Tiếp thị văn chương thời hiện đại

(Dân trí) - Thời buổi kinh tế thị trường, người ta hay tổ chức hội chợ hoặc ít ra cũng tăng cường "tiếp thị". Văn chương không thể không quan tâm tới việc này. Công việc tiếp thị trong văn chương khác hẳn trong kinh tế, không thể "lăng xê" vô tội vạ để bán sách lấy tiền...

Những gương mặt của số hoá

 

Chỉ cần một cú nhấn chuột nhẹ nhàng vào các trang web như: www.tintuc.vnn.vn, www.moingay1cuonsach.com.vn, www.vietnamwebsite.net/ebook... bạn có thể được đọc những tác phẩm kinh điển của W. Shakespeare,

Gabriel Garcia Marquez... mà không cần phải mất thời gian lùng sục trong các cửa hàng sách và tốn tiền mua sách. Đó là văn chương thế giới. Còn văn chương việt Nam trong thời buổi @ thì sao?

 

Tiên phong trong việc tiếp cận với công nghệ tiên tiến này có lẽ phải kể đến nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Chỉ với một cú click chuột vào địa chỉ: http://nguyenhuythiep.free.fr, bạn đọc sẽ thấy ngay được hình ảnh của nhà văn trên giao diện chính của trang web. Khá bắt mắt, đẹp, có phần sang trọng là những gì người ta có cảm nhận về ngôi nhà số cá nhân của Nguyễn Huy Thiệp.

 

Được trình bày với 3 ngôn ngữ cơ bản: Việt, Anh, Pháp với những thông tin cá nhân về tác giả, tác phẩm, có lẽ Nguyễn Huy Thiệp đã phần nào thành công trong dụng ý đưa văn chương của mình đến gần với mọi thành phần trên thế giới, nơi những xứ sở xa xôi với những con người xa lạ, chỉ cần hiểu về nhau từ ngôn ngữ.

 

"Tổng hành dinh" Hội Nhà văn Việt Nam cũng góp mặt trên làng công nghệ ảo với tên miền www.litcorifund.org.vn, nhưng dường như, ngoài phần giới thiệu buồn tẻ về Hội, về quan hệ Quốc tế, rồi Quỹ bản quyền thì nội dung trang web khá nghèo nàn và không có thông tin gì đáng kể cho bõ công truy cập.

 

Thiết nghĩ, với số lượng vài trăm hội viên, vài nghìn tác phẩm như hiện nay, tại sao www.litcorifund.org.vn lại không cố "gia công" một chút cho có hương có vị của một món cỗ, chứ đừng chỉ là những chiếc đĩa, chiếc bát bày lên cho đủ lệ bộ mà thôi?

 

Các nhà văn trẻ thường "tận dụng" internet trong việc quảng bá văn chương cá nhân của mình trên những blog (nhật ký riêng) của họ. Đơn cử có những blog có khá nhiều lượng khách thăm viếng như www.daophonglan.vnweblogs.com (nhà thơ trẻ Đào Phong Lan), http://360.yahoo.com/blogthothunguyet (nhà thơ Thu Nguyệt), http://360.yahoo.com/profile-iwg0uzAicqhA8tN6dElS4QapY8.cDw--?cq=1(Dương Bình Nguyên), http://360.yahoo.com/profile-Vu7viS0laaeZd4RQ7woX3YU-?cq=1(Trang Hạ), http://360.yahoo.com/profile-q2O2iv4larPq7QXLiZpKBd8_8g--?cq=1  (Trương Quế Chi)...

 

Họ chọn blog để thể hiện lòng mình và post các tác phẩm của mình lên đó, mục đích đầu tiên là chia sẻ, tìm những tiếng nói chung về văn chương, sau đó mới thực hiện những bước tiếp theo trong công cuộc "bán văn" của mình.

 

Nổi lên như một hiện tượng "văn chương thương mại", thời kỳ đầu năm 2006, độc giả quan tâm đến văn học đều biết và thăm viếng website www.sachcuatrang.com của Trần Thu Trang khi cô lập ra trang web này với mục đích rõ ràng là "tiếp thị" cho các cuốn sách: Nhật ký tình yêu, Phải lấy người như anhChuyện của Trang.

 

Dĩ nhiên, không phải ai cũng có đủ dũng cảm để thừa nhận rằng mình lập website ra là để "bán văn" như Trang. Song, với những gì Trang làm thì đó cũng là một điều đáng để các "đại gia" của giới văn chương phải... áy náy về cách tiếp thị của Trang (!?)

 

Những "đại gia" thuộc trường phái bảo thủ

 

Có tác giả lớn tuổi thừa nhận rằng ngòi bút đã chai cứng mất rồi nên họ không có tha thiết gì với việc tự tiếp thị văn chương của mình đến với công chúng nữa? Thế nên, mới có những trường hợp không ít nhiều nhà văn "lão làng", nhiều cây đa, cây đề của làng văn Việt Nam vẫn không chịu đụng chân, đụng tay vào máy vi tính, chỉ với lý do: "Số hóa cái gì thì cái, riêng văn chương thì không".

 

Có người còn mạnh miệng bảo: "Hay ho gì thứ nét niếc vớ vẩn. Tớ viết bằng tay vẫn hay chán". Nói như vậy phải chăng là một cách nguỵ biện để bào chữa cho tính bảo thủ cố hữu của mình, bởi có lẽ inernet chỉ là phương tiện để con người làm việc, chứ có ảnh hưởng gì đến thiên chức sáng tạo của nhà văn.

 

Thậm chí, có "đàn anh" còn cương quyết phản đối hơn với những phát biểu kiểu: "Dính đến internet chỉ thui chột sáng tạo... Người ta post bài lên mạng nhiều quá, mình đọc, rồi lại nhụt khí anh hùng". Có những người không dùng email, chỉ có "hứng" khi viết bằng tay chứ ngồi trước màn hình máy tính thì chỉ có... chơi game.

 

Thực ra, thái độ lạnh lùng với máy móc và số hoá ở đây cũng chả có lỗi gì. Nhưng cái chính là, nếu không có sự đổi thay uyển chuyển, hoà mình vào trong không khí chung của xã hội thì có lẽ, sáng tác văn học xong rồi thì cứ đem cất vào trong kho, lâu lâu đem ra ngắm thôi chăng?

 

Vẫn biết rằng sáng tạo nghệ thuật là quyền của mỗi người khi có năng khiếu, và lựa chọn bút bi, bút máy hay internet, máy tính cũng là quyền của họ. Nhà văn cũng vậy. Song lựa chọn phương pháp sáng tạo như thế nào, "thủ công" hay số hoá cũng là một vấn đề để mọi người cũng suy nghĩ rồi quyết định cho mình. Nếu chỉ chăm chăm trung thành với ý tưởng, với lập luận của mình thì mong mỏi đưa văn học Việt Nam ra thế giới đến khi nào sẽ thực hiện được?

 

Mở lòng đón nhận văn chương số hoá, nên chăng?

 

Song Minh