Con phải bình tĩnh!

(Dân trí) - Ông bố lấy tay đập mạnh xuống bàn, mặt cau có, quát lớn khi đang chơi với cậu con trai 3 tuổi vì vẽ mãi số không đúng ý con.

Buổi tối, mẹ bận hoàn thành nốt phần việc còn đang dở của cơ quan nên nhờ bố chơi với con. Cậu con trai 3 tuổi vốn rất quấn bố nên rất hào hứng khi được chơi cùng bố.

Con muốn bố chơi với con trò chơi “mua hàng” mà mọi tối mẹ vẫn chơi cùng con. Mẹ lấy tấm bìa cứng, dùng bút chì vẽ và cắt các số từ 1 đến 5, mỗi số mẹ gắn với hình ảnh của 1 con vật hay đồ vật ngoài đời để con dễ nhớ. Ví dụ: số 1 giống hình cái gậy, số 2 giống cổ con ngỗng,… Mẹ cũng không quên cắt thêm hình tam giác, hình tròn, hình vuông và hình chữ nhật.

 

dad-shouting-at-ki-2764268b-32b47

Mẹ cắt 3 hình tròn có kích cỡ khác nhau với dụng ý giúp con tập đếm luôn. Cậu con trai hào hứng chỉ vào hình tròn lớn nhất mà bảo mẹ: “Đây là hình tròn bố này”, và mặc định hai hình tròn kia là “Hình tròn mẹ” và “Hình tròn con”.

Đầu tiên mẹ chỉ cho con nhận biết các số, gắn với hình các con vật hoặc đồ vật, rồi mẹ đóng vai là khách hàng. Mẹ bảo: “Mẹ muốn mua số 2”. Con cầm đưa cho mẹ số 2 và không quên nói “Số 2 giống cổ con ngỗng”. Cứ thế, 2 mẹ con thay nhau đóng vai khách hàng, cười đùa vui vẻ trước khi đi ngủ.

Hôm nay, con mở ngăn kéo bàn để tìm bộ đồ chơi quen thuộc nhưng không thấy. Chắc là do hôm trước bố dọn tủ và để lẫn vào trong đống giấy lộn. Mẹ bảo bố cắt số và hình để chơi cùng con.

Bố lấy bìa cứng và kéo rồi bút chỉ để sẵn sàng chơi cùng con. Ngay khi bố vẽ số đầu tiên con đã không vừa ý và liên tục nói “không phải như thế”. Hết lần này sang lần khác con vẫn chưa vừa ý với số bố vẽ, vì bố lần đầu tiên chơi trò này với con mà.

Nghe thêm một câu “không phải như thế” của con như một giọt nước tràn lý với bố. Bố mất bình tĩnh, quăng bút xuống sàn, mặt cau có và quát con: “Có việc gì thì con phải bình tĩnh chứ!” và bỏ đi mặc cho con khóc lóc.

Mẹ chứng kiến đầu đuôi câu chuyện và muốn phì cười nhưng cố nén lại. Đúng là một sự mâu thuẫn rất lớn, nhưng bố không hề nhận ra. Bố bảo con phải bình tĩnh, thế mà xem bố đã làm gì thế.

Chuyên gia tâm lý Bùi Thu Hiền cho rằng: Với trẻ nhỏ điều quan trọng nhất là làm gương. Trẻ thường nhận thông điệp qua hành động chứ không phải qua lời khuyên. Có nghĩa là cha mẹ muốn con như thế nào thì cần làm chuẩn như thế thì con nhìn vào và học theo. Ví như, người bố muốn con sống thật thà, nhưng khi đưa con đi công viên lại bảo con khai giảm tuổi để đỡ phải mất vé thì người con sẽ không học theo lời khuyên của bố mà học luôn thông điệp “gian dối” qua hành động của bố.

Nguyên An

 

Con phải bình tĩnh! - 2