Đêm "không bình thường” của Bài hát Việt

(Dân trí) - Dễ hiểu thôi, vì tối 25/12 là đêm diễn trực tiếp cuối cùng khép lại 1 năm của chặng đường Bài hát Việt. Đêm gợi chút tiêng tiếc vì tháng tới không có live show bài hát mới. Và đó cũng là đêm, tác giả thắng cuộc được vinh danh ngay sau tiết mục diễn.

Những “cú đúp” sung sướng

 

Đó là trường hợp của kiến trúc sư, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, nhạc sĩ Lê Minh Sơn, nhạc sĩ phối khí Phan Cường… Nếu như ở Bà tôi, nhiều người vẫn còn có chút nghi ngờ khi Nguyễn Vĩnh Tiến đạt giải nhất Ca khúc của tháng (tháng 7), thì với ca khúc Giọt sương bay lên (tháng 11), anh đã xóa được ý nghĩ: thắng là nhờ ăn may. Anh thực sự khẳng định được cá tính trong “nét vẽ âm nhạc” của mình. Với Lê Minh Sơn, anh vẫn luôn chứng tỏ là một “tác giả” trẻ theo đúng nghĩa, sau khi giành thắng lợi với Ca khúc của tháng có nhan đề Hát một ngày mới (tháng 10), thì đêm qua tác phẩm À í a (tháng 12) Lê Minh Sơn lại lập thêm một kỷ lục cho mùa giải của anh tại Bài hát Việt.

 

Duyên hơn với Nguyễn Vĩnh Tiến, tham gia với tư cách là nhạc sĩ phối khí, cả hai lần Phan Cường đều đoạt giải Nhạc sĩ phối khí hiệu quả nhất. Tin vui đến với Ngọc Khuê với giải Ca sĩ thể hiện hay nhất trong tháng 11 cũng là cách làm dày thêm “chất lượng” của Giọt sương bay lên. Riêng Trọng Tấn, anh giành được giải Ca sĩ thể hiện hay nhất ngay trong đêm 25/12. Và, lần đầu xuất hiện trong Bài hát Việt với tư cách là nhạc sĩ phối khí, nhạc sĩ của ca khúc Cha tôi - An Hiếu xuất hiện trong live show tháng 12 đã vinh dự dành giải Nhạc sĩ phối khí hiệu quả nhất qua bài hát Thu trong phố (nhạc sĩ Trọng Lập, với sự tham gia của nghệ sĩ trumpet Trung Đông).

 

Nếu như ở những số trước, Bài hát Việt có khi ngẫu nhiên “tự tôn” một chủ đề, ví như: Tình yêu, nỗi buồn khi nhớ về quê hương, nhớ về tuổi thơ, thì ở số cuối cùng của năm, rất nhiều ca khúc với nhiều màu sắc hiện lên. Một chút “gai góc” trong Giấc mơ cỏ dại – nhạc sĩ Đức Tân, hay trẻ khỏe và đương đại như Du lịch cùng tôi của nữ nhạc sĩ Mai Thanh, Trắng đen của Tăng Nhật Tuệ… Dù không đoạt được giải gì, nhưng với phong cách biểu diễn cũng như những “chất lượng” ca khúc đã ít nhiều “ghi điểm” trong lòng công chúng.

 

Ngày 25/2/2006, sẽ diễn ra  Gala tổng kết, sau hơn một tháng dành cho khán giả truyền hình bình chọn ca khúc của năm.

Cùng với các bài hát đoạt giải của tháng, Hội đồng thẩm định sẽ giới thiệu thêm 5 ca khúc xuất sắc cùng tranh giải Bài hát của năm.

Và, một góc khá buồn…

 

Cũng như khá nhiều live show khác, ở chặng cuối cũng đồng nghĩa với “đuối dần”, Bài hát Việt cũng không phải là ngoại lệ. Thậm chí ngay sau khi ca khúc được giải, không ít người tỏ thái độ ngạc nhiên, và chính vì thế, không ít người cho rằng, đó khác nào đời sống âm nhạc Việt vừa hẻo vừa đi thụt lùi?

 

Vẫn biết, Bài hát Việt là để kiếm tìm cái hấp dẫn trong cái mới, phải chăng vì thế mà khá đông ca sĩ đi làm nhạc sĩ, nhưng không hiểu được mấy ai trong số những ca sĩ đó ngộ được là sản phẩm của họ là quá yếu. Và, vì thế khán giả mất lòng tin, bởi chỉ ít phút trước khi chính người ca sĩ ấy- nhạc sĩ ấy thể hiện người xem háo hức bao nhiêu, thì ngay lập tức đã phải làu bàu, “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Phải chăng ở góc độ đó cũng “góp phần” làm cho cái mới của Bài hát Việt dẫn đến cái yếu?

 

Tuy nhiên, dù không thiếu lời phàn nàn, nhưng với đời sống âm nhạc đương đại, Bài hát Việt vẫn luôn là sân chơi vui vẻ, mà cứ “đến hẹn lại lên”, khán giả màn ảnh nhỏ lại háo hức đón xem. Tôi lại nhớ đến một nhận xét mà một khán giả yêu nhạc trẻ - dù đã lớn tuổi ví von, Bài hát Việt như đứa bé tập đi, có ngã thì em mới biết đau. Vì thế, một sản phẩm mới – của một gương mặt mới có đất để thể hiện, có lời khen tiếng chê mới biết để sửa mình, để vươn xa hơn nữa trên con đường âm nhạc mà chính họ đã lựa chọn. Âu đó cũng là tâm niệm của những nhà tổ chức ra sân chơi này!

 

 

Khánh Nghĩa