nhà trường đã cử giáo viên vào tận các xã để thông báo danh sách trúng tuyển, đến từng nhà để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, học sinh. “Đợt 3 có lẽ chỉ cần đăng kí là trúng tuyển”, ông Cát cho biết.

Tại Trường THPT Quế Phong, điều kiện tuyển sinh rất dễ khi chỉ yêu cầu không có môn nào bị điểm 0. Thời điểm hiện tại trưởng tuyển được 80% chỉ tiêu nhưng có đến 50% có phổ điểm 3 môn từ 0,25-0,5 điểm. Điểm trung bình tuyển sinh hàng năm ở Trường THPT Quỳ Hợp 3 cũng không khá hơn là mấy, giao động ở mức từ 4,75- 5 điểm.

thpt-quy-hop-3-28082015-ae12f
Điểm tuyển sinh vào lớp 10 của Trường THPT Quỳ Hợp 3 giao động từ 4,75-5 điểm/5 môn.

Điểm tuyển sinh đầu vào thấp khiến chất lượng giáo dục của các trường miền núi cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Như tại Trường THPT Quỳ Hợp 3, trong đợt khảo sát chất lượng đầu năm học 2014-2015 vửa qua chỉ có chưa đầy 50% học sinh vượt qua. Theo ông Võ Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3 thì nguyên nhân của tình trạng này là do các em học sinh bị hổng kiến thức ở các cấp học trước đó.

Không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh đầu vào mà việc hổng kiến thức còn khiến các em có tâm lý chán học, sợ học hoặc không có ý thức trong việc học tập và sẽ dẫn tới bỏ học. Năm học 2014-2015 vừa qua, ở Trường THPT Quỳ Hợp có 30 em bỏ học, bên cạnh đó, có 7 em xin nghỉ giữa chừng vì lập gia đình. Tại Trường THPT Quế Phong, tính riêng năm học 2014 – 2015 đã có hơn 90 học sinh bỏ học.

Không tuyển đủ chỉ tiêu nhưng với số học sinh đã tuyển được, các trường cũng hết sức vất vả trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục. “3 năm cấp ba, trường chúng tôi phải chạy đua để đảm bảo chất lượng. Không chỉ chạy đua với chương trình cấp 3 mà giáo viên phải bổ túc kiến thức cấp 2, thậm chí là cả kiến thức tiểu học cho các em học sinh để các em có thể theo kịp với chương trình”, ông Lê Đức Cát – Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn tâm sự.

Ông Võ Văn Mai, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT Nghệ An) cũng thừa nhận: “Thực tế, các trường trung học miền núi cao khó khăn về công tác tuyển sinh (tuyển không đủ chỉ tiêu, tuyển sinh kéo dài, chất lượng tuyển sinh thấp) và công tác duy trì sĩ số. Để khắc phục tình trạng này, theo tôi trước tiên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cho phụ huynh, học sinh nhận thức được ý nghĩa, lợi ích của việc học.

Trong công tác tuyển sinh phải xây dựng tốt kế hoạch, phải thông tin tuyển sinh kịp thời, đầy đủ, phải có những giải pháp gợi mở để phụ huynh thấy được hướng khắc phục khó khăn. Bên cạnh đó, cần quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ học sinh, động viên kèm cặp giúp đỡ học sinh yếu kém và đảm bảo kịp thời các chế độ hỗ trợ của nhà nước… Muốn vậy phải có sự tham gia của nhiều lực lượng như chính quyền các cấp, già làng trưởng bản, các cơ quan đoàn thể”.

Hoàng Lam

(hoanghonglam@gmail.com)