Thanh Tùng: "Không đa tình tôi đã không viết được nhạc"

Về lại với âm nhạc sau 6 năm vắng bóng, vẫn là một Thanh Tùng sang trọng, trầm tĩnh và rất... thẳng thắn. "Ông già sành điệu" này tiếp tục viết về tình yêu dù hiện vẫn "một mình". Ông đã trò chuyện về chuyện đời, chuyện nghề trước "ngày trở lại".

Trong chương trình lần này, bên cạnh những bài cũ, tôi sẽ giới thiệu 3 tác phẩm mới: Đôi khi, Đếm lá ngoài sân Bão đêm, 1 bài pop và 2 bài còn lại là rock chậm, trữ tình. Có lẽ đây chỉ là một bước giậm để lấy đà cho liveshow nhạc được tổ chức vào tháng 9 năm nay. Vào thời điểm đó, nếu sức khoẻ đảm bảo, có thể "ông Thanh Tùng" sẽ gửi đến mọi người hơn 10 nhạc phẩm mới.

Tên chương trình "Trở lại đi, Thanh Tùng" là lời kêu gọi của mọi người, cũng đồng thời là lời nhắc nhở tôi không được ngủ vùi trong quá khứ. Tôi thấy hình như mình vẫn còn cần cho một công việc nào đấy, điều này thôi thúc và cho tôi rất nhiều sức mạnh để làm việc.

- Cuộc mưu sinh và căn bệnh vừa trải qua ảnh hưởng đến một Thanh Tùng lãng mạn mà mọi người vẫn biết như thế nào?

Nghề sáng tác cũng như nhiều nghề khác trong cuộc sống, đòi hỏi sức lao động cần mẫn. Riêng với sáng tác nghệ thuật, một lao động phức tạp, còn đòi hỏi nhiều sức khỏe hơn. Trong thời gian dài dưỡng bệnh, tôi hầu như không còn sức khỏe để nghĩ đến âm nhạc. Trong những cơn đau về thể xác lẫn tinh thần thì dường như cảm xúc trong âm nhạc cũng ít đi.

Lâu lâu tôi cũng ghi chép lại những ý tưởng của mình, nên khoảng thời gian 6 năm không sáng tác cũng không phải là vô bổ. Ít sáng tác chứ không phải là lãng quên hoàn toàn. Tôi đã có khoảng thời gian để chiêm nghiệm, tích lũy thêm nhiều điều đáng quý trong cuộc sống.

Nếu bây giờ khán giả mong muốn được nghe một bài hát mới nhiều lửa, nhiều cảm xúc như "Giọt sương trên mí mắt", ông nghĩ sao?

Còn có thể hơn như vậy chứ. Tôi từng thành công, thất bại nên hiểu được nghề của mình và có những linh cảm như vậy. Tôi đã viết rất nhiều, nhưng không thích công bố tất cả. Một tác phẩm còn chưa hài lòng (dù chỉ một phần nhỏ), mà đem đến mọi người thì ray rứt lắm. Tôi rất sợ phải làm khổ lỗ tai người nghe.

Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng Thanh Tùng là một nhạc sĩ đa tình?

Nếu không đa tình thì tôi đã không viết được nhạc. Nhưng mười lăm năm sau ngày vợ mất, vẫn ở vậy nuôi con thì tôi cũng thuộc dạng người chung thuỷ đó chứ. Chưa bao giờ yêu một phụ nữ có gia đình và cũng chưa bao giờ phản bội gia đình để yêu một phụ nữ khác, tôi cũng là một công dân rất tôn trọng luật hôn nhân gia đình của Việt Nam đấy (cười).

Vậy cảm hứng cho những sáng tác mới vẫn còn đầy hơi thở của tình yêu là từ đâu?

Tôi đáp trả lại tất cả những gì mình đã nhận.

Nhạc Trịnh Công Sơn đã có Khánh Ly, Văn Cao đã có Ánh Tuyết... Còn nhạc Thanh Tùng đã tìm được cho mình một giọng ca nào tâm phúc?

Nhạc của tôi nhiều người hát được đó chứ. Trước đây có Ngọc Thúy và sau này là Thanh Lam, Hồng Nhung. Trong thời gian gần đây, tôi đang cố xây dựng một thế hệ ca sĩ kế tục họ. Những người học trò mới của tôi đã trải qua một quá trình tuyển chọn và huấn luyện rất gay gắt. Họ sẽ có đủ sức chinh phục khán giả Việt Nam và mang sứ mạng truyền tải ca khúc Việt Nam đến với khu vực và thế giới. Tôi cũng mong là họ sẽ có đủ bản lĩnh để chứng tỏ cho thế giới biết rằng đây là những ca sĩ Việt Nam được nhiều người yêu mến.

Cái khó nhất của những người học trò này hiện nay là cần phải chuẩn bị kỹ năng biểu diễn trong một khoảng thời gian rất gấp, đặc biệt là với nữ ca sĩ. Ở Việt Nam, họ sẽ phải làm việc gấp đôi vì khi đã qua tuổi nhiệt huyết thì cơ hội để hoà nhập cũng sẽ trôi qua rất nhanh.

Một người ca sĩ thành công ngoài chuyện hiểu biết kỹ thuật âm nhạc bài bản phải học văn học, triết học, mỹ học. Nếu không họ cũng sẽ chỉ là "hồn Trương Ba, da hàng thịt", có nghĩa là xuất hiện như một người có văn hoá nhưng thật sự không hề có văn hoá, đạo đức, khiếu thẩm mỹ.

Còn đồng nghiệp của ông, những nhạc sĩ trẻ, ông thấy họ đảm đương công việc của người chở cảm xúc như thế nào khi có ý kiến đánh giá nội dung tư tưởng và ca từ trong ca khúc Việt Nam đang đi xuống trầm trọng?

Tôi từng là một người trẻ tuổi, tốt nghiệp trường lớp âm nhạc năm 23 tuổi nhưng đến khi 30 tuổi tôi mới có nhạc phẩm đầu tay vì tôi thấy mình thiếu nhiều lắm, bản lĩnh, sự từng trải, cảm xúc, chữ nghĩa... Tôi cảm thấy lời nhạc của tôi lúc đó ngô nghê lắm, ít văn hoá, vay mượn... Đúng là những cái xuất phát từ trái tim của người nhạc sĩ thì không có một trường lớp nào có thể dạy được. Tôi không bao giờ nghĩ sáng tác một ca khúc là rao giảng những ngón đàn, điệu nhảy mà chính là là sự chuyển tải cảm xúc của một người cho nhiều người.

Vì một ca khúc là nhạc có lời nên sức mạnh của nó cũng là chỗ này mà thử thách người sáng tác cũng là chỗ này. Những người được gọi là nhạc sĩ bây giờ ít ai là người sáng tác chuyên nghiệp, họ đa phần là những nhạc công từ những ban nhạc, có thể rất thuận lợi về phần kỹ thuật, thành thạo sử dụng phương tiện điện tử, thường nghe nhạc nước ngoài... nhưng lại yếu về ca từ, nội dung tư tưởng trong một nhạc phẩm. Chúng ta đừng nhầm lẫn một nhạc công và một người sáng tác được gọi là nhạc sĩ, nếu nói không rõ thì ai cũng là nhạc sĩ hết.

Các nhạc sĩ nên biết một điều rằng: có thể người nghe không biết sáng tác, nhưng họ biết nghe nhạc, thậm chí họ còn có thể nghe sành hơn cả người sáng tác. Đa số nhạc sĩ trẻ bây giờ viết nhiều mà ít chịu nghe nên dễ sinh ra bệnh gọi là "tự kỷ ám thị", nghĩa là mình nghĩ sáng tác của mình hay nhưng thực tế thì không phải như vậy.

Ông nghĩ sao về nhịp sống sôi động của tuổi trẻ Việt Nam trong ngày trở lại?

Tuổi trẻ ồn ào thì không sao, đôi khi mình không thể trách nhưng tôi muốn nhắc nhở một điều, học sinh - sinh viên không nên xa rời văn hoá đọc và nên dành thời gian nhiều hơn cho việc tìm hiểu khám phá văn hoá truyền thống của dân tộc, cân đối việc này với việc tìm hiểu văn hóa thế giới. Có như vậy thì mình mới nhìn rõ mình hơn và nhìn rõ thế giới hơn. 


Theo Ngôi Sao