Hilary Hahn lôi cuốn bằng sự biểu cảm

Nhà hát Lớn Hà Nội tối qua ngây ngất trong hoa hồng và tiếng đàn đầy cảm xúc của nghệ sĩ violon Hilary Hahn và nghệ sĩ piano Natalie Zhu.

Với chủ ý là giới thiệu về sự phát triển của thể loại sonata cho violin nên Hilary Hahn chọn biểu diễn 4 bản sonata nổi tiếng của Mozart, Bach và Faure. Với đặc trưng của thể loại là các nét giai điệu đẹp luôn được nhắc lại và phát triển trong cao trào tác phẩm nên đây là một chương trình tương đối "dễ nghe".

Hilary Hahn không chọn cho mình một đêm diễn để phô diễn kỹ thuật mà chủ yếu là một đêm nhạc của sự chia sẻ, đồng cảm, lôi cuốn người nghe vào các giai điệu đẹp của nhạc cổ điển. Hilary và Natalie Zhu đã mở đầu chương trình đầy bản lĩnh với bản sonata đầy hứng khởi dành cho violon và piano cung Fa trưởng, K.376.

Nhưng điểm nhấn của phần 1 chương trình lại là bản sonata số 3 cung Đô trưởng, của J.S.Bach mà Hilary độc tấu. Cô khiến người nghe xúc động không phải bởi cách xử lý các phức điệu của Bach một cách bản lĩnh mà trên hết đó là cách cô dẫn dắt các giai điệu đầy say mê. Điều này cũng không ngạc nhiên vì album đầu tiên của Hilary độc tấu bản SonataPartitas của Bach đã đoạt giải Diapason '97 và liên tục nhiều tuần đứng ở vị trí đĩa nhạc cổ điển bán chạy nhất trong bảng xếp hạng Billboard. Hilary là một nghệ sĩ violon thừa thông minh và kỹ thuật, nhưng trên hết cô đã dẫn dắt người nghe vượt qua những bè phức điệu dày đặc của Bach, chắt lọc lại những giai điệu tuyệt diệu.

Chương trình biểu diễn của Hilary không thể thành công đến vậy, nếu thiếu người đệm piano Natalie Zhu. Đêm nhạc dường như không còn là của riêng Hilary khi Natalie mở đầu với những giai điệu tuyệt vời của sonata dành cho violin và piano cung Mi thứ, K. 304 của Mozart. Một bản Sonata nổi tiếng với các giai điệu quá đẹp được Natalie xử lý đầy biểu cảm.

Bản K.304 nằm trong số 7 sonata Mozart viết tại Paris và ông đặt tựa đề "Những bản Sonata dành cho piano có phần đệm bằng violon", với ngụ ý rằng, violin là phần đệm ngẫu hứng cho piano. K.304 là bản duy nhất viết bằng cung thứ nên chất chứa nhiều nét sâu lắng và suy tư của tác giả trong giai đoạn đó như cái chết của người mẹ ông, tình yêu đơn phương trong các chuyến lưu diễn và những khó khăn trong tài chính... Và Natalie gần như đã dẫn dắt toàn bộ bản sonata có nhiều dấu ấn riêng tư của Mozart này.

Chương trình kết thúc bằng sonata số 1, cung La trưởng dành cho violon và piano, Op.13 gồm 4 chương với sự sôi nổi, duyên dáng và những bất ngờ về tiết tấu. Khi những âm thanh cuối cùng của bản sonata này kết thúc, Hilary và Natalie đã tràn ngập trong hoa và những tràng pháo tay không dứt của khán giả Hà Nội.

Theo Hà Thu
Vnexpress