Đức Trí: Không "thoát" khỏi âm nhạc và... người đẹp!

Hiện Đức Trí đang rất đắt show với nhiều đơn đặt hàng viết nhạc phim thù lao cao... ngất ngưởng. Thêm vào đó là sự kết hợp của anh với ca sĩ chân dài Hồ Ngọc Hà cũng "hút" nhiều sự chú ý.

Ngoài đời, Trí không có cái vẻ... tay chơi như trong các tấm hình ta từng thấy trên các báo. Khuôn mặt ngồ ngộ, là sự kết hợp của những chi tiết khá đặc biệt, tạo nên ấn tượng về một sự góc cạnh và tròn trĩnh đầy ngộ nghĩnh: vầng trán cao hơn mức bình thường, đôi tai xòe rộng, cặp mắt rất sáng dưới hàng lông mày đen và sắc cho một ánh nhìn thân thiện.

Trí tâm sự, anh đến với âm nhạc khá trễ. Năm học lớp 10 mới thực sự có được bộ trống, nhạc cụ đầu tiên trong đời - món quà mơ ước mà có nó gia đình anh phải dành dụm khá lâu.

Qua lời mẹ anh kể, cậu bé Trí có năng khiếu từ thuở lên ba: hát đúng nốt, không sai cao độ, có đôi tai nhạy bén với âm nhạc. Song, chẳng ai tính đến chuyện sẽ cho Trí đi theo con đường âm nhạc bởi thời đó âm nhạc chưa được coi là một nghề mà chỉ như thú chơi hơi... xa xỉ.

Khi vào môi trường âm nhạc chuyên nghiệp, anh cũng nhận ra ngay cả những người tâm huyết nhất với âm nhạc cũng không thể sống bằng chính âm nhạc. Chính vì thế, suýt nữa Đức Trí trở thành một anh kỹ sư điện tử, khi anh nghe theo ý muốn của cha ôn thi vào Trường ĐH Bách khoa.

Đột ngột, bố anh qua đời trong lúc anh đang chuẩn bị thi. Sự hụt hẫng khiến anh không còn tâm trí cho chuyện thi cử nữa. Nhờ những lời động viên, khuyến khích của bạn bè, thầy cô, anh quay sang thi vào Nhạc viện.

Ở nhạc viện, Trí đã may mắn được học những thầy giỏi và tận tâm. Các thầy khám phá ra khả năng của anh là hòa âm, phối khí, đệm... và hướng anh đi đúng sở trường.

Tuy nhiên, chương trình trong nhạc viện lại chưa chú trọng phần nhạc nhẹ. Muốn phát triển được nghề, cần một sự đầu tư, phải học lên nữa. Quyết tâm và niềm khao khát học hỏi đã khiến anh nảy ra ý nghĩ liều lĩnh: "Chỉ cần mình được đi du học 1- 2 năm, hết tiền thì về cũng được. Quan trọng là mình được tiếp xúc, được va chạm với nền âm nhạc của thế giới".

Đặt chân sang đất Mỹ, Trí mới nhận ra mọi chuyện không hề đơn giản: Làm sao để kiếm đủ 11 nghìn USD học phí cho mỗi học kỳ, chưa kể ăn gì, ở đâu? Trí luôn rơi vào tình trạng thiếu thốn, có những khi phải nhịn đói... Anh tìm việc làm thêm để có thể xoay đủ tiền học, tiền ăn. Và anh đã trải qua hơn 3 năm trời trong cảnh lo ăn lo học lần hồi như thế.

Bù lại, anh đã học được rất nhiều. Cái "được" lớn nhất chính là cách làm việc, cách tổ chức, cách tư duy trong vai trò của một người sản xuất âm nhạc. Nhắc lại kỷ niệm những năm đi du học, anh mỉm cười, pha chút trầm ngâm: "Các bạn trẻ thường nói họ không có điều kiện để tu nghiệp, trau dồi kiến thức. Thực ra, cơ hội là do chính chúng ta tạo ra. Ngoài đam mê, sự quyết tâm cần đầu tư cả... máu liều của tuổi trẻ nữa". 

Music Faces mới hoạt động chưa lâu, các đơn đặt hàng đã tới tấp bay đến. Hiện Đức Trí, trong vai trò phó giám đốc, đang cùng ê-kíp thực hiện phần nhạc cho hai bộ phim nhựa Áo lụa Hà Đông1.735km và những dự án thu băng đĩa cho các ca sĩ.

Các nhân viên trong công ty cho biết, Trí là một trong những người làm việc cực nhọc nhất: thường xuyên phải thức đêm tới 1-2 giờ sáng. Song Trí lại không cảm thấy bị áp lực hay căng thẳng, trái lại anh thấy làm việc là một niềm hạnh phúc lớn lao: "Âm nhạc là một nghề mà người lao động được hưởng thụ thành quả của mình ngay cả khi đang thai nghén ra nó. Vì thế, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc trong công việc".

Hiện, Trí vẫn đi con xe Magic cũ mèm, thỉnh thoảng lại giở chứng... ăn vạ. Tôi ngạc nhiên: "Thế mà thiên hạ tưởng anh... giàu lắm rồi!". Trí bật cười: "Nói ra có thể nhiều người không tin: đến giờ mình vẫn còn "kéo cày" để trả món nợ thời đi du học đấy! Điều này cũng là bình thường với các sinh viên nước ngoài thôi... Mình không đam mê thời trang có lẽ vì ảnh hưởng của lối sống gia đình và những năm "thắt lưng buộc bụng" đi học.

Anh lôi trong túi áo chiếc Walkman phone Sony Eriscson W800i. Trí có vẻ hào hứng với một món đồ mà anh cho là... hơi bị xa xỉ so với thói quen tiêu dùng của mình: "Ban đầu, tôi cũng nghĩ nó chỉ là thứ thời trang, nhưng khi dùng thử đã thấy đây là một công cụ nghe nhạc cực kỳ hữu hiệu: chiếc điện thoại với kỹ thuật âm thanh của Sony Walkman, có những tính năng ưu việt của một máy nghe nhạc số, đặc biệt chức năng voice recording phục vụ cho việc ghi âm...

Nhạc số đã từng là mốt của thế giới cách đây nhiều năm, còn ở ta vài năm nay mới thực sự bắt đầu và chiếc Walkman phone này là một bước đột phá để có âm nhạc mọi lúc mọi nơi!".

Nhìn vẻ bụi bặm mà giản dị của Trí, tôi bỗng buột miệng: "Một người không có máu tay chơi như anh tại sao luôn gắn với hình bóng các người đẹp?".

Trí suy nghĩ giây lát rồi bật cười: "Thực ra, tôi không... thoát khỏi những người đẹp. Đó là do nghề nghiệp, môi trường... Và quan trọng hơn là sự đồng cảm. Thông thường, những người làm cùng nghề có thể hiểu và chia sẻ được những vất vả của nhau".

Theo Thanh Niên