Nhạc trẻ: Đánh mất mình trước "con buôn" âm nhạc?

Tại hội thảo do Hội Nhạc sĩ VN vừa tổ chức mới đây, đã đề ra một số giải pháp như tăng cường quản lý nhà nước, nâng trình độ của biên tập viên, loại bỏ những "ngôi sao xẹt" và những bài hát dị hợm...

Gần một năm mới có thêm hội thảo của Hội Nhạc sĩ VN "Ca khúc nhạc sĩ trẻ-thực trạng và giải pháp" được tổ chức vào ngày 5/1 tại TPHCM. Sẽ như bao hội thảo khác từng chìm vào quên lãng, nếu như hội thảo lần này không đặt vấn đề đào tạo nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ trẻ thông qua Đại học Nhạc nhẹ và phải có ít nhất 2 trung tâm đào tạo như thế ở Hà Nội và TPHCM.

 

Chân dung thế hệ 7x và 8x

 

Bằng những nét phác thảo, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến đã "vẽ" chân dung thế hệ nhạc sĩ này. Những tác giả tích cực  của lứa 7x có  nhạc sĩ Minh Châu, Trần Quế Sơn, Lê Quang, Phương Uyên, Vũ Quốc Việt, Nguyễn Nhất Huy, Hoài An, Quốc An. Lứa 8x có Minh Khang, Sĩ Luân... Mặt trái của những tác phẩm  tồi thường gặp là: Đặt tựa phải làm sao cho kêu, lạ tai, thậm chí thô thiển : "Em và cô ấy tôi phải làm sao", "Người ấy và tôi em phải chọn", "Người đùa vui sẽ gặp tình đùa vui", "Lời sám hối của kẻ hấp hối"...

 

Còn tính chất âm nhạc, tác giả trẻ thường sử dụng những tiết  tấu đơn giản, nhịp điệu vừa, hoặc viết những bài theo một giai điệu "tiềm thức" nào đó, hoặc những bài có tiết  tấu nhanh bắt chước cho giống nhạc dance, techno, hip-hop...

 

Cấu trúc hoà âm theo những lối mòn đơn giản, có lẽ vì nghe nhiều nhạc người khác nên dễ bị ảnh hưởng hoặc  không đủ bản lĩnh tạo  đường nét giai điệu riêng cho mình. Ca từ viết  theo lối thực dụng, nghèo nàn theo vốn cảm xúc ít ỏi cộng với sự tưởng tượng cường điệu trong tình yêu, thiếu kiến thức văn học, hoặc viết theo đơn đặt hàng để có ca khúc đáp ứng thị hiếu một  tầng lớp công chúng bình dân hạn chế về văn hoá.

 

Cùng chung mối lo ngại đó, nhạc sĩ  Nguyễn Văn Hiên bình luận: "Một số  nhạc sĩ trẻ đã tự đánh mất mình trước những con buôn  âm nhạc, do đó "đẻ non" những đứa con tinh thần rập khuôn theo âm nhạc pop, rock phương Tây; thậm chí có ca khúc như bản sao khiến người nghe nhầm tưởng là ca khúc ngoại đặt lời Việt.  Những bài có ca từ kém gieo  cho lớp trẻ một lý tưởng sống lệch lạc; thẩm mỹ âm nhạc kém dẫn đến văn hoá nghèo nàn.

 

"Không bầu đố cậu làm nên"

 

Sự ra đời của một ca khúc hiện tại, theo nhạc sĩ trẻ Hữu Thạnh là: Phát triển hoà âm theo mẫu của ca khúc ngoại, chế giai điệu trên nền nhạc ca khúc đó, lời thoại đường phố hay ngôn ngữ chat được khai thác tối đa, có một ông bầu hay một biên tập viên thân quen sẵn sàng mua độc quyền. Trong đó, yếu tố cuối quan trọng nhất, vì số phận của ca khúc Việt tại TPHCM hiện nay phần lớn được quyết định bởi các bầu sô. Và không chỉ riêng ca khúc mà tất cả những công việc liên quan đến âm nhạc  đều được phát triển và hình thành bởi những mối quan hệ.

 

Hơn bao giờ hết, hai chữ "giải trí" trong thời gian này thể hiện  đúng nghĩa đen của nó. Tính nghệ thuật ít ỏi trong các ca khúc cũng không có đất sống và nguy cơ treo xó bếp càng lộ rõ nếu tác giả không thể hiện được sự ngô nghê trong ca từ, sự bắt chước tối đa hơi hướng nhạc Hoa như vài nhạc sĩ thời thượng hiện nay. Mối quan hệ đi đôi với quyền lực. Đã hình thành đường dây chặt chẽ thu âm và tổ chức biểu diễn giữa đạo diễn, nhạc công, nhạc sĩ, biên đạo múa, bầu sô, nhà tài trợ..., làm nghèo đi về ý tưởng trong âm nhạc.

 

Riêng nhạc sĩ trẻ  Trần Quế Sơn, người vừa đoạt giải Hội Nhạc sĩ VN thẳng thắn nhìn nhận: "Tôi nghĩ những  nhạc sĩ viết ca khúc thị trường kém nghệ thuật không có tội, vì họ chỉ viết được đến đó và thế giới cũng không cấm những nhạc sĩ viết ca khúc "bán chạy". Những nhạc sĩ đạo nhạc mới có tội, nhưng tội lớn nhất  làm tha hoá nền âm nhạc nước nhà thuộc về  những người biên tập, những người xét duyệt cho những ca khúc ấy ra đời".

 

Hội thảo đề ra một số giải pháp như tăng cường quản lý nhà nước, nâng trình độ của biên tập viên, loại bỏ những "ngôi sao xẹt" và những bài hát dị hợm... Nhưng phương án lâu dài vẫn là gửi người đi học, xây dựng khoa sáng tác nhạc nhẹ, nghiêm khắc với  hiện tượng cóp nhạc nước ngoài. 

 

Theo Minh Thi

Lao Động