MC khổ vì... lời khen?!

"Nịnh" MC đang trở thành mốt của những người chơi trò chơi truyền hình. Hễ có dịp thổ lộ là các thí sinh đều bộc bạch đi thi là để được nhìn tận mắt anh dẫn chương trình X., rồi anh nọ mặc quần áo đẹp, chị kia hai mấy tuổi mà sao… trẻ quá.

Thôi thì dù ai đó khó chịu vẫn phải nói, các show games nhan nhản trên truyền hình, từ đài Trung ương đến đài địa phương, 24/24h, bật "rờ mốt" phút nào là thấy MC phút ấy. Nghề MC đang thịnh, chả thế mà từ anh diễn viên hài đến anh ca sĩ, từ người đẹp ngôi "hậu" đến cô người mẫu đều có nghiệp tay trái là MC.

Có năng khiếu ăn nói, làm thêm nghề phụ cho khán giả càng quen mặt âu cũng là một thuận lợi. Tất nhiên, những MC này rất đáng để một bộ phận khán giả yêu quý, tôn sùng là thần tượng. Vì thế, nếu có dịp được giao lưu với MC, trong vai trò người chơi ở một show games nào đó hoặc là một khán giả xem trực tiếp, nhiều người không ngại ngùng khen cô MC này đẹp gái, anh MC kia đẹp trai, nụ cười của anh này làm họ bối rối nên… quên hết câu trả lời, nụ cười của cô kia đẹp quá khiến họ ngẩn ngơ mất mấy ngày.

Và tất cả đều bày tỏ lòng ngưỡng mộ, có người còn thật thà thú nhận, bay từ TPHCM ra đi thi chỉ để thỏa lòng mong ước là được một lần gặp thần tượng là MC của chương trình Y, để xem có khác gì so với nhìn trên tivi hay không... 

Không hiểu sao, cứ nghe những lời khen ấy (dù không phải khen mình) tôi lại có cảm giác gáy nóng ran như bị rôm đốt. Người Việt Nam mình vốn rất tế nhị chuyện khen chê, người được khen chưa chắc đã thích thú nếu họ không xứng đáng. Có người được khen xong chỉ muốn nhảy lên mà đánh trả cái kẻ vừa đưa ra lời khen ấy. Dân gian gọi là "khen đểu". Bởi hay thật thì khen cũng là một nhẽ, đằng này… Một anh MC vốn thường "tự thú" trước đông đảo bà con là: rất ghét mặc quần bò vì… chân cong, mỗi lần cười lại có hàng đống "chân chim" duyệt binh trên mặt… ấy thế mà rồi vẫn có cô nàng khen nức nở, vẫn bối rối khi đứng trước anh...

Vẫn biết cảm xúc là tuỳ thuộc từng người, xấu đẹp cũng là do từng người quan niệm, như chồng một ca sĩ nổi tiếng, thấy vợ mình đẹp hơn vì có những nốt tàn nhang trên mặt, (và đôi khi mặt trái xoan chưa chắc đã là quyến rũ), thế nhưng ít ra cái đẹp cũng phải có tiêu chí nhất định, nhất là khi lời khen ấy không phải họ nói riêng với nhau mà lại "thiên nhiên" trước hàng vạn, hàng triệu người. Nhưng ở đây tôi không tranh luận chuyện xấu đẹp, mà tôi muốn nói cái ý thức người khen.

Không hiểu vì nguyên cớ gì mà nhiều người tham gia các trò chơi truyền hình bây giờ thích "nịnh" MC thế không biết. Như ngày xưa học trò thường nịnh cô giáo cho thêm điểm. Người nọ truyền "bệnh" sang người kia, nên hễ có dịp là người ta lại bộc bạch, đi thi là cốt để được nhìn tận mắt thấy anh dẫn chương trình X, ao ước được một lần đứng cạnh chị dẫn chương trình Y, rồi anh nọ mặc quần áo đẹp, chị kia hai mấy tuổi mà sao… trẻ quá, chứ ít thấy ai phát biểu, đi thi vì thấy trò chơi dễ quá, tin rằng mình sẽ chiến thắng. Dù chỉ là "nói cho vui", tán chuyện cho xôm trò thì cũng không nên đưa ra những ý kiến riêng tư trước đông đảo người xem như thế.

Nịnh chán họ còn… làm thơ để tặng nhau. Mà (giời ạ!), vẫn biết là thơ "con cóc" rồi, nhưng ít ra thì thơ "con cóc" nghe xong còn cười được. Chứ thơ họ tặng nhau, phải nói rất thật rằng, không thể nào bình luận gì thêm. 

Có "duyên" được nhiều người nịnh nhất ấy hẳn cũng không sung sướng gì khi chương trình nào anh cũng méo mặt vì… bị khen. Ai đó nói rằng, chẳng ai là không thích được khen, nhưng tôi lại nghĩ, khen đúng và trong hoàn cảnh hợp lý thì còn thấy hay, chứ khen bừa khen bãi, khen vì mục đích nịnh nhau (kể cả trong tình huống chẳng để làm gì) thì chỉ làm hạ thấp người khen mà thôi. Lời khen vốn tế nhị.

Tế nhị lắm!

Theo Hiền Anh
Công An Nhân Dân