Thi đấu nhan sắc trên trường quốc tế: Người đẹp Việt kể khổ…

(Dân trí) - “Tôi đã bị Ban tổ chức “nhắc nhở” khi một lần vô tình chụp ảnh, tôi để người khác khoác lên vai. Họ nhắc nhở vì muốn “bảo vệ” tôi nhưng tôi buồn khi nghĩ rằng nếu mình tìm hiểu kỹ hơn về phong tục nước chủ nhà thì đâu đến nỗi…”, Á hậu Nguyễn Ái Châu kể lại.

Triệu Nguyễn Thu Trang: Thi cử cứ như… trò đùa!

 

Lần đầu tiên đi thi cuộc thi Nữ hoàng Du lịch Quốc tế 2007 tại Trung Quốc, tôi không tránh khỏi những lo lắng. Lịch diễn tập, thi kín mít cộng với việc phải di chuyển thường xuyên làm tôi rất mệt. Sức khoẻ của tôi vốn không được tốt lắm. Thời tiết thay đổi, tôi bị xoang, lại càng mệt mỏi hơn. Sau cuộc thi này, trở về Việt Nam, tôi lăn ra ốm. Trước khi đi thi, tôi nặng 52 kg, giờ “sụt” xuống chỉ còn 50 kg.

 

Cũng vì lần đầu tiên đi thi cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ quốc tế tôi cảm thấy rất bỡ ngỡ, mọi thứ không được chuẩn bị chu đáo. Thí sinh các nước, được chuẩn bị rất kỹ mọi thứ. Có thí sinh được người nhà hoặc người quản lý đi cùng nên họ rất thoải mái. Tôi chỉ có một mình, phải lo mọi thứ từ A đến Z: tự trang điểm, làm tóc, chọn trang phục…

 

Thi đấu nhan sắc trên trường quốc tế: Người đẹp Việt kể khổ… - 1

Triệu Nguyễn Thu Trang đến khổ vì sự cố “ bỏ thi bikini rồi lại… thi bikini”.

 

Tôi chưa được trang bị kinh nghiệm “đấu đá” nơi xứ lạ, tin người nên cho thí sinh người Pháp mượn máy cuốn tóc và cô ta… làm mất. Các phần thi sau này, tôi mất rất nhiều thời gian để kẹp tóc. Đêm chung kết cuộc thi, tôi lại gặp “sự cố con gái” nên phần trình diễn áo tắm không được tự tin, thoải mái.

 

Chuyện thiên vị thí sinh này, thí sinh khác vẫn diễn ra. Ví dụ: tôi và một số thí sinh thấy bất bình khi người đẹp nước chủ nhà nhận được quá nhiều sự ưu ái. Cô gái ấy thường xuyên bỏ luyện tập, đi muộn nhưng không ai “ho he” gì. Ban giám khảo quan tâm, gọi cô ấy ra hỏi chuyện, kéo đi chụp ảnh… Sự nâng đỡ thí sinh này, thờ ơ với thí sinh khác cũng khiến những người trong cuộc chạnh lòng.

 

Hơn nữa, việc Ban tổ chức luôn thay đổi kế hoạch khiến các thí sinh bị động và rất vất vả để chuẩn bị. Như thông tin tôi bỏ thi bikini rồi lại… thi bikini cũng là vì thế. Ban tổ chức thông báo sẽ thi bikini và tài năng trong cùng buổi tối. Vì sợ không đủ thời gian nên tôi chỉ đăng ký phần thi tài năng. Nhưng vì thấy có quá nhiều tiết mục đăng ký, Ban tổ chức tự ý cắt phần thi của tôi cũng như một số thí sinh khác phía cuối danh sách.

 

Một thiệt thòi nữa của thí sinh Viêt Nam là luôn đứng cuối danh sách khi người ta xếp thứ tự theo bảng chữ cái. Về sau tôi mới biết, phần thi bikini là bắt buộc. Sở dĩ tôi không có sự chủ động, chuẩn bị là do người quản lý cũng như Ban tổ chức không báo trước, thay đổi kế hoạch xoành xoạch. Lúc đó nghĩ cũng buồn, thi cử gì mà cứ như… trò đùa!

 

Nguyễn Ái Châu: Khi tôi đoạt giải, nhiều thí sinh tỏ vẻ ngạc nhiên…

 

Một mình “đem chuông đi đánh xứ người” thật lẻ loi. Lần đầu tiên xuất ngoại, dù tự tin đến mấy cũng không dễ dàng gì đối với cô gái mới 20 tuổi như tôi. Đặt chân xuống Đài Loan lúc 10 giờ đêm, tôi không thấy ai trong Ban tổ chức ra đón. Loay hoay ở sân bay một lúc, tôi may mắn được nhóm sinh viên Đài Loan giúp đỡ, nhờ đó tôi mới liên lạc được với Ban tổ chức. Cảm giác lúc đó rất đơn độc.

 

Tôi thấy thật thiệt thòi khi chỉ có gần 2 tháng để chuẩn bị mọi thứ cho cuộc thi Hoa hậu Tuổi trẻ Quốc tế 2007. Không có thời gian nên trước ngày đi thi, tôi mới tranh thủ học trang điểm cấp tốc từ một người bạn. Vì tự trang điểm, chưa được chuyên nghiệp nên gương mặt của tôi không tạo được ấn tượng như mong muốn.

 

Bên cạnh đó, việc đi thi gấp gáp làm tôi chưa kịp trang bị nhiều kiến thức xã hội, giao lưu cho bản thân. Nhiều người khắt khe cho rằng, trang bị kiến thức xã hội là cả một quá trình học tập, rèn luyện của cá nhân mỗi người đẹp. Nhưng đó là kiến thức phông nền, chứ không phải ai cũng được biết về phong tục tập quán, cách giao tiếp với người nước ngoài… chỉ trong thời gian ngắn.

 

Đơn giản như, chuyện dự tiệc, cách thức sử dụng dao, thìa ra sao cho lịch thiệp, duyên dáng. Khi chụp ảnh thì cử chỉ ra sao cho thân thiện mà không suồng sã... Tôi đã bị  Ban tổ chức “nhắc nhở” khi một lần vô tình chụp ảnh, tôi để người khác khoác lên vai. Tôi hiểu họ nhắc nhở vì muốn “bảo vệ” tôi nhưng tôi buồn khi nghĩ rằng nếu mình tìm hiểu kỹ hơn về phong tục nước chủ nhà thì đâu đến nỗi… Có rất nhiều tình huống làm tôi ngỡ ngàng.

 

Thi đấu nhan sắc trên trường quốc tế: Người đẹp Việt kể khổ… - 2

Ái Châu (ngoài cùng, bên trái) đã vượt lên sự e ngại, hoà đồng với bạn bè các nước và “rinh” hai giải phụ tại cuộc thi Hoa hậu Tuổi trẻ Quốc tế 2007.

 

Dù Ban tổ chức đối xử với các thí sinh như nhau nhưng tôi vẫn cảm giác thí sinh Việt Nam không được coi trọng lắm. Có thể tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế, nhiều người chưa biết nhiều đến Việt Nam, con người Việt Nam. Cũng có thể trong mắt họ, mình không có điểm nổi bật gì. Những thí sinh biết đến Việt Nam thì có người không thể hiện sự đón nhận tôi.

 

Tại cuộc thi, tôi rất hoà đồng, thân thiện và không hề đóng kịch nhưng đa phần các thí sinh chơi theo nhóm như nhóm thí sinh Đài Loan, Hồng Kông, Singgapore. Một số người nói những điều không hay lắm…

 

Một thiệt thòi nữa, nó “vô hình” nhưng hiện hữu rõ ràng trong sự cảm nhận của tôi. Tôi đã luôn thể hiện sự tự tin và cố gắng hết sức mình để không thua kém bạn bè. Khi tôi đoạt hai giải: giải nhất Người có nụ cười đẹp nhất và giải ba Người có làn da đẹp nhất đã có rất nhiều thí sinh tỏ rõ sự ngạc nhiên. Khi Ban giám khảo xướng tên, tôi đứng dậy, cười vui, quay xuống chia vui với các bạn nhưng tôi nhận lại được rất ít nụ cười. Hẳn nhiều người không ngờ Miss Việt Nam không tên tuổi lại giành được cả hai giải thưởng phụ!

 

Phạm Thị Thuỳ Dương: Đi thi mới “thấm”

 

Có rất nhiều áp lực mà người đẹp Việt Nam phải chịu đựng khi tham gia cuộc thi sắc đẹp mang tầm khu vực và thế giới. Đi thi, ai cũng muốn đoạt giải, cũng muốn tự hào đất nước nhưng không phải ai cũng muốn là được. Thành công không chỉ do nỗ lực của một cá nhân mà cần sự nỗ lực, ủng hộ, tin tưởng của cả một tập thể, một quá trình. Các nước như Venezuela, Ấn Độ, Brazin thường có người đẹp đăng quang ở các cuộc thi sắc đẹp thế giới vì đó là kết quả của cả một quá trình đầu tư bài bản, chuyên nghiệp với những lớp học kéo dài vài năm do các bậc thầy trong ngành kỹ nghệ sắc đẹp đào tạo.

 

Người đẹp các nước Châu Âu thân hình rất nổi bật, phong cách trình diễn chuyên nghiệp và không ít người từng giành giải tại các cuộc thi thế giới trước đó. Người đẹp các nước Châu Á dù đã tăng trưởng về chiều cao nhưng sắc vóc không thể “đè” nổi người đẹp phương Tây. Nếu đứng giữa hơn 100 thí sinh thì thí sinh Việt Nam khó có thể thu hút nhiều sự chú ý của Ban giám khảo.

 

May mắn của tôi đến với cuộc thi Hoa hậu quốc tế là đã được trang bị chút ít kinh nghiệm từ các cuộc thi sắc đẹp trong nước. Về trang phục, tôi hoàn toàn hài lòng về các mẫu thiết kế của nhãn hiệu Kelly Bùi. Các thí sinh đều khen các trang phục tôi mặc và Ban tổ chức cũng ấn tượng với gương mặt của tôi. Họ nói tôi giống với Hoa hậu Hoàn vũ Riyo Mori.

 

Chuyện người ta nhầm lẫn tôi với Riyo Mori được báo chí đề cập và có người “hỏi khó” và cho rằng tôi thích thú với sự được nhầm lẫn ấy. Thực ra, các thí sinh trêu đùa như vậy chứ tôi chưa bao giờ tự nhận là mình vui khi được so sánh cả. Tôi tự hào vì mình là người Việt Nam...

 

Thi đấu nhan sắc trên trường quốc tế: Người đẹp Việt kể khổ… - 3
 Thuỳ Dương nói không vui sướng gì khi bị nhầm lẫn với Hoa hậu Hoàn Vũ Riyo Mori.

 

Người đẹp Việt Nam đi thi Hoa hậu quốc tế đều muốn quảng bá về hình ảnh đất nước mình. Nhiều khi phải vận dụng sự linh hoạt nhất. Tại sao cứ thấy máy ảnh, máy quay ở đâu là phải chạy tới? Vì mình lên hình càng nhiều càng tốt. Để cho thế giới biết đấy là Miss Việt Nam. Chỉ cần nhiều người trên thế giới nhìn thấy chữ Việt Nam, không cần họ nhớ tên mình, thế đã là một cách “tiếp thị” nước mình hiệu quả nhất. Về sự khôn ngoan và đưa hình ảnh Miss Việt Nam đến nhiều người dân trên thế giới phải kể đến Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền. Vậy mà, người không hiểu, lại “mổ xẻ”, cho rằng thí sinh Việt Nam… “khôn” quá!?

 

Phải nhìn nhận là, thí sinh Việt Nam đi thi gặp rất nhiều thiệt thòi. Có những thiệt thòi mà chỉ người đi thi mới “thấm” được. Cho đến lúc này, tôi chỉ có thể nói rằng tôi đã cố gắng hết sức mình vì màu cờ sắc áo, vì bản sắc dân tộc và không bao giờ phải nuối tiếc về những điều mình đã làm. 

 

Nguyễn Hằng