Người trẻ đang dành cả thanh xuân để du lịch và ngủ nướng, nhưng đừng vào dịp Tết

(Dân trí) - Cuộc sống ngày càng khá giả tạo điều kiện cho các gia đình đón những cái Tết đủ đầy và du lịch chơi Xuân ngày càng nhiều nhưng lại làm mất đi một điều gì đó.

Tết “công nghiệp”

Với giới trẻ, Tết là dịp nghỉ ngơi sau một năm tất bật với công việc, học hành… nên Tết thường mang ý nghĩa một kỳ nghỉ dài ngày để tận hưởng những khoảnh khắc theo sở thích của mình: “đại lễ” dọn nhà, xem phim, đọc sách, nghe nhạc, đi du lịch, tụ tập ăn uống, vui chơi với bạn bè… nếu không cũng là chuỗi những ngày dài ngủ nướng.

Người trẻ đang dành cả thanh xuân để du lịch và ngủ nướng, nhưng đừng vào dịp Tết - 1
Nguồn ảnh: internet

Đặc biệt, nhiều năm trở lại đây, quan điểm “Tết đi du lịch” bắt đầu trở thành trào lưu thịnh hành của giới trẻ. Không ít người đã phá vỡ các quy tắc truyền thống, mong muốn Tết không còn rườm rà, không còn phải tất bật mua sắm, trang hoàng, biếu xén hay về nhà đón Tết...

Vì thế mà không lạ khi các con cứ lần lượt gọi điện về, đứa thì còn bộn bề công việc, đứa thì trông nom nhà cửa, đứa lại bảo là tranh thủ dẫn con đi du lịch cho biết đó, biết đây.

Trong khi đó, người già luôn muốn giữ gìn cái Tết cổ truyền, với đầy đủ các lễ nghĩa, thủ tục cúng kiếng, sắp đặt, bày biện, kiêng kỵ…

Âu cũng là một lẽ đương nhiên khi giới trẻ hiện đại có hàng nghìn thú vui vẫn đang chờ được khám phá. Nhưng với người già, quanh năm cô quạnh, nhất là những bậc cha mẹ có con cháu đi làm xa, Tết là dịp hiếm hoi để cả gia đình được đoàn tụ, sum vầy.

Chưa kể, ông cha ta vốn trọng đạo hiếu, bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên trong những ngày đầu năm mới. Thực chất, người già chờ mong đến Tết không phải là chờ mong đến ngày cuối năm “được chúng nó gửi cho ít tiền tiêu Tết”, hay được quà cáp đầy nhà…

Người già chỉ mong được nhìn con cháu đông đủ bên nhau. Dẫu chỉ là gặp mặt, cùng nhau gói chiếc bánh chưng dâng lên tổ tiên, cùng quây quần bên mâm cơm đạm bạc…

Người trẻ đang dành cả thanh xuân để du lịch và ngủ nướng, nhưng đừng vào dịp Tết - 2
Nguồn ảnh: internet

Người trẻ không vô cảm mà chỉ đôi lúc vô tâm

Chỉ cần 1 bức ảnh, 1 thước phim xưa cũ về cái Tết quây quần cũng có thể khiến những người trẻ “bừng tình” và tự hỏi: Đã bao lâu rồi chúng ta chưa về nhà nhà chuẩn bị trang hoàng, sắm sửa cho ngày năm mới cùng cha mẹ? Chúng ta có còn nhớ, còn nâng niu các giá trị truyền thống và có còn quan tâm đến ước mong con cháu sum vầy ngày đầu năm của mẹ cha?

Theo thời gian, dĩ nhiên thật khó để đòi hỏi Tết thời này phải giống hoàn toàn Tết cổ truyền xưa kia. Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực khiến giới trẻ mệt mỏi nên cũng là điều dễ hiểu khi họ muốn được nghỉ ngơi, bỏ bớt các “thủ tục” rườm ra ngày Tết.

Song, cũng không khó để trung hoà giữa hiện đại và xưa cũ. Bởi điều quan trọng nhất với người già là được ở bên con cháu, “thủ tục” có thể bớt đi một chút cũng chẳng sao. Vì thế, sum vầy của Tết hiện đại có thể định nghĩa bằng khoảnh khắc giao thời khi tất cả các thành viên cùng vào bếp nấu một bữa ăn thịnh soạn, cùng nhâm nhi ly trà nóng và kể về những câu chuyện trong năm qua và sau đó là những chuyến du xuân của đại gia đình. Bởi chừng nào còn sum vầy, chứng đó Tết còn ấm áp.


Ký ức Việt Nam gồm 1.510 phóng sự truyền hình với 6.000 phút phim màu về đất nước, con người Việt Nam những năm 1964-1981. Phim nằm trong kho phim tư liệu khổng lồ thời chiến tranh của Hãng truyền hình Nhật Bản NDN và đã được Đài truyền hình Việt Nam VTV mua bản quyền.