Sự ám ảnh trên hòn đảo với tỷ lệ người mù màu cao nhất thế giới

(Dân trí) - Được mệnh danh là “hòn đảo mù màu”, hòn đảo ở nam Thái Bình Dương là nơi có tỷ lệ người dân mắc bệnh mù màu cao nhất thế giới, chiếm từ 4% đến 10%.

Sự ám ảnh trên hòn đảo với tỷ lệ người mù màu cao nhất thế giới

Pingelap là một đảo san hô nằm ở nam Thái Bình Dương, là một phần của bang Pohnpei thuộc Liên bang Micronesia, bao gồm 3 hòn đảo Pingelap, Sukoru và Daekae, liên kết với nhau bởi hệ thống rạn san hô và xung quanh đầm phá trung tâm. Người dân trên đảo san hô này sử dụng hệ ngôn ngữ riêng.

Hòn đảo còn có tên gọi khác là “đảo mù màu”. Biệt danh này được Oliver Sacks dành cho hòn đảo trong một cuốn sách xuất bản năm 1996. Hòn đảo Pingelap thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, cũng như du khách, bởi hoàn cảnh kỳ lạ của nó.

Sự ám ảnh trên hòn đảo với tỷ lệ người mù màu cao nhất thế giới - 1
Khung cảnh thanh bình trên “đảo mù màu” Pingelap

Truyền thuyết kể lại, vào năm 1775, hòn đảo hứng chịu cơn bão thảm khốc quét qua, cướp đi hầu hết sinh mạng của người dân trên đảo. Sau thảm họa, chỉ còn 20 người sống sót, trong đó bao gồm cả vị Vua cai trị thời điểm đó có tên Doahkaesa Mwanenihsed.

Vị Vua này mang trong mình một gen hiếm achromatopsia gây nên bệnh mù màu hoàn toàn. Ông cũng là người đã truyền gen hiếm cho các thế hệ sau này trên đảo.

Sự ám ảnh trên hòn đảo với tỷ lệ người mù màu cao nhất thế giới - 2
Một cư dân mắc bệnh mù màu hoàn toàn trên đảo

Đảo Pingelap ngày nay là nơi có tỷ lệ người mắc bệnh mù màu hoàn toàn cao nhất thế giới, chiếm tỷ lệ 4% đến 10%. Con số này cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ 1 : 30.000 trên thế giới.

Với những người mắc bệnh mù màu trên đảo, họ không thấy được màu sắc bình thường, có đôi mắt nhạy cảm với ánh sáng và tầm nhìn hạn chế. Nói cách khác, thế giới của họ chỉ tồn tại hai màu đen - trắng và gam màu xám trung gian giữa chúng. Trong thế giới đơn sắc của những người mù màu thì từ “màu sắc” là một từ ngữ mang tính trừu tượng.

Sự ám ảnh trên hòn đảo với tỷ lệ người mù màu cao nhất thế giới - 3
Màu sắc thiên nhiên qua góc nhìn của người mù màu

Nhiếp ảnh gia người Bỉ Sanne De Wilde có dịp tới thăm Pingelap vào năm 2015, với mục đích truyền cảm hứng cho loạt ảnh về di truyền học, đồng thời, cô muốn tạo nên những bức hình cho thế giới của người mù màu có thể nhìn thấy.

Theo lời kể của nữ nhiếp ảnh gia De Wilde, đặt chân tới đảo Pingelap là điều không dễ dàng. “Tôi di chuyển từ Mỹ tới Hawaii rồi bay tới quần đảo Marsahll, cuối cùng mới tới Pohnpei. Đây là một trong những đảo lớn nhất của Liên bang Micronesia. Từ đó, tôi thuê máy bay tới đảo Pingelap”, cô nói.

Sự ám ảnh trên hòn đảo với tỷ lệ người mù màu cao nhất thế giới - 4

Cuộc sống trên “hòn đảo mù màu” được nữ nhiếp ảnh gia mô tả “vô cùng đơn giản” khi không có cửa hàng hay nhà hàng nào. Người dân ở Pingelap chủ yếu sinh sống nhờ đánh bắt cá và hái dừa.

Sự ám ảnh trên hòn đảo với tỷ lệ người mù màu cao nhất thế giới - 5

“Những người mắc chứng mù màu rất nhạy cảm với ánh sáng. Sống ở hòn đảo nhiệt đới nhiều nắng như Pingelap thực sự là gánh nặng. Họ khó lòng mở mắt to khi đi ra ngoài”, De Wilde nói.

Để người xem có cái nhìn chân thực hơn, bộ ảnh của De Wilde không mang màu sắc bình thường vẫn thấy, mà theo cách nhìn của những người mù màu.

Hoàng Hà

Theo National Geographic/ WK