Nhặt “sạn” phim Tuổi thanh xuân

(Dân trí) - Tuổi thanh xuân có đầu tư lớn và được kỳ vọng sẽ là một bộ phim truyền hình ăn khách ở cả hai nước. Tuy nhiên hành trình phát sóng của phim đã đi gần hết 3/4 chặng đường mà dường như chưa để lại dấu ấn đậm nét.

Dự án phim truyền hình hợp tác Việt - Hàn “Tuổi Thanh Xuân”, bộ phim truyền hình hợp tác đầu tiên giữa Đài THVN và tập đoàn truyền thông và giải trí CJ E&M - Hàn Quốc. Phim có sự kết hợp giữa những biên kịch và đạo diễn, diễn viên trẻ đẹp của hai nước như đạo diễn Khải Anh, đạo diễn Myung Hyun Woo, diễn viên Nhã Phương, Hồng Đăng, Kang Tea Oh…

Có thể nói phim “Tuổi thanh xuân” rất được khán giả chờ đợi, bởi lần đầu tiên có số lượng diễn viên trẻ, đẹp đang nổi của hai nước tham gia đông đảo đến vậy, và họ không bị ngợp thậm chí diễn xuất rất tự nhiên. Vẻ đẹp tự nhiên của Nhã Phương và Kim Tuyến khiến khán giả trong nước rất hãnh diện khi so sánh với dàn nhan sắc nền công nghiệp thẩm mĩ. Diễn xuất của cả dàn diễn viên phụ khá tốt, có tính cách và cá tính không bị lu mờ trước dàn diễn viên chính.
Cảnh trong phim Tuổi thanh xuân
Cảnh trong phim Tuổi thanh xuân

Mạch phim đúng mô tip lọ lem ngây thơ gặp chàng hoàng tử nhưng lại nhiều rắc rối rất phù hợp với giới trẻ, thể loại không mới nhưng lại đúng với thể loại phim truyền hình ăn khách có yêu thương, có hiểu lầm, có chia tay… Cộng thêm phong cảnh đẹp lãng mạn, nổi tiếng xứ Kim Chi trong những khuôn hình trau chuốt mà rất khó có được trong những thước phim được sản xuất hoàn toàn trong nước. Rất đáng để các nhà làm phim trong nước thay đổi và học hỏi về công nghệ quay và dựng hình cho phim.

Tại thời điểm ra mắt, khán giả truyền hình rất mong đợi món ăn mới sẽ rất khác và rất hấp dẫn của phim truyền hình Việt. Nhưng chỉ ngay sau 2 tập đầu phát sóng đã gây ra một làn sóng dư luận phản đối, đầu tiên đó là việc lồng tiếng. Không phải vì khán giả truyền hình đã quen với công nghệ làm phim mới là thu tiếng trực tiếp bởi tính chân thực, mà phản ứng mạnh ở đây là phần lồng tiếng cho nhân vật người Hàn, không tự nhiên và hơi vô lý.

Giải thích cho vấn đề này, đại diện đơn vị sản xuất bộ phim chia sẻ rằng đây là giải pháp tốt cho khán giả dễ hiểu bởi tần suất xuất hiện và trao đổi của các nhân vật rất nhiều, hơn nữa nếu chèn đoạn thuyết minh hay chạy chữ sẽ gây khó cho khán giả xem phim.

Nếu xét trên diễn biến phim những nhân vật như Linh, Hưng, Khánh, Mai đang sinh sống học tập ở Hàn Quốc, họ có thể nói được tiếng Hàn và đối tượng giao tiếp cũng chỉ gói gọn trong các nhân vật trong gia đình Junsu thì với giải thích trên tạm chấp nhận được, bỏ qua sự khô cứng và thiếu sức hấp dẫn của người lồng tiếng.

Tuy nhiên khi phim bước vào giai đoạn 2, khi các diễn biến và bối cảnh phim diễn ra tại Việt Nam thì việc lồng tiếng cho nhân vật người Hàn lại trở nên vô lý khó chấp nhận. Từ anh phục vụ bàn, nhân viên trang phục vụ đoàn phim đến giám đốc đài truyền hình… bất cứ ai cũng nghe và nói chuyện với các nhân vật JunSu, MiSo, SungJae một cách tự nhiên mà chẳng có một chút rào cản ngôn ngữ nào. Ngược lại phía JunSu (hoàn toàn không biết tiếng Việt) cũng dễ dàng nói và hiểu với tất cả người Việt mà không chỉ riêng gì Mai và Linh, những người đáng lý ra phải ở vị trí phiên dịch và giải thích.

Điều vô lý nữa đối với những khán giả cuồng văn hóa Hàn đặc biệt là K-pop sẽ dễ nhận thấy nhất. Khi nhân vật - JunSu ngôi sao số một làng giải trí Hàn Quốc và Sung Jae bước ra khỏi sân bay là một cảnh bình yên không một bóng người hay khán giả chào đón, giải thích cho việc này bằng câu thoại của Jun-Su - “Ở Hàn Quốc chúng ta là ngôi sao, nhưng ở Việt Nam thì lại khác, có thể đi bất cứ đâu thoải mái mà không bị nhận ra.…”

Dự án phim hợp tác hai nước, được phát song song trên các kênh truyền hình lớn của cả hai nước nên ngoài đầu tư về kịch bản và diễn biến phim thì đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước. Trong 20 tập đầu khi mọi bối cảnh diễn ra tại Hàn Quốc thì có vẻ như mọi việc diễn ra rất tự nhiên và tinh tế.

Phong cảnh, văn hóa Hàn xuất hiện đan xen trong phim rất đẹp, rất lãng mạn, đời sống văn hóa giải trí cũng được miêu tả rất tỉ mỉ đó là thành công bên phía đối tác. Ngược lại, hình ảnh của Việt Nam qua những chi tiết rất nhỏ như hộp dầu con hổ, bức tranh cầu Long Biên treo trong phòng Linh, Khánh tặng hoa Linh nhân ngày quốc tế phụ nữ, hay chỉ là bộ áo dài màu hồng Linh diện trong dịp sinh nhật khiến cho cả Junsu và Sung Jae bị hớp hồn… cũng quảng bá văn hóa trong nước một cách tinh tế.

Tuy nhiên mọi thứ cũng chỉ diễn ra như thế, khi bối cảnh trở lại Việt Nam thì ngập trong đó là những sản phẩm quảng cáo... hơi thô kệch. Cơ hội để giới thiệu hình ảnh về phong cảnh và văn hóa trong nước gần như không có khi mà mọi hành trình và diễn biến của các nhân vật chỉ gói gọn từ nhà Linh, đến quán café, khu căn hộ JunSu và Đài truyền hình. Có vẻ như nhà làm phim mải lo cho hình ảnh của các nhà tài trợ mà quên đi lợi thế quảng bá hình ảnh trong nước hoặc chỉ gói gọn quang cảnh Hà Nội.

Việc quảng cáo trong phim xưa nay không hiếm và đã trở thành thường xuyên đối với những phim nhận tài trợ. Nhưng “Tuổi Thanh Xuân” là một dự án hợp tác lớn giữa 2 quốc gia nên cơ hội quảng bá về văn hóa, phong cảnh cần được chú trọng hơn.
 Hữu Đông