"Giải mã" Claquettes

(Dân trí) - Duy Hải có lẽ là nghệ sĩ VN đầu tiên được đào tạo bài bản về Claquettes, môn nghệ thuật biểu cảm qua đôi chân cũng như ngôn ngữ hình thể tại Mỹ. 27 tuổi nhưng đã là Master về Claquettes và nhận được nhiều lời mời giảng dạy ở nước ngoài.

Thế nhưng, chàng trai tràn ngập ý tưởng và quyết tâm này chỉ muốn học nhiều hơn nữa để trở về VN với ước mơ phát triển Claquettes.

 

Hip hop đang là "thời trang" và được giới trẻ đón nhận rất nhiệt tình. Tuy không phải ai cũng hiểu kỹ về nó nhưng tác động của làn sóng Hip hop trong đời sống văn hoá VN là điều khó phủ nhận. Claquettes với nhiều người VN còn khá mới mẻ cho dù nó đến trước Hip hop rất nhiều. Vậy phải hiểu thế nào về Claquettes?

 

Đúng vậy. Điều đáng chú ý là bộ môn nghệ thuật này được giới thiệu một cách bài bản và quy củ ở trình độ cao, do đó việc du nhập Claquettes vào Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở, chất lượng tuy cũng phải cần thời gian để có thể phổ biến rộng rãi và để kết hợp phát triển với nhạc dân gian Việt Nam. Sinh ra ở Mỹ nhưng hiện nay Claquettes đã xuất hiện ở khắp mọi nơi trên thế giới, từ các nước Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Anh, các nước châu Âu, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật, Nga, thậm chí ở cả các nước Trung Cận Đông, châu Phi...

 

Claquettes có thể biểu diễn trên nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, vừa giữ được bản sắc của nền văn hoá hết sức độc đáo này vừa giữ và kết hợp, đi sâu khai thác được vào văn hóa âm nhạc nghệ thuật truyền thống đặc trưng của mỗi quốc gia. Với ý nghĩa sâu xa của Claquettes là biểu cảm, làm phát ra tiếng động qua đôi chân với âm thanh, tiết tấu rất phong phú đa dạng khác nhau, thể hiện vũ đạo đặc trưng, tiếp xúc với âm nhạc và rèn luyện thể chất, bền bỉ và dẻo dai, bộ môn này thực sự luôn thu hút được sự chú ý của rất nhiều người.

 

Có cơ hội sang Mỹ, cái nôi của Claquettes và được làm việc với những Master hàng đầu. Hải nắm bắt cơ hội này như thế nào?

 

Cơ hội sang Mỹ trước, sau đó là được làm việc với những Master hàng đầu rất hiếm. Mọi việc đều cần chút ít may mắn nhưng để nắm bắt được mọi cơ hội bạn còn cần cả sự linh hoạt, quyết tâm và cố gắng hết mình. Luyện tập chăm chỉ, phấn đấu không ngừng học hỏi, tìm thông tin, chịu khó đi lại, tiếp xúc... là rất quan trọng. Tuy Hải đã thực hiện được giấc mơ của mình, đứng ở trình độ cao nhưng Hải cảm thấy mình còn cần phải phấn đấu, học hỏi thêm nhiều lắm bởi chuyên môn càng cao, ý tưởng, sáng tạo càng phong phú thì công việc của nghệ sỹ càng thu hút được nhiều người.

 

Suốt mấy năm học tập tại Paris, New York, thành phố có phí sinh hoạt cực kỳ đắt đỏ, ngoài chuyện đi diễn chắc phải đi làm thêm chứ, phục vụ trong bar chẳng hạn... Những công việc như vậy có giúp cho Hải nhiều trong việc hình thành lối sống?

 

Có chứ, Hải đã từng làm bồi bàn cho các nhà hàng Việt Nam, Nhật ở Paris, nhà hàng Mỹ ở New York để có thể chu cấp phần lớn cho ăn ở sinh hoạt học tập của mình. Tất nhiên phải kể đến sự hỗ trợ của gia đình cả về vật chất lẫn tình cảm. Khi mình có quyết tâm cao, biết mình là ai và đang làm gì để có được cái gì cũng như để có thể phấn đấu đạt được mục đích gì thì mình sẽ có sức mạnh vượt qua nhiều thứ, nhất là sự buồn chán, mệt mỏi...

 

Từng biểu diễn thường xuyên tại New York, được các thầy dạy danh tiếng cưng chiều và nhận được rất nhiều lời mời giảng dạy Claquettes tại nhiều nước. Với một người trẻ tuổi như Hải, đây là những cơ hội quá lớn. Sao bạn lại từ chối để về VN dạy nhảy?

 

Nhận được lời mời của một số trường trên thế giới là một vinh dự, sự khích lệ lớn cho không chỉ riêng Hải mà còn còn các nghệ sĩ khác. Tuy nhiên, từ lòng tốt, sự quý mến đến khả năng tài trợ để bảo lãnh là rất phức tạp. Cho nên, mình phải hiểu thực tế. Hải đã học được ở Pháp, Mỹ rất nhiều, còn trong thời gian Hải có mặt ở Hà Nội vừa qua là để trau dồi, phát triển ý tưởng, sáng tác - rất hợp cho công việc của một nghệ sĩ. 

 

Gần một năm giảng dạy và làm việc như một biên đạo múa Hip hop tại VN thời gian qua có làm thay đổi phần nào suy nghĩ trước đây do môi trường học tập và làm việc nước ngoài mang lại?

 

"Giải mã" Claquettes - 1

Claquettes đòi hỏi một sự luyện tập công phu và bài bản.

 

Gần một năm hoạt động với các em học sinh tại Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt-Xô, nơi mình đã từng học rất bài bản Người máy, Sóng, Rap... rồi giảng dạy, đi diễn... và với các sinh viên trường múa, mình có thêm rất nhiều kinh nghiệm quý báu cho bản thân về chương trình dạy, tố chất các em, suy nghĩ, cách tư duy, cơ sở các em có, công việc sáng tác đi diễn trong hoàn cảnh "chạy show". Tất cả những thực tế đó giúp Hải nâng cao được khả năng biên đạo, chất lượng truyền đạt thông tin, ngôn ngữ động tác...

 

Đã là master chuyên nghiệp về Claquettes cùng kinh nghiệm nhảy nhiều năm chưa đủ để Hải yên tâm ở lại VN? Vậy liệu đó có là  lý do bạn quyết định tới Australia học biểu diễn và ngôn ngữ hình thể (body language)?

 

Mình có tố chất đặc biệt cho nhảy múa và tự tin hơn khi thể hiện cảm xúc qua ngôn ngữ cơ thể. Tuy đã thực hiện được mong ước của mình với Claquettes, nhưng môi trường đào tạo chuyên nghiệp ở Mỹ đã tác động rất lớn đến những suy nghĩ của Hải. Ballet là nền tảng của tất cả các thể loại nhảy múa khác nhau, trục đứng của người, chuẩn mực về tư thế, động tác, quay, điểm nhìn... Bất cứ nghệ sĩ nhảy múa giỏi nào cũng phải biết đến Ballet, ở trường của Hải luôn gò học viên 2, 3 buổi tập Ballet 1 tuần không cần biết bạn thích thể loại gì. Ở Hiphop, Claquettes, Latin, Theatre... 

 

Hải đã học nhiều Ballet, múa hiện đại Jazz... nhưng kỹ thuật chưa thật chuẩn. Tuy có phong cách riêng trong Claquettes, nhưng Hải còn cần học bài bản hơn về diễn xuất, sân khấu rồi biên đạo múa... Do đó, Hải muốn học rộng, sâu hơn để phấn đấu được hết mình cho chuyên môn cũng như cách suy nghi của Hải là không ngừng học hỏi bởi Claquettes là tổ hợp của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau...

 

Vậy có nghĩa là nghệ sĩ nhảy Claquettes vừa là người biên đạo, vừa là nhạc sĩ?

 

Đúng vậy, nghệ thuật nhảy Claquettes đã tiến những bước xa trong quá trình phát triển của mình. Trong những thập kỷ gần đây, các âm sắc và tiết tấu đặc trưng của Claquettes được khai thác nhiều hơn ở các góc cạnh của bàn chân và tư thế của người, chân, vị trí trọng lượng của cơ thể... Không phải nghệ sĩ nhảy Claquettes nào cũng có khả năng độc diễn không nhạc như một nhạc cụ. Hải đã từng nhiều lần độc diễn ở trường ở thể loại này. Chơi trống hỗ trợ rất tốt cho nhảy Claquettes, Hải đã từng học, tập trống ở Paris, New York. Song song với tập trống, cơ hội may mắn học và làm việc với các nghệ sỹ danh tiếng đã giúp Hải rất nhiều.

 

Hải đã có kế hoạch gì sau 3 năm nữa, khi hoàn thành việc học ở Australia và trở về VN, ví dụ như việc mở trường dạy Claquettes và các môn nghệ thuật đương đại chẳng hạn...?

 

Hải đã có nhiều may mắn được học và đào tạo chuyên nghiệp ở nước ngoài không chỉ Claquettes mà còn cả Ballet, múa hiện đại Jazz, Latin, nhảy châu Phi, Theatre, Hiphop... Hải từng được rất nhiều bạn bè thầy cô, nghệ sỹ yêu quý bởi việc một sinh viên Việt Nam "mạo hiểm" đi theo tình yêu, tiếng gọi, con đường riêng về biểu diễn nghệ thuật nhảy múa này và thành công là rất hiếm so với tỷ lệ sinh viên Việt Nam có điều kiện đi du học nước ngoài. Hải sẽ cố gắng hết sức để có thể đủ cơ sở và được tạo điều kiện mở trường dạy nhảy Claquettes và các bộ môn nghệ thuật như Ballet, múa Jazz, nhảy hiện đại với những giảng viên giỏi.

 

Theo Hải, Claquettes có cơ sở để tìm một chỗ đứng vững chắc tại VN? Với tư cách là một trong những chuyên gia hàng đầu về môn nghệ thuật này ở VN, theo bạn cần bao lâu nữa để Claquettes trở thành món ăn tinh thần phổ biến ở VN, trở ngại lớn nhất là gì?

 

Điều này được khẳng định lại dựa trên ý nghĩa của nhảy Claquettes và các yếu tố mình đã nói ở trên. Không sợ khó khăn, chỉ sợ mình chưa cố gắng hết sức, chưa suy nghĩ chu đáo. Ơ Mỹ, Claquettes chỉ là một trong số những món ăn tinh thần phổ biến, cho nên sẽ rất tốt nếu chúng ta có thể phát triển bộ môn nghệ thuật này ở Việt Nam. Hải hy vọng vào một tương lai gần có đủ điều kiện và cơ sở để người Việt Nam sớm được tiếp xúc với bộ môn nghê thuật hết sức độc đáo này.

 

Cảm ơn Duy Hải!

 

Uyên Phương