1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Vì sao Pháp đã thua ở Điện Biên Phủ?

Đây là câu hỏi đeo đẳng một Đại tá Pháp, từng tham chiến tại Điện Biên Phủ, trong 60 năm qua.

«60 năm qua, không giây phút nào tôi không tự hỏi «Vì sao Pháp đã thua ở Điện Biên Phủ ». Tâm sự của vị Đại tá Pháp Jacques Allaires – người từng là thượng úy trong tiểu đoàn lính dù số 6 ở Điện Biên Phủ- phản ánh nỗi ám ảnh đeo đẳng nhiều cựu chiến binh Pháp suốt 6 thập kỷ qua. Nhưng cũng suốt 60 năm qua, ông không ngừng tìm đọc tài liệu và lục lại ký ức để tìm ra câu trả lời.

PV Đài TNVN thường trú tại Pháp có cuộc phỏng vấn với Đại tá Jacques Allaire.

PV Đài TNVN thường trú tại Pháp phỏng vấn với Đại tá Jacques Allaire.



PV Đài TNVN thường trú tại Pháp phỏng vấn với Đại tá Jacques Allaire.

PV: Thưa Đại tá, xin ông cho biết sau khi trở về từ Điện Biên Phủ, trận đánh khi ấy đã ảnh hưởng như thế nào đến cuộc đời của ông cũng như nhiều cựu chiến binh Pháp sau này?

Đại tá Jacques Allaires: Những trận đánh lớn dĩ nhiên đều gây ra những căn bệnh tâm lý. Nước Mỹ đã mất thời gian dài để nguôi ngoai hội chứng chiến tranh Việt nam và tôi nghĩ nước Pháp cũng mắc phải căn bệnh tương tự sau Điện Biên Phủ. Bản thân tôi tôi nhớ là mình đã không tìm đến bác sỹ tâm lý như nhiều người khác. Tôi nghĩ rằng, nếu một cựu binh lính đến gặp bác sỹ tâm lý thì người bác sỹ đó sẽ chỉ làm anh ta nhớ lại nỗi kinh hoàng của chiến tranh mà anh ta đã trải qua mà thôi. Nếu không đến gặp bác sỹ tâm lý thì ngay lập tức phải tìm cách để quên đi. Tôi đã cố quên nhưng không giây phút nào trong 60 năm qua, tôi không tự hỏi mình rằng «Vì sao nước Pháp đã thua ? »

PV: Và ông đã tìm ra câu trả lời?

Đại tá Jacques Allaires: Tôi nhảy dù xuống Điện Biên Phủ trong tiểu đoàn số 6, chúng tôi đã ở Điện Biên Phủ trong khoảng 3-4 tháng để xây dựng cứ điểm với những phương tiện không đủ. Cứ điểm Điện Biên Phủ được lập ra để tạo một điểm nối cho khu vực dân tộc Thái và bảo vệ Lào.

Cá nhân tôi, tôi nhìn nhận rằng Điện Biên Phủ là một vùng đất quá mạo hiểm đối với không quân Pháp, máy bay khó có thể tiếp viện và giải cứu những binh lính bị thương. Điều này Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiểu rất rõ, bởi rút kinh nghiệm từ trận Nà Sản, khi ấy bộ đội Việt thua vì không có chiến lược chống máy bay và không quân Pháp đã tiếp viện hiệu quả.

Tủ sách với 1500 cuốn về Việt Nam và Điện Biên Phủ



Tủ sách với 1500 cuốn về Việt Nam và Điện Biên Phủ

Đại tướng Giáp đã rút kinh nghiệm từ Nà Sản trong khi bộ chỉ huy quân Pháp không rút ra được bài học cho mình. Khi Điện Biên Phủ bị bao vậy, dưới sức ép của các sư đoàn của Việt nam với hỏa lực mạnh và chiến lược phòng không, máy bay Pháp đã không thể tiếp viện từ ngày 28/3 và chúng tôi đã sống từ ngày 28/3 đến ngày 7/5 mà không có sự hỗ trợ của không quân.

Hơn 60 máy bay đã bị bắn hạ và không quân Pháp thực sự bị vô hiệu hóa. Bộ phận y tế trung tâm của Pháp ở Điện Biên Phủ chỉ có thể đón khoảng 40 binh lính bị thương nhưng riêng đêm chiến đấu đầu tiên đã có 170 người bị thương. Những ngày tiếp theo cứ như thế.

Trong khi đó bộ đội Việt Minh ngày càng lớn mạnh. Khi chúng tôi đến vào năm 1954, họ có khoảng 5-6 sư đoàn, những sư đoàn thực sự mạnh, được tổ chức tốt. Ở Điện Biên Phủ, chúng tôi đã vấp phải những người bộ đội ở vào giai đoạn đỉnh cao của quân đội nhân dân Việt nam. Khi nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, tôi nhận ra rằng chúng tôi ở quá xa Hà nội, khác hẳn với địa hình của Nà Sản –cứ điểm đầu tiên được lập vào năm trước đó. Chúng tôi ở quá xa Hà nội và chiến thắng là không thể, là quá xa vời với chúng tôi. »

PV: Cùng với chiến lược quân sự sai lầm, Ủy ban điều tra thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ vào năm 1955 còn nhắc nhiều đến trách nhiệm của chính phủ Pháp lúc bấy giờ. Ông nghĩ sao về lời chỉ trích đó?

Đại tá Jacques Allaires: Chiến tranh đã kéo dài 9 năm và trong 9 năm ấy, Pháp đã thay chính phủ đến 19 lần khiến trắng đen lẫn lộn. Chúng tôi đã có từ 7-8 tổng tư lệnh ở Đông Dương, cũng chừng đó Cao ủy Pháp ở Đông Dương.

Vào năm 1953, tướng Navarre được chỉ định thay tướng Salan làm Tổng tư lệnh quân Pháp ở Đông Dương. Đó là một vị tướng giỏi nhưng không biết gì về Việt nam và đã đánh giá thấp về đối thủ. Chúng tôi đã rơi vào một trạng thái rất yếu kém, chúng tôi còn không nắm được tình hình chính trị của nước mình và hàng nghìn người đã chết ở Đông Dương ngày này có thể đòi hỏi trách nhiệm từ phía những chính quyền đã ra lệnh cho họ dấn thân vào cuộc chiến đó. »

PV: Ông đã bị bắt làm tù binh sau thất bại Điện Biên Phủ. Nhưng trong những cuốn sách về Điện Biên Phủ có phỏng vấn ông, ông đều bày tỏ thái độ tôn trọng đối với những cựu thù của mình- bộ đội Việt Minh. Tại sao lại như vậy ?

Đại tá Jacques Allaires: Đúng là bị bắt làm tù binh là điều không vẻ vang gì đối với một người lính gắn cả đời binh nghiệp như tôi và đã có nhiều lúc tôi nghĩ đến việc kết liễu cuộc đời.

Nhưng kể từ khi bị bắt làm tù binh, tôi có cái nhìn thông hiểu hơn về những kẻ thù của mình. Tôi hiểu và tôn trọng họ, những người đã chiến đấu hết mình vì độc lập dân tộc. Nói như tướng Bigeard – người phụ trách trực tiếp tôi – thì nếu chúng tôi sinh ra là người Việt Nam, chúng tôi cũng sẽ tham gia đội quân Việt Minh. Họ chiến đấu không chỉ bằng vũ khí mà bằng toàn bộ trái tim và tâm hồn để giành độc lâp cho dân tộc.

Tôi biết nhiều người trong quân đội Bảo Đại, họ không có động lực và quyết tâm nào, họ không đại diện cho ước nguyện của người dân Việt và không dám hy sinh mạng sống vì Tổ quốc. Trong khi đó, bộ đội Việt Minh là những người lính thực thụ với quyết tâm, lòng dũng cảm và đạo đức. »

PV: Tôi được biết ông là một trong số những cựu chiến binh đầu tiên trở lại Điện Biên Phủ. Câu trả lời về chiến tranh khiến ông rút ra điều gì?

Đại tá Jacques Allaires: «Trong cuộc đời, tôi đã đến Việt Nam tổng cộng 6 lần, 3 lần chiến đấu, 1 lần trở lại để tham gia bộ phim về Điện Biên Phủ và 2 lần quay lại thăm quan. Tôi đã luôn nghĩ rằng Pháp và Việt nam có thể là những người bạn, những đối tác chứ không phải là kẻ thù. Vào thời điểm đó, tôi còn quá trẻ và không hiểu những điều to lớn.

Là một người lính gắn cả đời binh nghiệp, quân đội và chính phủ yêu cầu đi đâu, chúng tôi phải tuân theo, chứ không thể nghĩ quá nhiều đâu là cuộc chiến phi nghĩa hay chính nghĩa nữa. Việt Nam là một nền văn minh lớn, cũng có những nhà trí thức từng học tập ở Pháp, và khi quay Việt Nam, gặp lại người Việt, tôi tự hỏi họ cũng là những con người giống mình, tại sao lại phải đánh nhau. Trên tất cả, dù tôi là một người lính trong cả cuộc đời mình, tôi vẫn nghĩ phải tìm đến mọi giải pháp trước khi bắt đầu một cuộc chiến. »

PV: Xin cảm ơn ông./.

Theo Thùy Vân
VOV –Paris