Đằng sau những chuyến "bay sô"

Ca sĩ trong nước bay sô hải ngoại với mật độ càng lúc càng nhiều. Ca sĩ hải ngoại đổ về nước sống và ca hát mỗi lúc một đông thêm. Và chuyện xuất ngoại lưu diễn hay về quê ca hát đã trở nên quá quen thuộc...

Khi "sao" nội địa lưu diễn 

Quay video, làm DVD, bán đĩa, đánh bóng tên tuổi, diễn thì ít mà ở lại lâu và tự động móc show… lưu diễn bây giờ không còn chỉ của ca sĩ "danh giá" nữa.

Lâu nay, đi lưu diễn được xem như cơ hội tăng thêm thu nhập và còn là dịp để ca sĩ tự hào ngầm, mình cũng là ca sĩ có tên, ăn khách hoặc chí ít cũng có chút tên tuổi mới được mời.

Ngay cả các ngôi sao ăn khách nhất của thị trường nhiều năm qua như Mỹ Tâm, Đan Trường… nhưng mãi đến khoảng giữa năm 2004 Mỹ Tâm mới có chuyến lưu diễn đầu tiên đến Mỹ và Đan Trường là năm ngoái. Nhưng xem ra thông lệ này gần đây đã khác. Như nhóm hát nữ nọ, đùng một cái làm người ta ngạc nhiên khi có mặt trong chuyến lưu diễn ở Mỹ đầu năm nay, vì hãy còn là một tên tuổi xa lạ trong làng show biz Việt.

Rồi chỉ một thời gian ngắn sau, nhóm này lại tiếp tục lưu diễn với thời gian lâu hơn. Chỉ nghe qua thì có cảm giác như nhóm hát này đang ăn khách và được thị trường hải ngoại đón nhận không kém gì các "sao".

Nhưng thực sự là nhóm này cố tình lưu lại dài ngày trên đất Mỹ để tự móc show ở các vũ trường, casino vào dịp cuối tuần như các ca sĩ thường trực ở bên đấy. Và thế là có lý do để “chảnh”, nâng tầm của mình với đồng nghiệp và bầu sô. Đây cũng là một chuyện mới phát sinh gần đây và ngày càng hứa hẹn có nhiều ví dụ tương tự.

Thường thì đi lưu diễn, ca sĩ chủ yếu diễn vào những ngày cuối tuần, thời gian còn lại, dành cho việc di chuyển - nếu đã lỡ ký nhiều sô ở nhiều địa điểm xa cách nhau hàng ngàn cây số, không thì tranh thủ làm một số việc, trong đó, điển hình nhất là shopping. Có thể nói không quá rằng hầu hết các bộ đồ hiệu đắt tiền mà những Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, Thanh Lam… mặc đều sắm được từ các chuyến lưu diễn.

Không chỉ mua sắm cho bản thân, mà còn tranh thủ cho các nghề tay trái khác của mình. Thanh Thảo dành thời gian để đi thăm dò, tìm hiểu thị trường mỹ phẩm, mua sắm hàng làm đẹp của Spa Andy của cô. Và bây giờ, con thêm hàng lưu niệm khá độc, vì cô vừa mở cho mẹ mình một shop bán hàng lưu niệm!

Bên cạnh những chuyện tiêu tiền, các ca sĩ không quên tái đầu tư cho nghề nghiệp và lấy lại vốn, như làm các clip ca nhạc, và bán băng đĩa của chính mình. Thanh Thảo, Đan Trường, Thy Dung, Trần Tâm đi châu Âu, Úc, Thái Lan, Trung Quốc, Lam Trường đi Mỹ, Mỹ Tâm đi Hàn Quốc… đều tranh thủ tận dụng quay cảnh đẹp những nơi mình đến thành video clip, nhất là với những nơi mà ca sĩ hiếm có dịp trở lại.

Tuy nhiên, phần lớn những clip được quay ăn theo các chuyến lưu diễn chủ yếu thực hiện bằng máy quay phim cá nhân này chỉ thoả mãn nhu cầu của ca sĩ và sự tò mò của khán giả về những nơi ca sĩ đã đến.

Đi lưu diễn cũng là dịp ca sĩ tiêu thụ băng đĩa, cả album mới lẫn album cũ. Và với không ít ca sĩ, đây cũng có thể xem là dịp làm ăn thực sự. Tuy nhiên, giờ giấc mướn địa điểm biểu diễn ở nước ngoài rất sít sao, các ca sĩ chỉ có thể tranh thủ 30 phút giải lao giữa chương trình mà vừa ký vừa bán. Nên bạn có thể thấy sao lớn sao bé gì hát xong cũng quay lại cái bàn để đứng bán, từ diva Mỹ Linh đến sao Lam Trường, Phương Thanh rồi các sao nhỏ Thu Minh, Tuấn Hưng

Lam Trường tỏ ra nhanh nhạy trong chuyện này hơn cả. Cả gia đình anh cùng phụ một tay đứng bán, quang cảnh các điểm diễn náo nhiệt như một tiệm bán lẻ CD vậy. Tâm lý mua CD sau đêm diễn, được ca sĩ trực tiếp mời chào và ký tặng, dễ khiến khán giả móc túi ra hơn!

Lại chuyện ca sĩ hải ngoại về nước

Ca sĩ trong nước bay sô công năm bảy chuyện thì những đồng nghiệp bằng vai phải lứa với họ ở hải ngoại và cả các bậc đàn anh đàn chị khi quy cố hương đều mang theo nhiều kế hoạch cho công việc liên quan hoặc không liên quan đến nghề nghiệp.

Việc chính dĩ nhiên là về thăm quê, họ hàng bạn bè thân thuộc và đi làm từ thiện. Danh sách này thì rất dài, và hầu hết những giọng ca tên tuổi một thời của hải ngoại đều tỏ ra tha thiết với công việc này từ Thanh Tuyền, Hương Lan, Phượng Mai… đến lớp sang định cư sau này như Ngọc Ánh, Như Quỳnh… Nhưng những công việc chính yếu hơn thì vẫn là dành cho nghề nghiệp và kế sinh nhai. Thăm dò tình hình, làm live show, hâm nóng hoặc đánh bóng tên tuổi với nghề ca hát mà bên xứ người không mấy sáng sủa.

Hầu hết các ca sĩ  hải ngoại đều có những mối quan hệ khá đến thậm chí rất thân quen với các bầu sô lớn, các biên tập chương trình như chủ nhiều phòng trà lớn trong nước; nên khi “ra mắt” trên các phương tiện truyền thông đại chúng, khi đã có đầy đủ giấy tờ cho phép chính thức biểu diễn trên sân khấu quê nhà, thì họ đã có một quãng thời gian rất dài trước đó đi đi về về, la cà trong giới văn nghệ và các sân khấu quê nhà để nắm tình hình trước khi xuất hiện trở lại.

Thỉnh thoảng lại thấy ca sĩ này, nghệ sĩ kia xuất hiện ở một tụ điểm với tư cách là khán giả, có lúc lại được mời lên giao lưu hay hát ngẫu hứng vài bài. Đây là dịp “đi thực tế” để họ đo lại cái tên của mình.

Đo lại cái tên, đo lại thị hiếu, sở thích của khán giả để sau đó mà biết cách điều đình cát xê của mình ở từng tụ điểm với bầu sô, thứ đến là để chuẩn bị cho các album sẽ tung ra tại quê nhà.

Làm video clip ở hải ngoại rất mắc, các kỹ thuật phòng chuyên dụng cũng như chi phí cho đạo diễn đều ngốn bộn tiền so với mức giá trung bình của một video clip sản xuất trong nước là 2000 – 3000 USD. Nên dù về nước có… bị “chém” vì ca sĩ Việt kiều, thì giá thành album còn rẻ chán.

Bên cạnh tiết kiệm chi phí, các ý tưởng của đạo diễn trong nước cũng phong phú hơn, hơn nữa những “hình ảnh quê nhà” cũng luôn hấp dẫn khán giả hải ngoại nên không lạ khi từ lúc làn sóng ca sĩ hải ngoại về nước chưa nhiều, thì không ít danh ca đã về Việt Nam ngược xuôi khắp các thắng cảnh để quay video clip như Tuấn Ngọc, Ý Lan… Và sẽ tiện lợi cho các ca sĩ này khi họ đồng thời phát hành album cả trong nước và hải ngoại.

Mạnh vốn vì có vợ là một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ nổi tiếng ở San Diego, ca sĩ Trường Thanh về nước mở hẳn một trung  tâm mua bán và sản xuất băng đĩa nhạc, mà trước hết là để làm cho giọng ca của mình. Sau đó là tranh thủ tìm kiếm những giọng ca ưng ý để sau này dựng quay thành các chương trình DVD ca nhạc hợp tuyển.

Trung tâm Rạng Đông vốn thế mạnh các dòng nhạc bình dân, trữ tình, mang âm hưởng quê hương nên hầu như các ca sĩ liên quan đến thị trường này đều đầu quân làm ca sĩ độc quyền cho trung tâm này, kẻ ít thì 2 năm, người nhiều thì 5 năm...

Về nước, họ tận dụng luôn tên tuổi sẵn có của mình để kinh doanh. Duy Quang thì hùn vốn với ông chủ phòng trà đã đóng cửa Tiếng Tơ Đồng để mở quán phở 24h. Giao Linh cũng mở quán phở và các thức ăn khác tại nhà chị mua ở khu dân cư mới trên đường Cách mạng Tháng 8. Hương Lan vẫn đặt sô cát xê mỗi chương trình trên dưới 20 triệu nhưng rảnh rỗi, chị cũng tranh thủ bán mỹ phẩm ở một số hội chợ.

Quang Toàn thì mở shop thời trang với cái tên gợi nhớ ngành nghề: shop ca sĩ. Hồ Lệ Thu xuất ngoại định cư chưa bao lâu, nhưng cái tên có khả năng chìm của cô có vẻ sáng hơn khi làm ca sĩ độc quyền cho trung  tâm Thúy Nga. Việc xuất hiện khá nhiều chương trình lớn của trung tâm này đã khiến cô tự tin hơn khi về nước chỉ một thời gian không dài sau đó, mở một trung tâm chăm sóc sắc đẹp ở Sài Gòn.

Không ít ca sĩ, từ sự quen biết có được từ quá trình đi hát lâu năm của mình, cộng với tên tuổi sẵn có, về nước không chỉ hát mà còn tranh thủ làm bầu sô, nhận giúp sô, hay đại lý trung gian bán sô.

Không ít ca sĩ hải ngoại, những chuyến về quê hương là dịp thoả niềm ca hát và để hy vọng tìm chút danh cho tiếng hát sau một thời gian dài khó hoặc cũng có thể là không nổi tiếng ở hải ngoại. Về nước làm nghề, kết hợp kinh doanh là cơ hội để họ tiếp thị lại giọng hát.

Trường Thanh, sẵn có trung  tâm phát hành băng đĩa riêng, đã liên tục ghi âm, phát hành album chung với các giọng ca ăn khách trong nước để tiếp thị cho giọng hát mình. Nancy Tâm Huy, ra nhiều album, để hào phóng đem đi tặng với tư cách là chủ của một khu du lịch ở Sapa.

Tuy nhiên, cũng có khá nhiều ca sĩ ảo tưởng về cái mác hải ngoại của mình. Cao Lâm, Quang Toàn… về nước quay video clip, làm album ì xèo vài năm qua nhưng vẫn chẳng ai nhớ tên. Điều đọng lại với những giọng ca như thế này, là tiềm lực kinh tế thì khá mạnh (rất chịu khó bỏ tiền ra đầu tư, làm album quảng bá cho tên tuổi mình), nhưng tiềm lực giọng hát thì thiếu.

 Theo Hàn Giang
Thế giới Nghệ sĩ