Nhiều chương trình ca nhạc miễn phí: Lợi bất cập hại

(Dân trí) - Thời gian vài năm trở lại đây, các nhãn hàng rất ‘hào phóng’ chi tiền cho nhiều chương trình ca nhạc lớn. Nhiều nơi còn mạnh dạn tài trợ toàn bộ giá vé với mong muốn khán giả chỉ cần bỏ thời gian đến xem các chương trình có nghệ sĩ mình yêu thích.

Miễn phí - không phải lúc nào cũng tốt

Đặc biệt là ở thị trường âm nhạc lớn nhất cả nước là thành phố Hồ Chí Minh, khán giả có cơ hội tới xem các sao trong nước biểu diễn, hay thậm chí là ngôi sao nước ngoài đến Việt Nam mà không phải bỏ ra đồng nào. Những tưởng đây là niềm vui cho khán giả không có điều kiện xem các chương trình có giá vé khá cao. Thế nhưng, điều này lại trở thành một hệ luỵ lâu dài đối với nền công nghiệp giải trí trong nước bởi việc này hình thành một thói quen xấu cho khán giả là ‘chờ các chương trình miễn phí để xem’. Và lâu dần, khán giả mất thói quen ‘bỏ tiền’ ra mua vé đi xem ca nhạc - một việc tưởng chừng như rất hiển nhiên.

Nhiều chương trình ca nhạc miễn phí: Lợi bất cập hại
Làn sóng xanh của 10 năm trước là chương trình được khán giả chờ đợi và luôn phải ‘săn vé’ dù diễn ra đến 3 đêm liên tục

Tương tự như vậy, việc nghe nhạc online miễn phí trong thời đại internet bùng nổ đến nay đã ‘bóp nghẹt’ thị trường băng đĩa và khán giả đang mất dần thói quen mua đĩa. Việc đòi hỏi khán giả phải trả tiền khi nghe nhạc online là điều vô cùng khó khăn mà lẽ ra đó là chi phí họ buộc phải bỏ ra khi sử dụng sản phẩm, thành quả có được từ công sức lao động từ người khác. Việc này đã dẫn đến hàng loạt các hãng băng đĩa đình đám phải đóng cửa, hoặc chuyển qua loại hình kinh doanh khác chứ không thể sản xuất và phát hành các chương trình ca nhạc, thu lợi nhuận như thời kỳ đầu.

Và nếu đã không có việc kiểm soát ngay thời kỳ đầu thì đến nay, việc yêu cầu khán giả bỏ tiền nghe nhạc online là điều rất khó khăn.

Thu hồi vốn từ sản phẩm của nghệ sĩ là chuyện không tưởng

Thực tại, để có được một bài hát gửi đến công chúng, số tiền ca sĩ chi ra phải vài chục triệu đồng. Từ việc mua bài hát của nhạc sĩ, thực hiện beat nhạc, thu âm, mix bài… Tất cả đều phải bỏ tiền, chưa kể thời gian và công sức để hoàn thành sản phẩm của mình. Thế nhưng, việc thu hồi vốn đã là chuyện không tưởng thì nói chi đến lợi nhuận.

Từ việc đầu tư sản phẩm đi vào ngõ cụt, các chương trình ca nhạc không thể thu hồi vốn. Thời điểm hiện tại, các ca sĩ bắt đầu kiếm tiền bằng việc đi hát event (sự kiện) cho các nhãn hàng chứ không thể trông chờ vào khán giả. Vô hình chung, việc này đồng nghĩa với việc khán giả không thể ‘đòi hỏi’ nhiều hơn ở các nghệ sĩ. Khán giả có vẻ ‘chủ động’, nhưng thực ra hoàn toàn bị động là ‘có gì nghe đó’ bởi họ không phải là người ‘kiểm soát’ và ‘quyết định’ chọn lựa món ăn mình yêu thích bằng cách bỏ chi phí. Điều này cũng khiến các ca sĩ đã không còn mặn mà với việc đầu tư những sản phẩm âm nhạc hoành tráng vì có đầu tư ít hay nhiều cũng chỉ là tốn kém chi phí mà không bao giờ thu hồi nổi vốn.

Và hiện nay, việc các nhãn hàng ngày càng thích tổ chức các chương trình ca nhạc miễn phí đang hình thành thêm một ‘thói quen xấu’ cho khán giả. Nếu không có giải pháp kịp thời thì lâu dần, nó sẽ ‘giết chết’ nền công nghiệp giải trí tại Việt Nam. Bởi lẽ, chúng ta ngày càng bước lùi và nghệ thuật cũng dần mất đi những giá trị trao đổi lẽ ra nó phải được nhận lại từ công sức lao động của những người hoạt động nghệ thuật.

Không khó
để thấy hình ảnh của nhãn hàng ‘tràn ngập’ trong một show mà họ bỏ tiền ra thực
hiện
Không khó để thấy hình ảnh của nhãn hàng ‘tràn ngập’ trong một show mà họ bỏ tiền ra thực hiện

Và câu hỏi đặt ra cho khán giả là: “Khi chúng ta hưởng thành quả của người khác mà không phải trả phí, chúng ta có cảm thấy áy náy hay không? Bạn có phải là một khán giả văn minh, tôn trọng chính bản thân mình và người nghệ sĩ làm nghề”.

Thị trường giải trí sẽ đi về đâu khi giá trị cốt lõi nhất không được coi trọng, và thói quen ‘ngàn đời’ của người Việt là, đã có miễn phí sao phải chi tiền?

Khi bạn là người tạo ra sản phẩm thì lúc nào cũng muốn bán giá cao nhưng lại muốn nhận lại điều khác miễn phí, nghe có vẻ buồn cười nhưng đó là một sự thật đáng buồn ở thị trường âm nhạc hiện nay.

Đồng Hoa