Show Mỹ Tâm và trạng thái tĩnh của nhạc Việt

Dù hấp lực của Mỹ Tâm với khán giả vẫn còn khá lớn, nhất là khán giả học sinh - sinh viên, thì "Sức mạnh của những giấc mơ" vẫn chưa đủ "sức" để đưa cô trở thành trọng tâm của làng văn nghệ thời gian này.

Một chương trình biểu diễn xuyên Việt của ngôi sao số 1 thị trường ca nhạc với quy mô sân khấu không lớn nhưng lại có lượng khán giả khổng lồ. Trên lý thuyết, “Sức mạnh của những ước mơ”- tên show diễn của Mỹ Tâm, cũng là tên chiến dịch quảng cáo của hãng Honda, sẽ phải trở thành một sự kiện âm nhạc trong những ngày này. Nhưng cho dù đời sống âm nhạc đang ở trạng thái rất "tĩnh" thì show diễn ồn ào ấy vẫn không khuấy lên được chút "động" nào. Điều gì đang xảy ra?

Nếu như đẩy lùi chuyến lưu diễn dài hơn lại chừng 3-4 năm trước thì "Sức mạnh của những giấc mơ" hẳn đã gây náo động đời sống văn nghệ, sẽ là một sự kiện đủ đặt nhân vật chính thành tâm điểm của sinh hoạt ca nhạc, và ngày đó Mỹ Tâm vẫn chưa là ngôi sao số 1 nên nếu có một "event" như thế này hẳn cô đã thành số 1 nhanh hơn. Ngày ấy khác bây giờ, đương nhiên.

Dù hấp lực của Mỹ Tâm với khán giả vẫn còn khá lớn, nhất là khán giả học sinh - sinh viên, thì "Sức mạnh của những giấc mơ" vẫn chưa đủ "sức" để đưa cô trở thành trọng tâm của làng văn nghệ thời gian này. Bởi đơn giản, show cho sinh viên giờ đây không còn là cái gì ghê gớm như mấy năm trước nữa. Sinh viên đã từ tình trạng "đói" văn nghệ triền miên chuyển sang no đủ từ vài năm nay, từ khi có phong trào "Vòng quanh ký túc xá", và nhất là từ khi rộ lên ca nhạc truyền hình trực tiếp.

Những show diễn ồn ào trong chuyến xuyên Việt của Mỹ Tâm thu hút hàng vạn khán giả, quả là con số đáng mơ ước trong hoàn cảnh mà show lớn làm ra thì lỗ nặng (như Việt Nam ca hát) và nhiều ca sĩ khác đang lên kế hoạch làm liveshow mà chưa biết khi nào mới thực hiện được. Nhưng sau những ồn ào ấy, điều đọng lại là sự "tĩnh" đáng ngạc nhiên của cả bầu không khí âm nhạc. Khác hắn ngày trước, một liveshow như thế diễn ra còn để lại dư âm trong dư luận và báo chí tới cả tháng trời. Dư âm càng kéo dài càng có lợi cho ca sĩ, dù bị chê hay được khen, bởi họ đã trở thành trung tâm chú ý của dư luận, điều mà người của công chúng nào cũng mong muốn.

Sau lý do khán giả đã quá no nê ca nhạc, lại được các ngôi sao yêu chiều hơn hẳn ngày trước, thì lý do tiếp theo giải thích cho sự "tĩnh" đằng sau một chuyến lưu diễn dài hơi như thế hẳn phải là bản lĩnh ngôi sao. Bản lĩnh chứ không phải sức hút thuần túy thị trường. Trong trường hợp Mỹ Tâm, sức hút của cô vẫn rất lớn, nhưng bản lĩnh nghệ thuật thì lại có giới hạn. Show diễn của cô không gì hơn là những đêm diễn phục vụ. Ở đó khán giả thoả mãn được nghe cô hát lại những bài đã làm họ thích thú. Ở đó, cô không đem lại cho họ bất ngờ nào sau tất cả những gì họ đã được biết về cô từ trước. Xem cô hát ở một sân khấu cho riêng mình mà cũng không khác gì trong những show "xếp hàng" khác. Tâm trạng ấy ở người xem cũng giống như đi mua hàng, được phục vụ tốt nhưng chẳng có món hàng nào đặc biệt để phải tâm đắc, xuýt xoa mừng rỡ vì đã sở hữu được.

Nhưng có lẽ bản thân Mỹ Tâm và những người đã làm ra show diễn kia không có tham vọng lớn đến thế. Dẫu sao đây cũng chỉ là một show quảng cáo mà thôi, như Mỹ Tâm từng có show với Sunsilk vài năm trước, và thường là cái gì miễn phí thì cũng dễ tạo cho người đế xem một tâm lý không coi trọng, nói một cách quen thuộc là "không thiêng". Và cho dù người tổ chức hay nghệ sĩ có tâm huyết thực sự, có muốn làm quy mô lớn như bán vé thì tâm lý ở người xem không dễ gì rũ bỏ. Điều ấy sẽ giải thích cho sự "trôi trượt" của những cảm xúc mà đêm diễn tạo ra ở khán giả, ngày hôm sau họ có thể quên ngay thay vì lâng lâng nhiều ngày sau nữa.

Sau những tháng im ắng vì mưa, vì ca sĩ chạy sô hải ngoại, đời sống âm nhạc đã có ngay những phép thử đáng giá về tác động của liveshow đến khán giả. "Sức mạnh của những giấc mơ" là một trong những phép thử ấy và nó cho thấy một điều, không phải cứ ồn ào, cứ miễn phí, cứ nhiều khán giả là đã thành công. Khi nghệ sĩ không khiến khán giả thăng hoa được bằng những "chiêu" mới lạ hoặc độc đáo của mình thì liveshow lại có ngay tác dụng ngược, là thay vì làm ca sĩ nổi hơn nữa, nó có thể sẽ khiến vị trí ca sĩ trên thị trường lung lay ngay.

Khán giả của Mỹ Tâm trong những đêm "giấc mơ" không thấy ở cô một năng lượng mới để có thể đem lại cho họ những bất ngờ dù ngay tại chỗ hay trong tương lai gần. Họ biết rằng cô đã như thế và sẽ vẫn như thế. Sự thờ ơ của báo chí với show diễn này, dù trong lúc đời sống văn nghệ đang rất hiếm chuyện, rất nghèo nàn, cũng cho thấy một phần sự suy giảm sức hút của Mỹ Tâm, bởi người viết sẽ chẳng biết phải viết cái gì cho mới, chẳng lẽ lại làm một công việc rất "thủ công" là làm bài văn miêu tả những gì đã diễn ra. Càng về cuối tour diễn, những bài viết (mà một số trong đó được viết như một hợp đồng với nhà tài trợ Honda) càng ngắn đi và hết sức sơ sài, khác hẳn với hồi Mỹ Tâm làm Ngày ấy và bây giờ.

Sự "tĩnh" như vừa mô tả không chỉ dành riêng cho trường hợp tour diễn của Mỹ Tâm, nó là tình trạng chung của nhạc Việt hiện tại và điều này hẳn sẽ khiến nhiều nghệ sĩ phải thận trọng, dè chừng hơn khi tính chuyện làm show diễn phí hay show kết hợp quảng cáo. Bởi tiền có thể nhiều đấy, show có thể ồn ào ấy, nhưng điều nhận được sau những ồn ào ấy đôi khi không đáng vui (cho nghệ sĩ) chút nào cả.

 Theo Giaidieuxanh