Sài Gòn Tết này… có gì hay?

(Dân trí) - Trong không khí rộn ràng của những ngày cuối năm, khắp nơi đang tất bật chuẩn bị bước vào những ngày nghỉ Tết nguyên đán. Sài Gòn cũng đang hoàn tất những công đoạn trang hoàng cuối cùng để phục vụ cho nhu cầu vui chơi giải trí của người dân.

Sài Gòn Tết… Đi đâu?

Với chủ đề “Mừng Xuân Ất Mùi - Mừng Đảng quang vinh - Mừng đất nước thống nhất”, năm nay TPHCM chủ trương trang hoàng Tết cho các tuyến đường trên địa bàn thành phố đều bám chặt chủ đề này. Ngay từ rất sớm, các con đường như Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hàm Nghi, Đồng Khởi, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Đức Thắng, Trường Sơn, Nguyễn Văn Trỗi… đều đã được trang trí đèn hoa lấp lánh.

Và như một thói quen, chắc chắn người dân Sài Gòn sẽ không thể bỏ qua việc dạo mát trên những con đường lung linh này để ngắm phố phường lúc lên đèn. Không chỉ tận dụng những con đường đã được trang hoàng từ Tết dương lịch, một số tuyến đường cũng được trang trí nối dài thêm hoặc bổ sung các hình ảnh mang không khí Tết nguyên đán.

Năm nay, ngày thứ bảy cuối cùng trước Tết lại trùng hợp khi rơi vào ngày lễ tình nhân. Vì vậy, việc hẹn hò kết hợp với du xuân cuối năm của đông đảo các cặp đôi cũng khiến cho không khí trở nên rộn ràng. Với nhiều công viên quen thuộc ở TPHCM như 30/4, 23/9, Gia Định, Lê Văn Tám, Lê Thị Riêng… đặc biệt khu vực cầu Ánh Sao Phú Mỹ Hưng, Q.7 sẽ là địa điểm rất thích hợp để hẹn hò lãng mạn cho các cặp đôi. Cũng tại đây, một “Đại lộ tình yêu” đã được trang hoàng lấp lánh để dành cho các cặp đôi trong mùa yêu thương năm nay.

Đường phố Sài Gòn sẽ lấp lánh trong suốt những ngày Tết (Ảnh: T.H)
Đường phố Sài Gòn sẽ lấp lánh trong suốt những ngày Tết (Ảnh: T.H)

Về Đường hoa, một trong những sự kiện được nhiều người dân quan tâm mỗi khi Tết về, cũng đang được gấp rút hoàn chỉnh những khâu cuối cùng trước khi mở cửa cho khách thưởng lãm từ đêm 27 tháng chạp đến hết mùng 4 Tết âm lịch (15-22/2). Tuy nhiên, năm nay người dân sẽ tạm quên thương hiệu Đường hoa Nguyễn Huệ như mọi năm vì tuyến đường này đang là nơi thi công metro của thành phố. Thay vào đó, đường hoa sẽ được trang hoàng trên tuyến đường Hàm Nghi, từ đầu vòng xoay chợ Bến Thành kéo dài đến đầu giao lộ hướng ra bến Bạch Đằng.

Riêng Đường Sách năm nay sẽ được khai mạc từ lúc 17 giờ ngày 16/2 (28 tết) đến hết ngày 22/2 (mùng 4 tết). Với chủ đề Bản sắc Việt - Hào khí Việt Nam, Đường Sách được tổ chức trên trục đường Hàm Nghi - Hồ Tùng Mậu - Tôn Đức Thắng với sự tham gia của nhiều đơn vị xuất bản và phát hành sách tại TPHCM. Không chỉ đến để tham quan, lựa chọn những quyển sách hay cho mình trong dịp Tết, người dân còn có thể thưởng lãm các gian hàng thư pháp, tranh ảnh, vật lưu niệm và tham gia các trò chơi dân gian…

Đường hoa Hàm Nghi đang gấp rút hoàn thiện những công đoạn cuối cùng 
Đường hoa Hàm Nghi đang gấp rút hoàn thiện những công đoạn cuối cùng (Ảnh: T.H)

Ngoài ra, bắt đầu từ ngày 13-24/2 (25 tháng chạp đến mùng 6 tết) tại công viên Tao Đàn, hội hoa xuân thành phố cũng được diễn ra như thường kỳ mọi năm. Song song đó, hội hoa xuân ở Phú Mỹ Hưng, Q.7. và chợ hoa tết tại các công viên 23/9, công viên Gia Định, công viên Lê Văn Tám, công viên Hoàng Văn Thụ… cũng đồng loạt diễn ra từ ngày 11-18/2 (23 tháng chạp đến hết ngày 30 tết).

Tại thời điểm này, Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM cùng với Câu lạc bộ văn hóa thể thao Nguyễn Du cũng đang diễn ra phố ông đồ nhộn nhịp. Các khu vực trước cổng và trong sảnh được trang hoàng với những hình ảnh mang đậm không khí Tết như hoa mai, hoa đào, dưa hấu, bánh chưng, bánh tét, thư pháp, biểu tưởng Dê… thu hút đông đảo người dân đến tham quan và chụp ảnh lưu niệm.

Nhà văn hóa thanh niên rộn ràng đón Tết 
Nhà văn hóa thanh niên rộn ràng đón Tết (Ảnh: T.H)

Phố ông đồ và thư pháp diễn ra nhiều nơi 
Phố ông đồ và thư pháp diễn ra nhiều nơi (Ảnh: T.H)

Một trong những sự kiện lớn không thể thiếu vắng trong ngày giao thừa mỗi năm ở TPHCM chính là việc bắn pháo hoa. Năm nay, khu vực bắn tầm cao sẽ diễn ra tại đầu đường hầm sông Sài Gòn (Q.2), công viên Làng hoa, Q.Gò Vấp. Song song đó, bắn pháo hoa tầm thấp cũng sẽ diễn ra tại các địa điểm như công viên Lịch sử - Văn hóa các dân tộc (Q.9), công viên văn hóa Đầm Sen (Q.11), đền tưởng niệm lịch sử Bến Dược (Củ Chi), Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng (H.Hóc Môn), Khu di tích lịch sử Láng Le - Bàu Cò (Bình Chánh), sân bóng đá huyện Cần Giờ. Tất cả các điểm đều bắn pháo hoa kéo dài trong 15 phút từ 00h00 đến 00h15 ngày 19/2 tức mùng 1 Tết âm lịch.

Sài Gòn Tết… Xem gì?

Như mọi năm, UBND TPHCM cùng các quận huyện đều tổ chức các chương trình nghệ thuật công cộng để người dân du xuân và thưởng thức. Từ 20 giờ ngày 18/2 (30 tết) đến 20/2 (mùng 2 tết), người dân có thể đến công viên 23/9, công viên Gia Định, sân khấu đường Trường Sa (khu vực trước Nhà thi đấu Rạch Miễu, Q.Phú Nhuận) để xem chương trình nghệ thuật Mừng xuân Ất Mùi 2015.

Bên cạnh đó, các chương trình biểu diễn văn nghệ quần chúng cũng diễn ra tại Trung tâm văn hóa Q.12, Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng (Hóc Môn), Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (Củ Chi), công viên Lịch sử - Văn hóa các dân tộc (Q.9), thị trấn Cần Thạnh (Cần Giờ), 7 khu công nghiệp, khu chế xuất và 5 ký túc xá Đại học phục vụ cho các sinh viên xa nhà không về quê ăn Tết cũng được diễn ra từ ngày 17/2 (29 tết) đến 20/2 (mùng 2 tết).

Tết đến, thị trường phim Việt vẫn luôn là một trong những loại hình giải trí thu hút số đông khán giả đến rạp. Tính đến thời điểm này, các rạp phim đã bắt đầu nhộn nhịp với lịch diễn dày đặc của các suất chiếu liên tục như Ngày nảy ngày nay (Lê Khánh, Ngô Thanh Vân, Phi Phụng…), Siêu nhân X (Thanh Hằng, Ngô Kiến Huy, Phương Thanh), Trúng số (Dustin Nguyễn, Ninh Dương Lan Ngọc), Quý tử bất đắc dĩ (Hoài Linh, Việt Hương, Hoài Lâm), Hợp đồng bắt ma (Đặng Thu Thảo, Tim, Huy Khánh)…

Phim tết Việt nhộn nhịp tại các rạp phim
Phim tết Việt nhộn nhịp tại các rạp phim

Riêng những khán giả yêu thích kịch nói, một dàn sân khấu lớn nhỏ cũng đã sẵn sàng phục vụ với nhiều vở diễn đã được chuẩn bị từ trước Tết. Nổi bật trong số đó là sân khấu kịch Hồng Vân với nhiều vở mới như Xóm trọ 3D, Bí mật một lời nguyền, Ảnh ảo, Tầng 13, Kim sinh thủy, Oan hồn truyện… Kịch Idecaf nhộn nhịp không kém khi công diễn các vở Cần có ai đó để yêu thương, Sơn ca không hót, Cướp dâu, Ai là tỷ phú, Ngũ quý kỳ phùng, Tình yêu không thiên đường.

Trong khi đó, nhà hát kịch 5B,một trong những cái nôi của làng kịch TPHCM cũng đã dựng một số vở mới phục vụ tết này dù gặp nhiều khó khăn, như Tuyết Sài Gòn, Tình ca phố, Ảo @ Thật, Đêm vượn hú,… Riêng kịch Hoàng Thái Thanh vẫn giữ màu sắc riêng với mảng chính kịch lấy nước mắt khán giả trong các vở Nửa đời hương phấn, Nửa đời ngơ ngác, Tình như trang giấy trắng, Buồn ơi… chào mi…

Kịch Tết cũng vào mùa hút khách nhất trong năm 
Kịch Tết cũng vào mùa hút khách nhất trong năm (Ảnh: T.H)

Ngoài ra, khán giả còn có nhiều sự lựa chọn để thưởng thức kịch tết tại các sân khấu kịch Sài Gòn, kịch Nụ cười mới, Thế giới trẻ hay kịch Tâm Ngọc, đều có các vở diễn mang thể loại kinh dị hoặc hài hước. Bên cạnh đó, những khán giả thích cười có thể đón xem chương trình Cười đi mới phát tài diễn ra tù mùng 1 đến mùng 9 tết tại Nhà văn hóa thanh niên và phòng trà Ô Mê Ly (Thủ Đức) do Hoài Linh làm “chủ xị” vừa mới thành lập CLB Nghệ sĩ hài TPHCM.

Dành cho những khán giả thích nghe nhạc trong không gian ấm cúng, hầu hết các phòng trà ở TPHCM đều sáng đèn bắt đầu từ ngày mùng 1 tết như Phòng trà Không Tên (Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Quang Linh, Hiền Thục, Phan Đinh Tùng, Giang Hồng Ngọc…), Phòng trà We (Phương Dung, Giao Linh, Hà Vân, Trường Giang, Thu Trang, Tiến Luật, Elvis Phương…), Phòng trà Đồng Dao (Chí Tài, Trường Giang, Dương Triệu Vũ, Hoài Linh, Hoài Lâm, Quang Dũng, Mỹ Tâm…), Phòng trà MTV (Ưng Hoàng Phúc, Hiền Thục, Khổng Tú Quỳnh, Thủy Tiên, Quang Hà, Trấn Thành…), Phòng trà Tiếng Xưa (Hồng Vân, Huyên Chí Bình, Lam Giang, nhóm Đồng Xanh, Mây Lang Thang, Mai Quốc Huy, Anh Khoa, Kim Anh…).

Với những khán giả thích xem xiếc, hai sân khấu chính tại công viên 23/9 (Q.1) và công viên Gia Định (Gò Vấp) vẫn sẽ là hai địa điểm quen thuộc để phục vụ công chúng. Trong dịp tết này, các điểm diễn cũng đã chuẩn bị những chương trình Xiếc tạp kỹ hấp dẫn để phục vụ người xem, đặc biệt các chương trình dành riêng cho lứa tuổi thiếu nhi.

***

Với rất nhiều chương trình và địa điểm vui chơi giải trí như trên, người dân sinh sống ở Sài Gòn không có kế hoạch đi du lịch xa hoặc những người xa nhà không về quê vui Tết, có thể lựa chọn cho mình những hình thức giải trí phù hợp trong những ngày xuân Ất Mùi 2015!


Dân Phước