Chuyện ít biết sau hậu trường thi người đẹp

Trên các đấu trường nhan sắc, sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết, vì chỉ cần chút sơ sẩy, giấc mộng đẹp kia sẽ tan theo mây khói. Chuyện "chơi" nhau bằng cách giấu đồ diễn ra như cơm bữa...

Đa phần người đẹp đi thi đều ít nhiều vì muốn tìm kiếm một danh hiệu làm bàn đạp tiến thân. Thí sinh Thanh Thảo trong cuộc thi Hoa hậu Festival Biển Vũng Tàu 2006 thật thà chia sẻ: "Em không tự tin lắm đâu, nhưng nghe chị dâu bảo em đi thi được nên đăng ký cho em. Em rớt đại học, cũng chưa biết thi lại trường nào. Biết đâu, qua cuộc thi này, em lại có một hướng đi khác cho mình".

 

Còn L.K.P., một người mẫu chuyên nghiệp đang sinh hoạt ở CLB H.D., tâm sự: “Thật tình tụi em tham gia các cuộc thi sắc đẹp để người ta nhớ đến mình. Là người mẫu hạng thường, tụi em chỉ diễn ở các chương trình nhỏ, gặp mặt khách hàng, hay các sô giới thiệu sản phẩm tại các nhà hàng. Nhìn người ta ăn uống bên dưới, tủi lắm. Họ lo ăn, có thưởng thức gì đâu. Nếu có danh hiệu, ít ra, tụi em cũng được mời đến diễn tại các chương trình lớn, lịch sự hơn".

 

Ngọc Dao - Á khôi 2 khu vực phía Nam Hoa hậu Áo dài Việt Nam 2006 - cho biết: "Thông thường mỗi sô diễn tụi tôi mỗi người nhận được 300.000-400.000 đồng, nếu có danh hiệu thù lao tăng lên khoảng 700.000 đồng và cũng nhận được nhiều sô hơn”. Đó là chưa kể hàng loạt lời mời chụp ảnh, đóng quảng cáo, đóng phim... Khi đã đăng quang, tiền thù lao chụp ảnh cũng tăng từ 1 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng.

 

Chính vì điều này mà rất nhiều người đẹp trở thành "khách quen" trong nhiều cuộc thi như T.T.H.D. từng "chinh chiến" ở Hoa hậu VN, Siêu mẫu VN, Nữ hoàng trang sức, Duyên dáng đồng bằng và mới đây là Hoa hậu Áo dài Việt Nam. Không chịu thua kém D. là Q.H.N. trong một thời gian ngắn cô liên tục có mặt ở Hoa hậu Việt Nam qua ảnh, Siêu mẫu VN, kể cả Hoa hậu Sinh viên thế giới.

 

Không khí thi bên ngoài sân khấu căng thẳng, hối hả bao nhiêu thì trong cánh gà cũng sôi sục bấy nhiêu, chẳng khác gì “chảo lửa”. Tsin Thụy Thanh Thiên kể: "Đêm chung kết phía Nam cuộc thi Hoa hậu Áo dài Việt Nam 2006, nhân lúc một thí sinh đến nhà tạo mẫu V.H. lấy đồ, em nhờ lấy hộ chiếc quần gửi sửa. Cô ấy sốt sắng nhận lời. Nhưng đến sát giờ thay trang phục biểu diễn, hỏi đến thì cô ấy bảo quên rồi. Chẳng còn cách nào khác, em phải mượn quần của một thí sinh vừa trình diễn xong mặc đỡ".

 

Phan Thị Diễm Châu - Á hậu 2 Hoa hậu Áo dài 2006 - lại nhớ mãi không khí nặng nề ở lần đi thi Hoa hậu VN qua ảnh: "Các thí sinh ganh tỵ nhau đến mức hầu như không ai mở miệng nói với ai lời nào". Giữa các thí sinh căng thẳng là vậy, máu ăn thua của người nhà thí sinh còn "hăng" hơn, nhất là những "mẫu hậu". Trong giới vẫn còn lan truyền chuyện một "mẫu hậu" khi thấy con mình thua kém một thí sinh khác liền tranh thủ lúc cô này không để ý, giấu biến bộ dạ hội cô sắp mặc ra trình diễn.

 

Hậu trường cũng là nơi mà hầu như mọi khoảng cách về giới tính bị xóa nhòa. Sau mỗi phần thi, các người đẹp thản nhiên trút xiêm y trước mặt người khác giới mà không chút ngại ngùng. Tại cuộc thi Hoa hậu Festival biển Vũng Tàu, trong các gian phòng đóng tạm, không có cửa, cảnh các cô gái trên những đôi giày cao gót nhốn nháo người trút người xỏ xiêm y trông đến tội. Vừa mặc xong bộ bikini cũng là lúc các chuyên gia make up xúm vào chải lại kiểu tóc, gắn thêm hoa... cho phù hợp với phần thi. Tiếng nói, tiếng la... vang khắp khu vực. Khó khăn nhất là phần thi trang phục dạ hội vì các trang phục này khá cầu kỳ.

 

Trút được bộ áo tắm, một vài Eva thời đại vớ nhanh chiếc áo lót đã được chuẩn bị sẵn để “chỉnh trang” vòng đo đầy tự hào. Có thí sinh luống cuống, cài mãi không xong nút áo lót, í ới gọi người đến giúp. Mọi khoảng cách về giới không hề tồn tại trong chốn "thâm cung bí sử" này.

 

Theo Hương Nhu - Phương Quyên

Người Lao Động