Bảo hiểm tai nạn cho diễn viên, người trong cuộc nói gì?

(Dân trí) - Sau tai nạn của diễn viên Nguyễn Giàu dẫn đến tử vong, nhiều người bắt đầu quan tâm và cảm thấy lo ngại về an toàn của các diễn viên trong các đoàn làm phim. Sau đây là chia sẻ của những người trong cuộc: các nhà sản xuất, đạo diễn và diễn viên.

Diễn viên được ký hợp đồng ra sao?

Thường tất cả các diễn viên đều được ký hợp đồng, nhưng đó sẽ là diễn viên chính nên cần có những điều khoản ràng buộc cho cả hai phía, nhà sản xuất và diễn viên.

Diễn viên Vân Trang với kinh nghiệm tham gia nhiều phim điện ảnh lẫn truyền hình cũng chia sẻ: “Diễn viên luôn ký hợp đồng với nhà sản xuất để đảm bảo tính pháp lý cho phim, đảm bảo quyền lợi cho diễn viên lẫn nhà sản xuất. Nhưng những diễn viên quần chúng thấp hơn 10 phân đoạn (phim truyền hình), thấp hơn 4 phân đoạn (phim nhựa) sẽ không ký hợp đồng trực tiếp với nhà sản xuất mà sẽ làm việc qua người kêu gọi quần chúng”.

Đó là vai trò của diễn viên chính, còn các thành viên khác trong đoàn phim khi làm việc cũng phải ký hợp đồng với nhà sản xuất.

“Tôi ở vai trò đạo diễn, diễn viên được ký hợp trực tiếp với nhà sản xuất, mỗi hợp đồng có thoả thuận riêng và tất nhiên là có điều khoản giữ bí mật thông tin”. Anh Đỗ Thành An  - đạo diễn phim “Mất xác” chia sẻ.

dothanhan-ae005
Đạo diễn Đỗ Thành An

Anh Thái Minh Nhiên, phó đạo diễn tiết lộ: “Việc ký hợp đồng giữa diễn viên phụ và nhà sản xuất sẽ gián tiếp chứ không trực tiếp, họ sẽ ký với người kêu gọi diễn viên quần chúng và nhận thù lao cũng từ người này”.

“Thực tế, thường thì diễn viên phụ chỉ quay 1 ngày hoặc vài phân đoạn thì không có hợp đồng. Bởi tối gọi, sáng lên diễn sớm thì có muốn ký hợp đồng cũng không biết ký sao” – Anh cũng cho biết

Diễn viên có được mua bảo hiểm hay không?

Theo như tìm hiểu của chúng tôi, các form hợp đồng của diễn viên và nhà sản xuất thông thường sẽ không có các điều khoản về bảo hiểm nằm trong hợp đồng.

Theo chia sẻ từ diễn viên, đạo diễn Hạnh Thúy với hơn 10 năm trong nghề khi được hỏi về vấn đề này, chị cũng khá thẳng thắn: “Thông thường trong hợp đồng không có điều khoản bảo hiểm. Trước đây trong hãng phim TFS thì có, nhưng hiện tại thì không và hầu như không có hãng phim nào đưa ra quy định này nữa”.

“Tại Việt Nam khá lỏng lẻo trong chuyện bảo hiểm cho diễn viên. Thường những điều khoản này không nằm trong hợp đồng, mà diễn viên sẽ tự làm việc với nhà sản xuất để yêu cầu nếu họ thấy cần thiết.” Một nữ diễn viên nổi tiếng từng tham gia nhiều phim điện ảnh cho biết.

Đạo diễn Đỗ Thành An nói: “Những phim điện ảnh lớn và có những cảnh quay nguy hiểm, nếu nhà sản xuất chuyên nghiệp họ sẽ mua bảo hiểm cho tất cả diễn viên và thành phần đoàn. Nhưng đó là tự nguyện, còn nếu như họ không mua thì chẳng ai làm được gì họ. Bởi việc quản lý về mặt nhà nước để bảo vệ quyền lợi cho người hợp đồng hợp pháp trong đoàn phim rất lỏng lẻo và sơ sài. Tôi nghĩ "Hội nghề nghiệp" phải hoạt động tốt hơn để bảo vệ cho hội viên mình”.

Còn diễn viên Vân Trang cũng cho biết: “Diễn viên khi làm việc chắc chắn sẽ ký hợp đồng với nhà sản xuất. Thường thì trong hợp đồng không có điều khoản bảo hiểm. Chỉ có phim nhựa có quy mô lớn thì họ mới đầu tư khoản này.”

mynhanke-3fbe9
Những bộ phim như "Mỹ nhân kế" thuộc thể loại phim hành động nên các nhà sản xuất quan tâm đầu tiên là an toàn cho diễn viên nên việc mua bảo hiểm là điều hiển nhiên.

Cũng theo anh Thái Minh Nhiên: “Về bảo hiểm chỉ có thể diễn viên ngôi sao “có yêu cầu” thì mới có, vì họ cần thì họ sẽ đáp ứng yêu cầu, còn diễn viên phụ rất khó. Vì nhà sản xuất cũng không ký hợp đồng trực tiếp nên điều khoản này chỉ có diễn viên quần chúng và người mời họ tham gia biết mà thôi.”

Như vậy, theo thực tế thì hiện nay rất ít các nhà sản xuất quan tâm đển an toàn cho các diễn viên, thậm chí là diễn viên cũng không mặn mà quan tâm nếu như tham gia phim truyền hình.

vantrang-26fc0
Diễn viên Vân Trang trong một cảnh quay phim truyền hình

“Những phim nhựa, phim hành động sẽ được quan tâm nhiều hơn, thường với những phim này nhà sản xuất sẽ mua bảo hiểm cho mọi người. Nhưng một phần cũng là do diễn viên làm việc và chọn ê-kíp làm việc với mình. An toàn hay không do bản thân diễn viên phải thỏa thuận khi tham gia phim, và diễn viên cũng phải biết chọn ê-kíp chuyên nghiệp cho mình. Bởi trong tình hình hiện nay, cũng sẽ có người làm việc chuyên nghiệp và ngược lại”. Nữ diễn viên T.H chia sẻ kinh nghiệm của cô sau nhiều năm tham gia phim điện ảnh.

Khi sự cố xảy ra, ai chịu trách nhiệm?

Đây có lẽ là câu hỏi đơn giản nhưng khó có câu trả lời nhất cho các nhà làm phim lẫn diễn viên.

“Nếu xảy ra tai nạn tất nhiên là nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm. Chịu trách nhiệm đến đâu thì còn tuỳ vào hợp đồng cụ thể” - Đạo diễn Đỗ Thành An nói.

Một điều nữa là khi sự cố xảy ra thường thì trách nhiệm tùy vào “lương tâm” của nhà sản xuất.

hanhthuy-5ba37
Đạo diễn - diễn viên Hạnh Thúy

“Khi xảy ra sự cố thì diễn viên sẽ tự chịu, nếu đoàn phim có người “tử tế” thì cũng quan tâm, thăm hỏi, còn không thì thôi chứ không có quyền lợi gì hơn”, diễn viên – đạo diễn Hạnh Thúy chia sẻ.

Tạm kết

Sau sự việc vừa xảy ra với diễn viên Nguyễn Giàu và sau khi chúng tôi tìm hiểu, khán giả cũng có thể thấy, việc chịu trách nhiệm cho diễn viên phụ thuộc vào trách nhiệm và sự tự nguyện của nhà sản xuất. Có những điều không có trong hợp đồng nhưng khi xảy ra sự cố thì việc đầu tiên là giải quyết hậu quả và hỗ trợ cho họ một cách tốt nhất.

Nếu nhà sản xuất phớt lờ, dư luận không lên tiếng thì diễn viên sẽ là người chịu thiệt. Việc nhà sản xuất lo tận tâm và chu đáo cho diễn viên của mình cũng không nhiều. Bởi những quy định lỏng lẽo và mục tiêu quan trọng nhất của các nhà làm phim đặt lên hàng đầu phải là lợi nhuận.

Băng Châu

chuky-dd5c4