Tết đến, khách sạn vào mùa “chặt chém”

Cứ vào dịp lễ tết, khách sạn lại ra sức “chém đẹp” dân du lịch. Nhiều gia đình biết bất hợp lý vẫn đành bấm bụng, tặc lưỡi chấp nhận dịch vụ, dù trong lòng không khỏi ấm ức…

Giá cao gấp mấy ngày thường

 

Như mọi năm, Tết Nguyên đán này gia đình anh Tú, ngụ tại quận 5, TP.HCM rục rịch lên kế hoạch du xuân.

 

Chuẩn bị sẵn tâm lý ngày lễ giá khách sạn sẽ cao hơn bình thường nhưng khi gọi điện đặt phòng, anh Tú thấy “nóng” cả mặt.

 

“Mình định book phòng cho cả nhà đi chơi Đà Lạt vào ngày mùng 5 Tết. Tuy nhiên giá phòng cao hơn so với dự kiến. Một khách sạn 3 sao ở Đà Lạt ngày thường chỉ hơn 600 ngàn đồng/phòng cho 2 người, nay tăng thành 1,8 triệu đồng. Thấy giá cao gấp mấy lần nhưng chất lượng vẫn vậy, mình hỏi thử khách sạn 4 sao với hy vọng…cao cấp sẽ không “chặt chém” lặt vặt. Ai ngờ, anh Tú cũng được trả lời phòng 800 ngàn đồng/ngày tăng thành 2,5 triệu. Không hiểu mấy khách sạn có được phép mặc sức thổi giá, và cơ quan quản lý có biết chuyện này không?”, anh Tú bức xúc.

 

Vũng Tàu, địa phương từng mang tiếng rất nhiều về nạn chặt chém du khách. Ảnh: VietNamNet
Vũng Tàu, địa phương từng mang tiếng rất nhiều về nạn "chặt chém" du khách. Ảnh: VietNamNet



Giá khách sạn dịp Tết cao ngất nhưng chẳng mấy khi cả nhà được nghỉ dài như vậy nên anh Kiên, ngụ tại quận 2 đành bấm bụng đặt phòng.

 

Nhà anh Kiên sẽ đi Vũng Tàu từ ngày mùng 3 – 5 Tết. Chỉ thuê nhà nghỉ mà gia đình anh Kiên cũng bị “chém” 800 ngàn đồng/phòng mỗi ngày.

 

Những thành phố như Đà Lạt, Vũng Tàu hiện đang “cháy” phòng với mức giá bị đẩy lên rất cao.

 

Sở dĩ như vậy vì nhiều người muốn lên Đà Lạt, thời tiết lạnh cho có không khí Tết. Còn Vũng Tàu thì gần, tiện đi lại cho dân TP.HCM.

 

Biết mắc sao cứ đưa đầu cho “chém”

 

Bên cạnh những lựa chọn hàng đầu như Đà Lạt, Vũng Tàu, nhiều gia đình chịu khó du xuân xa hơn nhưng giá cả phải chăng.

 

Một trong những người có lựa chọn như thế là chị Nguyễn Thị Thuỷ, ngụ tại quận 7.

 

Chị Thuỷ chia sẻ: “Thiếu gì chỗ chơi, sao cứ phải “chui đầu” vào chỗ mắc. Đành rằng ngày lễ giá sẽ khác ngày thường nhưng cũng vừa phải thôi. Tiền đó dư ra để ăn có sướng hơn không. Nhà mình năm nay sẽ chơi Tết ở Buôn Mê Thuột. Quãng đường từ TP.HCM cũng bằng đi Đà Lạt, vẫn được hưởng khí trời lành lạnh mà rẻ hơn.”

Tết, 2014, khách sạn, chặt chém

 

Vũng Tàu, địa phương từng mang tiếng rất nhiều về nạn chặt chém du khách. Ảnh: VietNamNet

Công khai bảng giá tại một số khách sạn, nhà nghỉ chính là cách chống nạn "chặt chém" du khách mỗi khi vào mùa du lịch. Ảnh: Baokhanhhoa

 

Theo chị Thuỷ, giá khách sạn 3 sao ở Buôn Mê Thuột ngày thường khoảng trên 400 ngàn đồng/ phòng, vào ngày Tết chỉ tăng nhẹ (hơn 500 ngàn/ phòng). Còn giá khách sạn 4 sao ở Buôn Mê Thuột trong ngày Tết giao động ở mức 1 triệu đồng/ ngày/ phòng. Tết về với núi rừng, cưỡi voi, lội thác, ăn thịt rừng, tối đốt lửa trại cũng thú vị lắm!

 

Chị Hương ngụ tại quận 3 lại lựa chọn Nha Trang là điểm đến cho gia đình trong dịp Tết năm nay.

 

Chị Hương cho biết từ trước tới nay giá cả khách sạn, dịch vụ tại Nha Trang tương đối hợp lý mà lại nhiều địa điểm vui chơi. Giá một phòng ở nhà nghỉ ở Nha Trang trung bình khoảng hơn 300 ngàn đồng/ngày nhưng khá sạch sẽ, lại ở ngay bờ biển, vô cùng tiện lợi.

 

Bên cạnh những lựa chọn đi du xuân ở các thành phố bớt “hot”, gia đình anh Sơn, ngụ tại quận Tân Bình vẫn quyết định đi Đà Lạt nhưng theo mánh riêng.

 

“Mình khá thông thuộc Đà Lạt nên chẳng dại gì chọn khách sạn ở ngay trung tâm thành phố để bị…“cứa” cổ. Gia đình mình sẽ nghỉ ở các khách sạn xa hơn như phía đầu đèo hoặc cách Đà Lạt chừng 20 km. Nhà có xe hơi, chạy có 15 – 20 phút có là bao. Đi chơi cả ngày, tối khuya mới về khách sạn ở. Mình đã chọn được một khách sạn tương đương tiêu chuẩn 3 sao, miễn phí ăn sáng, giá khoảng 500 – 700 ngàn/ ngày.”, anh Sơn nói.

 

Anh Sơn còn bật mí, lên Đà Lạt chơi hãy tìm hiểu kỹ các điạ điểm ăn uống mà dân địa phương hay lui tới, vừa ngon mà rẻ. Tránh ăn uống mua sắm ở những khu phố trung tâm sầm uất kẻo bị…“cháy” túi. Đặc biệt khi vào nhà hàng lựa món mọi người phải vô cùng cẩn trọng với các kiểu thực đơn “theo thời giá”. Đừng ngần ngại hỏi kỹ giá cả rồi mới gọi đồ ăn.

 

“Bạn bè tôi rất nhiều trường hợp vì sĩ diện, vào quán ăn thấy thực đơn không ghi giá nhưng không dám hỏi. Khi ăn xong cầm tờ phiếu thanh toán mới té ngửa, ngồi “dính” ghế luôn. Lời qua tiếng lại cãi vã rồi gọi cả cơ quan chức năng tới giải quyết. Chờ được vạ má đã sưng, dù cãi thắng cũng mất vui, chẳng tâm trạng nào để đi chơi nữa.”, anh Sơn kể.

 

Tết Nguyên đán là cơ hội hiếm có vì rất ít khi cả nhà được nghỉ dài ngày trùng nhau như vậy. Chính vì thế, đi du lịch là một ý tưởng hay để các thành viên trong gia đình thêm gắn kết, xả stress. Tuy nhiên, đi đâu và chơi gì cũng là một vấn đề. Nên cân nhắc, tránh tiêu xài một cách quá hoang phí để rồi sau đó bị “hụt chân”.

 

Theo Thanh Huyền

Vietnamnet