Những chiêu “tạo sóng” của truyền hình thực tế

(Dân trí) - Với diện phủ sóng dày đặc, ngày nay khán giả không còn xa lạ gì với khái niệm truyền hình thực tế. Những chương trình hoành tráng ở quy mô, kịch bản hấp dẫn, người chơi thú vị cũng đều cần tới những chiêu thức dàn dựng để "gây sóng" dư luận.

Im lặng trong những tranh cãi ồn ào

Một chương trình truyền hình thực tế hiện nay sẽ thực sự nhàm chán nếu không tạo được dư luận, càng được dư luận quan tâm thì mức độ thành công cho chỉ số rating (tỉ suất người xem) sẽ càng cao. Dư luận là sự ồn ào đấu đá, tranh luận phản ứng dữ dội trái ngược thậm chí là mưu đồ “hạ gục” nhau. Nó chính là “chiêu bài” đem lại thành công cho nhà sản xuất.

Giám khảo và người chơi đóng nhân vật chính, họ cùng tương tác để tạo nên thành công cho một chương trình. Cả hai thể hiện tài năng và bản lĩnh của mình trong cuộc chơi. Chưa bao giờ sự tranh luận, và phản ứng gay gắt của hai đối tượng này lại không trở thành đề tài nóng hổi cho dư luận và truyền thông. 

Truyền hình thực tế giờ không còn hiếm và xa lạ với khán giả Việt Nam.

Truyền hình thực tế giờ không còn hiếm và xa lạ với khán giả Việt Nam.

Như trong đêm nhạc Jazz và R&B của chương trình Cặp đôi hoàn hảo 2013 vừa qua, khán giả được phen chứng kiến màn tranh luận nảy lửa giữa thí sinh Mỹ Lệ và giám khảo - nhạc sĩ Lưu Thiên Hương, Thảo Trang và Lê Minh Sơn. Họ đấu khẩu công khai từ sân khấu đến mạng xã hội, báo trí truyền thông, từ khiêu khích đến chê bai, không phục thậm chí “ngờ vực” trình độ lẫn nhau… Hay như màn phản ứng dữ dội của Minh Quân với cách cho điểm có phần “hạ bệ” của giám khảo Lê Hoàng trong phần thi ở Cặp đôi hoàn hảo năm 2012, thí sinh Sơn Lâm và Siu Black ở cuộc thi Việt Nam Idol mùa thứ 3…

Trong các cuộc chiến nảy lửa này hầu như không thấy bóng dáng hay sự lên tiếng của ban tổ chức, ở đây “sự im lặng” là “kế sách”. Vì dư luận càng phản ứng dữ dội bao nhiêu thì họ càng thu hút được sự quan tâm của khán giả bấy nhiêu và kéo theo tỉ suất bạn xem đài cao lên và nhà sản xuất chính là người hưởng lợi. Tiêu biểu như sự việc tranh luận Jazz hay không Jazz của thí sinh Mỹ Lệ và giám khảo Lưu Thiên Hương, chỉ cần nhà sản xuất lên tiếng câu trả lời chính xác nhất thì sẽ dập tắt dư luận, nhưng họ đã chọn sự im lặng.

Dàn dựng và làm mầu

Cách cho điểm có phần bất nhất, không theo tiêu chí rõ ràng cũng gây cho người chơi và giám khảo nhiều phản ứng đối đầu. Đôi khi số điểm tăng giảm bất thường so với những lời nhận xét trái chiều cũng sẽ khiến nổi sóng, và rất có thể, cách cho điểm bất thường này chính là một chi tiết trong kịch bản.

Sự nhúng tay của nhà tổ chức vào việc dàn dựng các tiết mục, tuy đôi lúc có lợi nhưng cũng nhiều lúc mang lại nhiều thiệt thòi cho những người tham gia. Còn nhớ màn “con hát mẹ khen hay” ở cuộc thi Việt Nam’s Got Talent năm 2012, hay như việc “chôm giọng” ca sĩ Lan Anh của Minh Hằng ở Bước Nhảy Hoàn Vũ 2012, và màn đối đáp của thí sinh Trần Hiền tại Việt Nam Next Top Model mùa đầu tiên … đều từng khiến dư luận dậy sóng.

Tại cuộc thi The Voice (Giọng hát Việt) năm 2012, khán giả từng ngây ngất với các giọng ca “khủng” nhưng khi vào những show trực tiếp, sự thật đã được “phơi bày”, đó là sự can thiệp có phần “rất sâu” của nhà sản xuất. Những sự việc này khi biên tập hoặc dàn dựng chương trình, nhà sản xuất hoàn toàn có thể cắt hoặc điều chỉnh trước khi chương trình lên sóng. Tuy nhiên, đây là “mồi câu” hiếm có của nhà sản xuất khi họ đã đón đầu được dư luận, vậy nên họ vẫn cố tình vờ như không biết là để “tạo sóng”.

Giám khảo Lê Hoàng - Vé vàng cho dư luận

Gần đây, trên ghế nóng của các chương trình truyền hình thực tế luôn xuất hiện thêm một vị giám khảo thứ tư, thay đổi liên tục theo mỗi đêm thi. Với cách nhìn nhận công tư không nằm dưới áp lực nào, vị giám khảo thứ tư sẽ mang đến những điều thú vị. Nhưng có lẽ đây cũng chỉ là một chiêu gây sự thu hút công chúng.

Đó là trường hợp của ca sĩ Thanh Bùi và đạo diễn Việt Tú từng tham gia chương trình Cặp đôi hoàn hảo, hay Thủy Tiên, Minh Hằng làm giám khảo ở chương trình Bước nhảy hoàn vũ. Họ đều chưa có kinh nghiệm ở việc làm giám khảo nhưng với tầm ảnh hưởng công chúng thì họ lại đóng vai trò lôi kéo khán giả rất hiệu quả.

Khán giả truyền hình đã quá quen thuộc với đạo diễn Lê Hoàng ở sự dí dỏm đôi phần đanh đá. Chính những đánh giá có lúc “vuốt ve”, “bỡn cợt” nhưng có lúc lại dí dỏm chua ngoa đã giúp Lê Hoàng thu hút rất nhiều đối tượng,

Chính vì thế, không sai khi xem Lê Hoàng như một “ông vua” của những chiếc ghế nóng, ngày một đắt show. Khán giả lúc thì la ó, khi lại cười “ồ” và chính người chơi đôi khi đang “cười ngoác” lại bị vị giám khảo này dội bom điểm số thấp không thương tiếc. Sự biến ảo không công thức của Lê Hoàng được coi như ẩn số thú vị cho những cơn sóng tại các chương trình thực tế.

Việc dùng “kế” hay các “chiêu trò” sẽ đem lại lợi nhuận cho nhà sản xuất, nhưng việc lợi dụng những cách thức đó một cách thái quá có tạo nên một chương trình truyền hình thực sự hay và có ý nghĩa nhân văn?

Việt Cường