Nhà thiết kế Sĩ Hoàng nói gì về thiết kế áo dài của Thủy Nguyễn?

(Dân trí) - “Nhận định về kiểu dáng, chất liệu, họa tiết của mẫu áo do hoa hậu Thùy Dung mặc, có thể nói là vay mượn ý tưởng của áo dài để giới thiệu một kiểu trang phục mới lạ nào đó của nhà thiết kế Thủy Nguyễn hơn là tôn vinh một tà áo dài Việt Nam”.

Nhà thiết kế (NTK) Sĩ Hoàng – chuyên gia về áo dài đưa ra nhận định về bộ sưu tập áo dài gây tranh cãi của NTK Thủy Nguyễn vừa qua.

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng nói gì về thiết kế áo dài của NTK Thủy Nguyễn?
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng là một người đã xây dựng nên Bảo tàng áo dài để góp phần giữ gìn và tôn vinh trang phục truyền thống của Việt Nam

Hiện nay, nhà NTK Sĩ Hoàng đang ở New York để tham gia trong các hoạt động kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt - Mỹ. NTK Sĩ Hoàng cũng sẽ giới thiệu 2 bộ sưu tập áo dài Vương Triều & Quốc Hoa trong chuyến đi và chương trình đặc biệt này.

Về những ý kiến trái chiều bộ trang phục của nhà thiết kế Thủy Nguyễn, Dân Trí đã liên lạc với nhà thiết kế Sĩ Hoàng – một chuyên gia về ao dài tại Việt Nam với nhiều năm trong nghề, anh cho biết: “Nhận định về kiểu dáng, chất liệu, họa tiết của mẫu áo do hoa hậu Thùy Dung mặc, có thể nói là vay mượn ý tưởng của áo dài để giới thiệu một kiểu trang phục mới lạ nào đó của nhà thiết kế Thủy Nguyễn hơn là tôn vinh một tà áo dài Việt Nam.

Chiếc áo dài được hoa hậu Thùy Dung biểu diễn trong chương trình của NTK Thủy Nguyễn gây tranh cãi.
Chiếc áo dài được hoa hậu Thùy Dung biểu diễn trong chương trình của NTK Thủy Nguyễn gây tranh cãi.

Nhà NTK Sĩ Hoàng cũng hoàn toàn đồng ý với dẫn chứng và phân tích của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức về trang phục của nhà thiết kế Thủy Nguyễn: “Có “chất liệu và hoa văn Trung Quốc hiện đại”, vải may áo dài là “hàng dệt công nghiệp Trung Quốc giá rẻ. Họa tiết hoa văn là do người Trung Quốc hiện đại làm, không phải hoa văn cổ của cả Việt Nam hay Trung Quốc. Và nhà thiết kế của bộ áo dài đơn giản là nhập hàng từ Trung Quốc. Sự cách điệu ở chiếc áo dài này cũng là mô thức chung của các loại áo truyền thống của Trung Quốc và Việt Nam. Cộng thêm với chất liệu, hoa văn của Trung Quốc đương đại, thì dấu ấn Việt Nam thể hiện qua đây hoàn toàn mờ nhạt”.

Khi nhắc đến áo dài và biểu tượng đặc trưng cần có của một tà áo dài, NTK Sĩ Hoàng cũng đưa ra nhận định: “Điều cần bàn của trang phục áo dài là giờ đây, đối với người Việt Nam và thế giới, khi đã trở thành biểu tượng của văn hóa mặc là được nhận diện dễ dàng mà không cần bất kỳ một sự giải thích nào “Đây là áo dài Việt Nam” nữa. Trong quá trình hình lịch sử hình thành và phát triển áo dài qua nhiều thời kỳ, đã có những cách tân mạnh mẽ để phù hợp với thời đại mới, sao cho thuận tiện trong các mục đích sử dụng khác nhau. Nhưng thiết kế phải tạo được giá trị tự hào và sự quý trọng cho người sử dụng khi mặc, toát lên sự kín đáo, trang nhã, duyên dáng.

Cần tôn trọng mọi ý tưởng sáng tạo của bất kỳ nhà thiết kế nào khi chọn áo dài. Nhưng chính nhà thiết kế cũng phải cẩn trọng trong sự cách tân của mình, vì đó không chỉ là sự đón nhận của người mặc mà còn là trách nhiệm phát huy giá trị văn hóa dân tộc một cách hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Anh chia sẻ thêm về nguyên tắc mà các nhà thiết kế cần biết khi lựa chọn việc cách tân áo dài.

Băng Châu
(Email: giaitri@dantri.com.vn)