Nghe Sao Mai Thanh Quý thủ thỉ, ngọt ngào hát “Nhớ tiếng mẹ ru”

(Dân trí) - Á quân 1 Tuyệt đỉnh song ca 2018 - Top 3 Sao Mai 2019 dòng dân gian Thanh Quý vừa ra mắt MV “Nhớ tiếng mẹ ru”. MV như món quà cô dành tặng những người phụ nữ, đặc biệt là mẹ và bà ngoại của mình nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

MV "Nhớ tiếng mẹ ru"

Đây là sản phẩm âm nhạc tâm huyết nhất của Thanh Quý sau khi rời cuộc thi Sao Mai. “Nhớ tiếng mẹ ru” là sáng tác mới của nhạc sĩ trẻ Phan Huy Hà (lời thơ: Phạm Huyền), mang đậm âm hưởng hát ru của đồng bằng Bắc Bộ. MV được Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện và phát sóng trong chương trình VTV Bài hát tôi yêu vào dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Là một ca sĩ còn rất trẻ, nhưng Thanh Quý đã xử lý rất khéo một ca khúc không dễ hát. “Nhớ tiếng mẹ ru” không dễ hát chẳng phải vì nó trúc trắc trong giai điệu, mà ngược lại, nó mộc mạc và giản đơn. Chính bởi cái sự giản đơn ấy, để thổi được vào ca khúc hồn âm lưu luyến với thính giả thì người hát phải rất kỹ.

Nghe Sao Mai Thanh Quý thủ thỉ, ngọt ngào hát “Nhớ tiếng mẹ ru” - 1

Thanh Quý trong MV.

Giọng hát thủ thỉ, ngọt ngào của Thanh Quý càng khiến người nghe thêm xúc động khi kết hợp với những hình ảnh dung dị mà tuyệt đẹp của MV “Nhớ tiếng mẹ ru”. Câu chuyện của MV giản dị xoay quanh tình cảm của hai mẹ con, từ khi con còn là một đứa trẻ cho đến lúc rời vòng tay mẹ ra đi rồi trưởng thành, trở về bên mái nhà xưa…

Cùng với diễn xuất của NSƯT Minh Phương và bé An Phương, ca sĩ Thanh Quý đã vào vai cô con gái rất tự nhiên, thu hút người xem với vẻ đẹp trong sáng, dịu dàng. Top 3 Sao Mai 2019 cho biết, cô không cảm thấy khó khăn khi đóng những cảnh cần thể hiện tình cảm trong MV “Nhớ tiếng mẹ ru”, bởi cô như gặp được cả tuổi thơ bên mẹ, bên bà của mình ở đó…

Nghe Sao Mai Thanh Quý thủ thỉ, ngọt ngào hát “Nhớ tiếng mẹ ru” - 2

ca sĩ Thanh Quý đã vào vai cô con gái rất tự nhiên, thu hút người xem với vẻ đẹp trong sáng, dịu dàng.

Thanh Quý sinh ra trong một gia đình thuần nông ở vùng quê Thạch Văn, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Nhà cô ở vùng trũng, cứ đến mùa mưa là nước ngập hết cả ruộng vườn, có khi ngập vào tận chân giường. Ám ảnh suốt tuổi thơ cô là cảnh nước lụt trắng đồng, nước nhấn chìm hết cây cỏ trong vườn, bao nhiêu hoa màu mất trắng. Người dân quê cô khó có thể trồng được cây gì lâu dài để phát triển kinh tế, vì cứ đến mùa lụt lại bị chết hết. Cô nhớ mãi trận lụt lịch sử ở Hà Tĩnh cách đây gần chục năm, khi nước dâng ngập khắp nơi, nhà cô bị dột, bố mẹ phải chạy đi che chắn cho khỏi ướt, đàn lợn gà cũng bị nước cuốn trôi…

Mùa lụt là vậy, còn mùa nắng, Thanh Quý lại nhớ hình ảnh bà ngoại và mẹ vất vả ra đồng từ sáng sớm. Trời nắng chang chang, người trong làng đã về hết rồi nhưng bà và mẹ vẫn cố ở lại làm thêm, mong có được vụ mùa tốt nhất để lo cho các con… 

Nhưng dù có vất vả đến mấy, bà ngoại và bố mẹ Thanh Quý vẫn cố gắng để cho con cháu được học hành đến nơi đến chốn. Cô và hai em đều được ăn học tử tế và giờ đã có công việc ổn định, tự lo được cho cuộc sống của mình. Giờ đây, gia đình của Thanh Quý cũng đã qua những ngày tháng cực nhọc, khó khăn, nhưng cô luôn nhớ và trân trọng quãng thời gian đó. Bởi chính trong khó khăn, cô càng cảm nhận được sâu sắc hơn tình cảm, sự hy sinh cha mẹ dành cho mình.

Có lẽ vì thế mà Thanh Quý luôn đầy cảm xúc khi hát về quê hương.“Tôi sống xa nhà, nhớ mẹ nhiều lắm. Tôi thấy bài hát của nhạc sĩ Phan Huy Hà cứ như là được viết riêng cho mình vậy. Mỗi lần cất lên câu hát là tôi lại đầy cảm xúc, thấy thương cho mẹ mình suốt đời lam lũ vì con mà không bao giờ mong muốn nhận được sự đền đáp”, nữ ca sĩ chia sẻ.

Nghe Sao Mai Thanh Quý thủ thỉ, ngọt ngào hát “Nhớ tiếng mẹ ru” - 3

Thanh Quý sinh ra trong một gia đình thuần nông ở vùng quê Thạch Văn, Thạch Hà, Hà Tĩnh.

Chia sẻ thêm về “Nhớ tiếng mẹ ru”, Thanh Quý cho biết, bài thơ được nhạc sĩ Phan Huy Hà phổ nhạc có hoàn cảnh ra đời rất đặc biệt. Tác giả Phạm Huyền đã viết bài thơ này ngay sau cánh cửa của phòng mổ bệnh viện, khi con gái 18 tuổi của chị trong cuộc đại phẫu thuật vì bị nhiễm trùng tim rất nặng. Trong thời gian chờ đợi dài như cả thế kỷ, chị nghĩ đến con gái, đến mẹ của mình và những người mẹ khác, nước mắt tuôn rơi và từng câu thơ cứ thế bật ra… Những câu thơ của chị Phạm Huyền đã tìm được sự đồng điệu với nhạc sĩ Phan Huy Hà, để rồi ca khúc “Nhớ tiếng mẹ ru” ra đời…

Ca sĩ Thanh Quý sinh năm 1994. Trước khi đạt vị trí Top 3 Sao Mai 2019 dòng dân gian, cô đã giành được nhiều giải thưởng âm nhạc quan trọng như: giải A Liên hoan Hội Nhạc sĩ Việt Nam khu vực Bắc miền Trung 2013, Huy chương Bạc cuộc thi Tài năng Âm nhạc trẻ toàn quốc 2016, Á quân 1 cuộc thi Tuyệt đỉnh song ca 2018 (cùng với ca sĩ Linh Hoa). Tại giải Sao Mai 2019, ngoài vị trí Top 3, Thanh Quý cũng giành giải “Thí sinh có phong cách trình diễn ấn tượng nhất”.

Hà Thanh