Videoclip: Ai mê? Ai chán?

Sau sự ra mắt của Ngô Thanh Vân với video clip “Thế giới trò chơi”, kế đó là hàng loạt những “sao” trẻ như Thu Minh, Đăng Khôi, Hiền Thục, Nguyên Vũ, Quang Vinh và gần đây nhất là Lam Trường tung tiền chục triệu, thậm chí cả trăm chỉ để ra clip “thỏa mãn” nhu cầu xem của khán giả.

Tuy nhiên cuộc cách mạng trên chỉ đạt kết quả ở vài con số lẻ tẻ còn hầu hết các clip còn lại chỉ “thường thường” bậc trung… Và sau một thời gian dài, Vpop mới nhận ra rằng “cuộc cách mạng Tây Hóa” clip đã hoàn toàn thất bại…!?

Con số 25 triệu/clip của VTV Bài hát tôi yêu lần 3 đưa ra cho các đạo diễn đã bị “chê” là ít và tỷ lệ thuận với điều đó là chất lượng clip năm nay đi xuống thấy rõ. Trong 10 clip do khán giả bình chọn thì kết quả hầu như chỉ thuộc vào ca sỹ chứ không phải vào chất lượng clip. Những cái như “Bài hát cho em và tôi” Quang Hà, “Tôi tìm thấy tôi” Hồ Quỳnh Hương, “Cuối Đêm” Tùng Dương thì vẫn nhan nhản ngoài thị trường. Song song đó những clip được xem là đẹp như “Thôi đừng chiêm bao” Lệ Quyên, “Đêm nằm mơ phố” Nghi Văn… lại chỉ đoạt giải phụ. Điều đó chứng tỏ clip đẹp không hề thỏa mãn được nhu cầu chung của khán giả.

Nhìn vào thực tế, mặc dù cuộc chơi clip của các ca sỹ đang khá được chú trọng với trình độ, ý tưởng quay clip lẫn phục trang, make up làm tóc của chúng ta đều ngang ngửa nước ngoài. Thế nhưng công chúng xem ra vẫn đứng ngoài cuộc. Thu Minh “lỗ” cả trăm triệu với clip “Bóng mây qua thềm” ấy thế mà “Bóng mây qua thềm” vẫn không sốt. Hiền Thục “tươi mới” và “nóng bỏng” y như MTV ấy vậy mà clip vẫn chỉ loanh quanh một vài khu vực thành thị.

Đăng Khôi “nối gót” Ngô Thanh Vân và Hồng Nhung quay clip “Chiếc lá tình yêu” thế nhưng đón nhận thì chỉ có dân Hà Thành còn TPHCM thì hoàn toàn “im lặng” vì cho rằng xấu quá, không thấy rõ mặt. Nguyên Vũ thì “ăn ca khúc” chứ chẳng phải ăn hình nên clip “Tình chợt đến” dù rất công phu với đạo diễn Huỳnh Phúc Điền nhưng nhắc đến chẳng ai nhớ nhiều. Ngay cả video clip mới đây nhất của Lam Trường cũng chỉ tiêu thụ mạnh tại các trung tâm lớn còn về tỉnh thì chỉ là chuyện… bình thường. Kết quả clip đẹp bỏ ra hàng mấy chục triệu chỉ để khẳng định đẳng cấp “chốn đô thành” còn khán giả bình dân (chiếm 80% thị trường ca nhạc) thì lại khá hững hờ…

Thực chất khán giả thích gì?

Nếu mong vào clip đẹp để “đẩy” ca sỹ thì cho đến giờ chỉ có Ngô Thanh Vân. Sở dĩ có được như vậy là vì “Thế giới trò chơi” giống một game hơn là một clip. Chính những hình ảnh 3D được xử lý khá “nhuyễn” khiến khán giả cuốn hút. Còn hầu hết muốn ăn phải là clip truyện. Thành công đầu tiên là Lý Hải với series “Trọn đời bên em” ra đến phần 5 mà vẫn còn “ăn”. Theo gót anh là Trần Tâm với “Sau một tình yêu”, “Người đàn ông chân thật”; Ưng Hoàng Phúc với những clip khá đơn giản nhưng lại rất được yêu thích như “Thà rằng như thế”, “Hứa thật nhiều thất hứa thật nhiều” hay như gần đây nhất là “Đàn ông sống hết tình còn nghĩa”, H.A.T tạo điểm nhấn với clip “Yêu làm chi”,  AXN với “Trái tim anh khắc tên em”… Đó là những câu chuyện tình yêu với tình tiết hấp dẫn pha trộn nhiều chi tiết “tạp kỹ” như võ thuật, đánh kiếm…

Trước đây Kim Lợi Studio cũng đã từng thành công khi “đẩy” Lam Trường, Đan Trường, Cẩm Ly… với những clip được mô phỏng theo những câu chuyện kiếm hiệp của Kim Dung như Thần Điêu Đại Hiệp, Tuyết Sơn Phi Hồ, Tiếu Ngạo Giang Hồ… Dân trong nghề cho là “chợ” nhưng thực tế nếu đem ra “thi đấu” ngoài thị trường, clip “chợ” lại ăn. Lý do duy nhất giải thích cho “chiến thắng” này là nhu cầu của khán giả bình dân. Hình ảnh quá hình tượng, quá nghệ thuật sẽ khiến họ cảm thấy nhàm chán và “đơn điệu”.

 

Videoclip: Ai mê? Ai chán? - 1
 

 

Đó là chưa kể video clip Việt Nam “Tây Hóa” theo kiểu bắt chước. Từ ideal đến các góc máy được học tập “ngày càng bài bản” nhưng lại không mang điểm nhấn riêng. Người xem chỉ ngờ ngợ về một hình ảnh quen thuộc hoặc những cách trang trí phông màn để rồi “ôi! Lại ăn cắp..”. Video clip thứ hai của Ngô Thanh Vân rơi vào tình trạng như thế.

Đó là chưa kể đến việc những bản ballad nhè nhẹ của dòng nhạc trữ tình tuy nhìn vào công phu dàn dựng là thế nhưng quá đơn điệu, hình ảnh quá trùng lắp thậm chí quá giống nhau từ clip này sang clip khác, khiến khán giả mau chán. Có thể “kiểm soát” vấn đề này qua clip của Quang Dũng. Do đó từ việc xa lạ dẫn đến không quan tâm và mất kiểm soát. Ai muốn làm gì thì làm và từ đó biến thị trường clip Việt trở nên “hỗ lốn”.

Thậm chí ngay cả việc đầu tư clip cũng vậy. Ngay trong cùng 1 VCD nhưng clip có đẳng cấp chênh lệch đến lạ, từ màu sắc đến phối cảnh khiến khán giả cảm thấy bị “chõi” mắt. Chẳng hạn như trong VCD của Hiền Thục, hai bài “Lạc Lối” (Chu Minh Ký) và “Chuyện tình trong tủ kính” (Tú Trung) lại quá chêch lệch về màu sắc lẫn trình độ đạo diễn so với các clip còn lại.

Hướng nào cho video clip Việt

Sự xuống dốc của những ý tưởng trong VTV Bài hát tôi yêu lần 3 là minh chứng khá rõ ràng cho những clip Việt đang “Tây hóa” không bài bản. Cho nên sự lạm dụng của những tên tuổi nước ngoài để đảm bảo clip là điều chắc chắn. Nhưng liệu những con người “ngoại quốc” kia có thực sự là những người có tài hay chỉ là sự “bơm thổi”.

Rất nhiều ý kiến cho rằng điện ảnh Việt Nam đang lên ngôi và cách “ăn theo” nó là thực hiện những clip được dàn dựng theo câu chuyện, có lồng tiếng và cả những “sound effect” tiếng động như thật. Minh chứng khá hùng hồn cho điều đó là phim ca nhạc ngắn “Hoàng tử đại dương” được đến 3 công ty “hùn” vào thực hiện với phần hậu kỳ video ở “tận”… Thái Lan (dù Việt Nam có Vafaco Film được xem là khá nhất Đông Nam Á về việc làm hậu kỳ cho video).

Cái gì cũng phải có gốc, sự “học tập” cho dù có cố gắng đến đâu cũng chỉ là bề nổi. Không phải khuyến khích clip Việt nên “chợ” mà là khuyên clip Việt nên nhìn vào thị trường của mình. 50 – 60 ngàn bản cho một sản phẩm băng đĩa không phải là một cái gì quá to lớn với Việt Nam có dân số 80 triệu dân. Và cũng đừng đem đĩa lậu ra làm nguyên nhân chính.

Trung Quốc, Hongkong thậm chí là trung tâm đĩa lậu lớn nhất thế giới nhưng ca sỹ của họ vẫn “tẩu tán” cả chục triệu bản/lần đấy thôi. Cái chính là chúng ta nên nhìn vào và định hướng khán giả. Không phải cứ cố “trừu tượng hóa” cho thật cao để rồi “ca tụng” nó là nghệ thuật.

 Theo Giaidieuxanh