Đoan Trang: "Tôi sẽ lấy chồng năm 29 tuổi"

"Cuối cùng thì tôi cũng phải lập gia đình, làm mẹ. Tôi dự định sẽ kết hôn vào cuối năm 29 tuổi. Phụ nữ sẽ hạnh phúc nếu lấy được người chồng yêu mình nhiều hơn", ca sĩ "Sôcôla" tâm sự.

Album "Sôcôla" mới đây, chùm 3 ca khúc "Sôcôla - Bâng khuâng - Tóc hát" của chị đã gây ấn tượng tốt đối với công chúng. Còn lại các ca khúc khác chưa thực sự làm bật lên cá tính Đoan Trang với dòng Latin. Bản thân chị thấy sao?

Chùm ca khúc chính là cách tô đậm và nhấn mạnh sở trường hát nốt cao của tôi. Ngoài ra, những ca khúc đó với âm thanh sống động đã giúp tôi thuận tiện trong việc sử dụng vũ đạo khi biểu diễn. Không thể trong một album, tất cả các ca khúc đều hay và ấn tượng như nhau. Một album có 3 hit đã là thành công.

Vì sao chị muốn thoát ra khỏi hình ảnh Đoan Trang với trái cây, bánh quy, khi mà chính nhờ nó, chị mới có được những bước đi như ngày hôm nay?

Khi đến với những ca khúc ấy, tôi chỉ là một cô bé mới chập chững bước vào làng nhạc. Tôi biết ơn những Khi tôi 20, Forget me not... nhưng giờ đây, tôi không thể đóng khung mình trong hình ảnh nhí nhảnh mãi thế được. Tôi cảm nhận được trong mình năng lực mạnh mẽ chưa thực sự được khai thác hết. Tôi muốn được vùng vẫy, bơi trong âm nhạc với tất cả tâm sức mình có. Vì lẽ đó, tôi tìm đến với Latin, thử sức với R&B, với techno... Tôi muốn chứng tỏ sự đa dạng trong giọng hát và phong cách của mình, tạo nên hình ảnh một Đoan Trang trẻ và năng động.

Mới đây, khi tham gia vào đêm nhạc Nguyễn Cường, chị đã thể hiện "Mãi mãi tuổi thơ tôi Hà Nội" - ca khúc gắn liền với giọng nam Đức Chính. Vì sao chị "liều mình" như vậy, bởi thế mạnh của chị không phải là dòng nhạc chính thống?

Khi nhận ca khúc này, tôi tự nhủ: "Mình tiêu rồi". Thời gian đó tôi phải đi lưu diễn tại Canada, vì thế mang luôn nỗi lo với ca khúc trong suốt cuộc lưu diễn. Bất kỳ lúc nào không phải cầm mic, tôi lại lôi bản demo của Mãi mãi tuổi thơ tôi Hà Nội ra nghe và tập hát. Chính quãng thời gian đó cộng với sự tập trung cao độ đã khiến tôi nhận ra rằng mình rất thích hát thể loại nhạc này.

Sau khi lưu diễn xong, tôi đã thể hiện ca khúc này trong buổi tổng duyệt, có sự giám sát của tác giả - nhạc sĩ Nguyễn Cường. Khi tôi hát xong, chú Cường ôm lấy tôi và nói một câu khiến tôi vô cùng xúc động: "Bây giờ tôi mới tìm được người hát thành công Mãi mãi tuổi thơ tôi". Chú ấy nói, với cách hát trẻ, được thử nghiệm bằng phong cách acoustic (dàn nhạc chỉ gồm guitar thùng, kèn, bộ gõ), tôi đã khiến ca khúc mang màu sắc mới, đầy sức sống hừng hực mãnh liệt.

Từ thành công tuy còn nhỏ bé đó, giờ đây tôi rất tự tin khi hát nhạc chính thống. Không phải tôi muốn lấn sân, tôi chỉ muốn thể hiện mình là một ca sĩ trẻ nhiều năng lực, không chỉ chinh phục dòng Latin mà còn có thể làm được nhiều bất ngờ khác. Tôi muốn tự mình biến hóa bản thân. 

 

Đoan Trang: "Tôi sẽ lấy chồng năm 29 tuổi" - 1
 

 

Phải chăng chính vì vậy mà chị đã không ngại thể hiện nhạc chính thống trong chương trình "Việt Nam ca hát" của đạo diễn Huỳnh Phúc Điền, một chương trình quy tụ nhiều "sao" và hầu hết đều hát lại những ca khúc quen thuộc?

Khi nhận lời tham gia "Việt Nam ca hát", tôi muốn thay đổi sự quen thuộc từ phong cách của chính mình. Tôi đề đạt với anh Điền, thay vì hát lại những gì gắn liền với tên Đoan Trang, tôi muốn hoàn toàn khác hẳn với Ngẫu hứng sông Hồng (tác giả Trần Tiến). Tất nhiên anh Điền không đồng ý vì sợ bị "khớp", và nói với tôi: "Em đừng cầu toàn như vậy". Sau nhiều ngày năn nỉ ỉ ôi, anh Điền chấp nhận cho tôi thử với điều kiện, khi duyệt lại mà thấy không ổn, anh ấy có quyền cắt tiết mục.

Áp lực như vậy, trong khi chỉ còn 1 ngày nữa là tôi đi lưu diễn nước ngoài. Ngay lập tức, tôi đến nhà nhạc sĩ Lê Quang, nhờ anh ấy làm bản hòa âm cho ca khúc này. Tôi đề nghị anh Quang phối theo phong cách trẻ và mới, đoạn đầu theo acoustic, đoạn giữa latin, phần cuối là rock. Cùng với bản phối đó, tôi cũng ghi lại đề nghị của mình với nhóm múa phụ họa, bằng cách nào đó để ngay khi kết thúc ngày lưu diễn, tôi có thể hòa nhập nhanh chóng.

Hôm tổng duyệt, khi trình bày xong tiết mục của mình, tôi hồi hộp hỏi anh Điền, anh ấy chỉ nói một câu: "Tốt". Ca khúc của tôi lẽ ra phải xếp trong phần Em, với những ca sĩ trẻ Mỹ Tâm, Hồng Ngọc..., tôi lại được anh Điền chuyển sang phần Tôi là phần nói về bản thân, cá tính và con người tác giả. Đó là một vinh dự của tôi, cũng từ đó tôi hiểu thêm rằng, sự cố gắng sẽ được đền đáp nếu thực sự nỗ lực.

Tuổi đời còn trẻ, nhưng vào làng nhạc đã nhiều năm, giờ quay lại nhìn, âm nhạc đã mang đến và lấy đi của chị những gì?

Tôi chưa bao giờ ân hận vì chọn âm nhạc, dù rằng nó lấy đi của tôi nhiều điều. Khi đến với một người, họ luôn cho rằng tôi không sống như những cô gái bình thường. Người yêu tôi luôn lo lắng về tính nghệ sĩ, xét nét rằng liệu tôi có thể trở thành người vợ tốt không. Tôi tự hào về tư cách và đạo đức bản thân, về nền tảng mà ba mẹ tạo dựng. Tôi tin mình sẽ là một người vợ, người mẹ, người con dâu tốt. Nhưng đó là trong tương lai, còn hiện tại chẳng mấy người đặt niềm tin ấy vào tôi. Đó chính là sự thiệt thòi mà tôi phải gánh chịu từ nghề nghiệp.

Không chỉ vậy, tôi rất thiếu không gian riêng tư, và luôn phải kiểm soát bản thân trong mọi hoàn cảnh. Tuy vậy, điều lớn nhất mà tôi nhận lại, giúp cho tôi quên được mọi thiệt thòi đó là sự yêu mến của khán giả. Thành công của người nghệ sĩ là có được sự yêu thương của những người xung quanh. Với tôi, thành công là có một gia đình hạnh phúc. Tôi đang cố gắng để đạt tới mơ ước ấy. Nghe thì đơn giản quá, nhưng để có hạnh phúc là điều vô cùng khó khăn.

Hoạt động trong ngành nghệ thuật - môi trường cạnh tranh khốc liệt, tham vọng của chị tới đâu?

Nhiều khi tôi lo lắng tự hỏi vì sao sự nghiệp của mình không thể cao hơn được nữa? Đó chính là tham vọng, nhưng không có tham vọng thì làm gì có cạnh tranh, chiến thắng. Làm nghệ thuật ai cũng tham vọng, ăn thua nhau ở sự tỉnh táo mà thôi. Đỉnh núi chỉ dành cho 1-2 người. Ông Trời không cho mình đứng trên đỉnh thì mình đứng rìa xung quanh, miễn sao làm hết khả năng. Tôi chỉ ân hận nếu có cơ hội mà lười biếng, không thực sự cố gắng.

Làm nghệ thuật, chị cảm thấy ra sao trước quan niệm, nghệ sĩ văn hóa ít, chỉ biết hát múa?

Chưa chắc. Có những người học vị cao mà văn hóa kém thì sao. Nghệ sĩ mà chịu khó trau dồi cũng sống văn hóa lắm chứ.

"Chỉ có con nhà giàu mới thành ca sĩ được", chị nghĩ sao về nhận xét này?

Trào lưu đua nhau làm ca sĩ đã ảnh hưởng đến cả một thế hệ trẻ. Nếu không có nền tảng, chỉ cậy giàu có thì chắc chắn sẽ sụp đổ ngay khi bị một cơn gió lớn. Đó là kinh nghiệm nghề nghiệp mà bất kỳ ai làm nghệ thuật cũng ghi nhớ.

Gia đình tôi không phải thuộc loại quá giàu sang, hơn nữa, ba mẹ tôi là những người rất nghiêm khắc. Ngày đỗ đại học, tôi chỉ được thưởng chiếc xe đạp. Đến khi sang giai đoạn 2, đạt điểm cao ba mẹ mới mua cho chiếc Chaly. Tôi đi hát, tiền cát-xê dùng để đóng học phí, tự mua sắm cho mình đồ dùng cần thiết. Con đường của tôi đi từng bước từ số 1 lên số 2, chứ không phải từ số 0 lên số 10.

 Theo Vnexpress