Phẩm chất thực của những “mầm non nhạc trẻ”

Hơn 10 năm qua, điểm lại những thành tựu nhạc trẻ Việt Nam vẫn chỉ quanh quẩn mấy cái tên diva nhạc Việt, cùng lắm là thêm vài đàn chị hoặc đã giải nghệ hoặc định cư ở hải ngoại.

Bóng đá Việt Nam đang trong nỗi lo trầm trọng về lớp kế cận "thế hệ vàng" và luôn bị chỉ trích về thói quen ăn xổi do bệnh thành tích. Nhạc trẻ Việt cũng không khá hơn. Hơn 10 năm qua, điểm lại những thành tựu nhạc trẻ Việt Nam vẫn chỉ quanh quẩn mấy cái tên diva nhạc Việt, cùng lắm là thêm vài đàn chị hoặc đã giải nghệ hoặc định cư ở hải ngoại. Nỗi lo về lớp kế cận càng trầm trọng hơn, khi mà khác với bóng đá khan hiến tài năng, làng nhạc trẻ không khó để tìm ra tài năng ca hát, nhưng làm thế nào để những "tài" ấy tạo được dấu ấn mới cho nền nhạc trẻ thì lại không dễ... 

Tại sao sau thời thăng hoa rực rỡ của nhạc trẻ Việt Nam đã 7, 8 năm mà vẫn chưa có được những tên tuổi lớn thực sự để phải được nhắc đi nhắc lại như lớp diva? Phương Thanh và Mỹ Tâm quả là những ngôi sao nhưng dấu ấn họ để lại vẫn chưa đủ lớn, và đôi khi họ chỉ được coi như những hiện tượng nhất thời, rằng việc đoán trước ngày "xuống" của họ là không khó.

Đến ngôi sao tầm cỡ hàng đầu còn bị nhiều định kiến đến mức không thể trở thành diva được thì nói gì đến vô vàn các ca sĩ trẻ, các "mầm non" khác? Diva ở đây không hàm nghĩa "danh ca", và điều ai cũng biết là 2 ca sĩ vừa nhắc đến đều chối đây đẩy cái danh hiệu ấy, nhưng trở thành diva ở đây đồng nghĩa với việc trở thành những hình tượng lớn, những cái tên sẽ còn được nhắc đến lâu dài trong nền ca nhạc Việt, từ hiện tại đến tương lai.

Điều khiến những hình tượng lớn như thế trở nên hiếm hoi, ngoài lý do môi trường ca nhạc không được thuận lợi như thời bùng nổ cuối thế kỷ trước, còn do đời sống đã thay đổi nhiều khiến suy nghĩ của nhiều người khi bước vào nghề ca sĩ cũng đã khác xưa. Ngày trước, ca sĩ làm nghề bằng sự đam mê, đam mê khiến họ thăng hoa và từ đó mà họ có tiền, có đời sống sung túc, lại càng thêm yêu nghề. Ngày nay thì ngược lại, rất nhiều người khi lao vào làm ca sĩ là đã nghĩ ngay đến tiền, vì tiền mà họ đi làm nghề hát, họ sẵn sàng bỏ nhiều tiền ra để mong một ngày "hốt" lại, lòng yêu nghề chỉ đến khi mà họ đã "hoàn vốn" và có "lãi". Bởi nghĩ vậy nên khi cảm thấy "lỗ" là tức khắc sinh ra hàng loạt chuyện cãi vã, kiện tụng, chẳng liên quan tới chuyện hát hò chút nào cả.

Kiểu suy nghĩ ấy thịnh hành đã làm thui chột không ít các tài năng ca hát đích thực, chỉ bởi họ - những người có tài ca hát - đã không lấy chính đam mê của mình làm trọng mà quá nặng chuyện tiền bạc. Tiền bạc cũng quyết định việc họ hát gì, kể cả những thứ nhạc vô bổ, thậm chí có hại. Có hình tượng nghệ thuật nào được hình thành từ những thứ âm nhạc phản nghệ thuật như thế? Cho dù các ca sĩ hát mấy thứ nhạc ấy có thanh minh rằng mình hát phục vụ thị hiếu công chúng, rằng mình là người của quần chúng... thì "quần chúng" cũng không nhớ lâu những người chỉ biết phục vụ họ thay vì đưa ra một cái gì đó hay ho khiến họ say mê, làm cho họ cảm thấy cuộc đời này đẹp hơn, đáng sống hơn.

Đối nghịch với những suy nghĩ ấy là một dạng "vị nghệ thuật" đôi khi hơi khó hiểu ở một vài "mầm non" khác, khi những người này luôn có tỏ ra giữ một khoảng cách càng xa càng tốt với thứ âm nhạc mà họ cho là "thị trường" trong khi lại không định nghĩa được thế nào là "nhạc nghệ thuật". Thái độ lửng lơ con cá vàng này hiển nhiên không thể giúp họ "nổi" lên để thành những cái tên lớn. Những toan tính nghệ thuật lẩm cẩm như thế chỉ dẫn đến việc hình thành những "ngôi sao" trên... báo hoặc tự phong.

Hai dạng "mầm non" nhạc trẻ ấy đang chiếm số lượng lớn, và điều này giải thích sự "khan hiếm" các hình tượng lớn để được nhắc đến như thành tựu của nền ca nhạc chứ không phải "thành tích" phục vụ. Trong khi chờ những "mầm non" mới mang đủ những phẩm chất đích thực để tạo ra những thành tựu nghệ thuật mới, chúng ta chỉ còn cách tặc lưỡi chấp nhận những "mầm non vĩnh viễn" bên cạnh những diva sắp tàn mà thôi!

 Theo Giaidieuxanh