Biên đạo múa Phùng Khải: “Tết chỉ muốn ngủ, nhưng thương mẹ ở quê nên lại chạy về...”

(Dân trí) - “Có những năm pháo hoa đùng đoàng rồi mình mới lao về nhà, sấp ngửa chuẩn bị sắp lễ lên ban thờ, chân tay rụng rời tưởng như không thắp hương nổi, khấn các cụ bề trên trong tiếng thở gấp gáp, có lẽ vì vậy nên các cụ thương”, người được mệnh danh “phù thủy biên đạo” chia sẻ.

Từ lâu nay, Phùng Khải được biết đến là biên đạo múa cho rất nhiều chương trình của VTV, không biết cơ duyên nào đưa anh đến với nghề biên đạo múa của mình?

Mình sinh ra ở Hà Tây, nay là Hà Nội, trong một gia đình có 6 anh chị em mà không có ai theo nghệ thuật. Vào những năm 70-80 thế kỉ trước, quê mình vẫn còn vô cùng nghèo nàn, lạc hậu. Tuổi thơ của chúng tôi là những tháng ngày đói quay quắt. Đói cả vật chất lẫn tinh thần. Chương trình học cũng không có mỹ thuật, âm nhạc... như bây giờ.

Cả làng chỉ có 1 cái tivi, vài ba tháng mới có 1 buổi chiếu phim ở sân đình, tất cả những gì liên quan đến 2 chữ nghệ thuật đều thông qua chiếc radio vừa cũ vừa rè. Chúng mình học hát bằng cách nghe đài rồi chép đuổi theo, vài ba lần mới trọn vẹn được một bài. Nhắc đến lại thấy buồn cười.

Nếu nói mình làm biên đạo múa từ khi còn “thò lò mũi”, còn chưa biết cái chữ “biên đạo” nó là cái gì thì bạn có tin không?

Quê mình, mỗi khi có hội làng, hay trong xã, trong thôn, trong trường có các dịp chào mừng những ngày lễ lớn là thể nào cũng có những tiết mục văn nghệ chào mừng. Những dịp đó mình đã đi dạy múa dạy hát cho hầu hết các lớp, các đội nhóm tham gia biểu diễn đấy. Cũng chẳng có đài hay băng đĩa, nhạc nhẽo gì, mình làm ra những tiết mục bằng hát chay rồi bịa ra động tác này tổ hợp nọ...

Tập say sưa, sáng, trưa, chiều, tối, bỏ cả ăn cả chơi chỉ để tập. Chẳng có sân khấu lấp lánh, đạo cụ hoành tráng hay âm nhạc cầu kì, đó vẫn là những tiết mục mà mình tâm đắc nhất. (Cười)

Mình chạy show một cách không mệt mỏi. Cát - sê đôi khi thì là quả bưởi, quả chuối, cái bánh lá hay bát cơm nguội... Cứ thế mình trải qua tuổi thơ một cách khá “nổi tiếng” trong xã. Và cũng chính vì những tiết mục ngây ngô đó, mình có niềm tin mãnh liệt là mình hợp với múa.

Thế nhưng đến khi đó mình vẫn chưa biết ở Việt Nam có trường gọi là trường múa, vậy là thi Đại học văn hóa -  khoa Văn hoá quần chúng với suy nghĩ đơn giản là được tiếp tục nối dài đam mê múa hát. Mình vào trường với bao khó khăn, bất chấp sự phản đối từ cả gia đình và cả sự e dè khuyên nhủ từ những người quen. Không được ủng hộ nên mình phải tự bươn chải cuộc sống.

Mình làm mọi việc, từ chạy bàn, hát quán, dạy khiêu vũ... cho đến khi không thể được, đành gác việc học lại và chuẩn bị đi bộ đội khi xong năm thứ nhất.

Vào quân ngũ, cũng lại múa hát qua ngày, chỉ sướng cái không phải lo cơm áo. Hết nghĩa vụ mình lại trở về với việc học sau đó về phòng văn hoá ở một quận tại HN. Thế nhưng trong quá trình công tác, mình luôn đau đáu được trở lại nơi mình tin là mình thuộc về - nghề múa. Thôi thúc đó cứ đến một cách tự nhiên, mình bỏ việc, thi vào trường Sân khấu điện ảnh – lớp biên đạo múa. Mình học múa khi trong tay chỉ là những kiến thức từ lớp múa ở trường Văn Hóa. Trong khi bạn bè ai cũng học múa từ khi còn thiếu niên, rồi là diễn viên múa chuyên nghiệp. Khó khăn nhiều lắm. Nhưng với quyết tâm và nỗ lực, mình đã có những thành công nhất định. Chưa hết, sau khi tốt nghiệp đại học, mình học tiếp hai năm thạc sĩ và giờ trở thành anh giáo bất đắc dĩ nữa. (Cười)

Biên đạo múa Phùng Khải: “Tết chỉ muốn ngủ, nhưng thương mẹ ở quê nên lại chạy về...” - 1

Biên đạo múa Phùng Khải.

Những năm tháng đi học phải tự mình trang trải mọi thứ, đặc biệt là ở đại học Sân khấu điện ảnh, anh còn là một người không chuyên, không như bao bạn bè khác, anh đã trải qua quá trình như thế nào để có được ngày hôm nay?

Bắt đầu mình chỉ lo bán mạng mà học thôi, vì mình kết duyên với múa quá muộn. Mình thi vào đó với quyết tâm ít nhất phải thật bài bản, thật chính thống và thật giỏi trong lĩnh vực mà mình đam mê. Chưa bao giờ dám ngĩ là sẽ có kết quả như hôm nay. Mình yêu múa và học vất vả gấp nhiều lần người khác. Nhiều khi cũng nản lắm, bởi khó khăn, mệt nhọc vô cùng, không phải chỉ từ nghề, mà còn từ áp lực cuộc sống nữa. Nhưng thôi, biết làm sao, trót yêu rồi. Nghĩ lại, mình thấy khâm phục mình quá. (Cười) Không phụ lại những nỗ lực và cố gắng của mình, năm 2007 mình đươc ekip Đồ Rê Mí mời tham gia và mình đã gắn bó 9 mùa với nó.

Gắn bó với Đồ Rê Mí từ lâu anh có thể chia sẻ kỉ niệm của mình với chương trình?

Với Đồ Rê Mí mình có biết bao kỉ niệm, nhưng xuyên suốt là nỗi hoang mang sợ hãi nhất với mình là khi mùa hè đến. Yêu lắm, thích lắm, say lắm nhưng cũng mệt lắm. Mệt vì lo khi cạn kiệt ý tưởng, cạn kiệt sức lực. Vậy mà cứ phải tăng động theo tụi nhỏ. Một ngày của mình kín mít 15p 1 ca. Ca chồng ca, tăng động nối tiếp tăng động. Bọn nhóc sao mà nó nhiều năng lượng thế chứ, mình cứ mướt mải chạy theo hò reo, ca hát, nhảy múa, cười nói. Mỗi lần tăng động lấy của mình biết bao nhiêu mồ hôi, sức lực. Khuya về nhà, bò lên giường mới giật mình “tỉnh ra” là “ồ mình cũng già phết rồi đây này” trong mệt mỏi, đau nhức chân tay và lịm đi với nỗi sợ khi giờ tập đến, rồi ý tưởng của tiết mục sau chập chờn đến hay loé lên như thế.

Sợ vậy đấy, nhưng mỗi lần nhìn bọn trẻ, mình cứ như được sống lại 1 lần nữa cái đam mê, cái nhiệt huyết thời hát múa sân đình ấy. Có lẽ chính vì điều này đã giữ chân mình ở lại với Đồ Rê Mí từ ngày đầu đến tận khi khi ngưng phát sóng.

Đồ Rê Mí hết, mình lại được tham gia những chương trình khác, nhưng dù ở chương trình nào mình cũng cháy hết mình vì đam mê, khát khao khẳng định mình.

Biên đạo múa Phùng Khải: “Tết chỉ muốn ngủ, nhưng thương mẹ ở quê nên lại chạy về...” - 2

"Mình có rất nhiều vấn đề khi đến với múa. Phía gia đình là sự phản đối quyết liệt, với xã hội là những cái nhìn kì thị và đôi phần khinh thường, rồi cả áp lực về cơm áo gạo tiền thường nhật nữa chứ".

Để có được thành công như hiện tại, anh định hình con đường đi của mình như thế nào?

Đường đi không phải tự nhiên mà có, là do người ta đi nhiều mà thành thôi. Con đường của mình đi bằng say mê, bằng sáng tạo. Hết ngày dài lại đêm thâu, và bây giờ mình ở đây với “Quán thanh xuân”, để viết “Giai điệu tự hào”...

Con đường mình đi có nhiều chông gai và dù có vẻ ngược với điều mọi người làm. Ví dụ như mình không làm chương trình thương mại, bán vé, chỉ nhận làm những chương trình phổ cập, đại chúng, đặc biệt là những chương trình thiếu nhi. Nhiều người gọi mình là phù thuỷ biên đạo vì không ngờ mình phù phép cho một tiết mục, chương trình.... hoả tốc đến như vậy.

Ước mơ đưa mình đến với múa, rồi múa cho mình bén duyên với truyền hình, truyền hình cho mình cất cánh. Và từ lâu rồi cái tên Phùng Khải gắn với truyền hình cùng với bao chương trình lớn nhỏ. Đó có thể là con đường của mình, được không nhỉ?

Ngày xưa nghề múa chưa có cái nhìn cởi  mở như bây giờ, anh lại theo nghề múa, anh có vấp phải những lời nói không hay?

Mình có rất nhiều vấn đề khi đến với múa. Phía gia đình là sự phản đối quyết liệt, với xã hội là những cái nhìn kì thị và đôi phần khinh thường, rồi cả áp lực về cơm áo gạo tiền thường nhật nữa chứ.

Nhưng nếu không dũng cảm bước qua, không can đảm trèo lên đỉnh núi cao, làm sao có được vinh quang. May mắn là mình táo tợn, phớt lờ những cái nhìn không thiện chí, bỏ ngoài tai những dị nghị, chấp nhận lập dị để sống với nghề.Và bạn thấy đấy, mình vẫn bay cùng múa, cháy với đam mê sáng tạo...

Nghề múa khó trụ được, tuổi đời ngắn, làm thế nào anh níu kéo được mọi người đến với đam mê múa, làm việc cùng mình?

Mình phải hiểu và tôn trọng diễn viên, phải đảm bảo cho họ có thể sống với nghề. Mình và họ là mối quan hệ đồng nghiệp, đối tác... qua lại, nương tựa vào nhau để cùng nhau “múa”.

Hơn thế nữa, như mình nói ở trên, mình đặc biệt thích và hay nhận làm những chương trình cho thiếu nhi, bởi ở đó mình có thể khơi gợi niềm đam mê, truyền sự nhiệt huyết và tình yêu với múa cho tụi nhỏ, để có thể có thêm những người đồng hành trẻ tuổi trên con đường mà mình đã lựa chọn.

Nghề nào cũng có một góc khuất nào đó, góc khuất trong cuộc sống của anh và nghề múa là gì?

Góc khuất của mình ư? Đó là tuổi tác và sức khoẻ. Mình sợ đến 1 ngày 2 thứ đó không cho mình gắn bó với múa nữa. Còn các cái khác, có, nhưng chỉ là thứ yếu. Góc khuất của nghề múa thì nhiều lắm. Nghề múa vất vả, tuổi nghề ngắn... nên họ không thiết tha với múa, họ tìm được những nghề khác thuận lợi hơn, dễ dàng lại kiếm được nhiều tiền hơn. Chưa kể bản thân diễn viên không được coi trọng, không có địa vị trong xã hội nên khi có cơ hội tốt hơn chắc chắn họ nhảy nghề, bỏ múa.

Biên đạo múa Phùng Khải: “Tết chỉ muốn ngủ, nhưng thương mẹ ở quê nên lại chạy về...” - 3
Biên đạo múa Phùng Khải: “Tết chỉ muốn ngủ, nhưng thương mẹ ở quê nên lại chạy về...” - 4

Vừa mới đây, biên đạo múa Phùng Khải đã đoạt VTV Awards - Ấn tượng 2019, hạng mục cao nhất : Chương trình của năm với Giai điệu tự hào.

Làm nghệ thuật, những cái Tết của anh diễn ra như thế nào?

Khi tết đến mình chính xác là “làm sấp mặt” theo cả nghĩa đen và bóng. Từ trước tết hằng mấy tháng trời mình cùng ekip phải sản xuất chương trình Tết. Bất kể phải trèo đèo, lội suối, săn mây... để có những khuôn hình đẹp phục vụ khán giả. Năm nay lại còn bao chương trình lễ hội, rồi Seagame… không biết bọn mình thế nào, liệu có thể sống nổi không (Cười).

Có những năm pháo hoa đùng đoàng rồi mình mới lao về nhà, sấp ngửa chuẩn bị sắp lễ lên ban thờ, chân tay rụng rời tưởng như không thắp hương nổi, khấn các cụ bề trên trong tiếng thở gấp gáp, có lẽ vì vậy nên các cụ thương. Sáng mùng 1 chỉ muốn ngủ thôi nhưng nghĩ đến mẹ ở quê lại thương, lại lồm cồm bò dậy đi về. Cũng may giờ mọi thứ cũng thuận tiện chứ không thấy xa xôi xách trở như xưa nữa.

Biên đạo múa Phùng Khải: “Tết chỉ muốn ngủ, nhưng thương mẹ ở quê nên lại chạy về...” - 5

Công việc bận rộn, mệt nhọc là vậy, bây giờ anh có hài lòng với sự lựa chọn của mình?

Nếu không có nghề múa, có lẽ mãi mãi mình chỉ là ông văn phòng, không được đến nơi mình thích, ánh đèn sân khấu. Nghề múa mang lại cho mình hạnh phúc, cho mình chỗ đứng trong nghề, cũng có được những sự ghi nhận nhất định từ phía khán giả. Vừa mới đây, mình đã đoạt VTV Awards - Ấn tượng 2019, hạng mục cao nhất : Chương trình của năm với Giai điệu tự hào.

Mình đã thực sự có được điều mà hiếm ai làm được: “Hạnh phúc nhất là được làm điều mình thích”.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Hà Thanh