Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “Huế cần tập trung vào 5 điểm chính để phát triển du lịch”

(Dân trí) - Ngày 8/8, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016 với sự tham gia của gần 500 đại biểu từ nhiều doanh nghiệp, tổ chức, Hiệp hội doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Phó Thủ tướng đã đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế cần tập trung phát triển y tế, giáo dục và lấy thế mạnh của tỉnh, lấy phát triển du lịch làm mũi nhọn đảm bảo giữa bảo tồn và phát triển văn hóa.

Hội nghị Xúc tiến đầu tư và Phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016 là hội nghị lớn nhất về thu hút đầu tư du lịch tại Huế trong năm nay
Hội nghị Xúc tiến đầu tư và Phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016 là hội nghị lớn nhất về thu hút đầu tư du lịch tại Huế trong năm nay
Gần 500 đại biểu trong và ngoài nước đã tham dự để tìm kiếm cơ hội đầu tư, chủ yếu trong lãnh vực du lịch vào Huế
Gần 500 đại biểu trong và ngoài nước đã tham dự để tìm kiếm cơ hội đầu tư, chủ yếu trong lãnh vực du lịch vào Huế

“Tỉnh Thừa Thiên Huế cần có lộ trình cụ thể để sớm đưa các dự án vào triển khai thực hiện, cần có cơ chế tiếp nhận ý kiến, giải đáp thắc mắc của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Các bộ ngành cần tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính để xây dựng Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học – công nghệ, y tế giáo dục”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo.

Theo Phó Thủ tướng, tổng số dự án cần kêu gọi hiện nay của Huế mới có 30 dự án (trong đó có 10 dự án đã có nhà đầu tư) là quá ít, lãnh đạo tỉnh cần công bố chính sách đầu tư rõ ràng hơn, danh mục dự án đầu tư cụ thể hơn nữa.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho hay về phát triển du lịch thì Huế giàu tiềm năng nhưng ít dịch vụ, chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, Thừa Thiên Huế cần tập trung vào 5 vấn đề căn bản để phát triển, đột phá trong lĩnh vực du lịch đó là: Đổi mới tư duy phát triển du lịch, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch, cải thiện môi trường du lịch và kiện toàn bộ máy Sở Du lịch khi Sở này mới được thành lập.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (ngồi giữa) chỉ đạo Huế cần tập trung phát triển du lịch trên 5 điểm chính
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (ngồi giữa) chỉ đạo Huế cần tập trung phát triển du lịch trên 5 điểm chính

Đồng thời triển khai khẩn trương các dự án liên quan đến đề án Tổ chức kế hoạch phát triển vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đến năm 2020 (vì đề án này đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2009 nhưng đến nay chưa triển khai hạng mục nào). Riêng cá nhân Phó Thủ tướng sẽ kêu gọi các nhà đầu tư đến với Thừa Thiên Huế, đồng thời sẽ cố vấn, tham mưu cho tỉnh bất kể lúc nào, kể cả những ngày nghỉ. Phó Thủ tướng cũng đồng ý để Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư và các bộ ngành liên quan xây dựng đề án phát triển đặc thù cho di sản Huế.

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết sẽ cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư thực hiện, hỗ trợ các thủ tục liên quan từ khâu nghiên cứu, lập dự án, đến các thủ tục đền bù, thuê đất, xây dựng, triển khai dự án. “Chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã sẽ thay đổi tư duy, lấy tư duy hỗ trợ doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp làm chủ đạo, thay cho tư duy quản lý doanh nghiệp đơn thuần trước đây; sẽ luôn lắng nghe, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, thi công dự án cũng như khi dự án đã đi vào sản xuất kinh doanh” – ông Cao khẳng định.

Định hướng phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ ưu tiên theo 2 chiến lược. Một là đột phá Huế trở thành thành phố “di sản” với nguyên lý cốt lõi là kết hợp hài hòa giữa cái xưa và cái mới, nâng đẳng cấp quốc tế của thương hiệu Huế “Điểm đến 5 di sản”, biến lợi thế tỉnh thành nơi chăm sóc sức khỏe – nghỉ dưỡng đẳng cấp cao. Hai là đột phá Chân Mây – Lăng Cô trở thành thành phố đối đẳng Huế, kết cặp với Đà Nẵng. Ở đó sẽ hình thành một đô thị biển kết nối tạo nên hành lang đô thị trọng điểm miền Trung từ Huế - Chân Mây – Đà Nẵng – Chu Lai – Dung Quất – Nhơn Hội – Vân Phong, là một tổ hợp phát triển hiện đại, cảng biển cộng với công nghiệp sáng tạo và du lịch nghỉ dưỡng.

Nhiều dự án về du lịch được tỉnh Thừa Thiên Huế mời gọi đối tác về đầu tư
Nhiều dự án về du lịch được tỉnh Thừa Thiên Huế mời gọi đối tác về đầu tư
Huế sẽ cần phải đổi mới cách làm du lịch để phát triển (ảnh: Internet)
Huế sẽ cần phải đổi mới cách làm du lịch để phát triển (ảnh: Internet)

Cũng từ cuối năm 2015, tại Huế, nhiều công trình dự án lớn đã được thực hiện tại Huế như Khởi công xây dựng hạ tầng KCN Phong Điền, thiết lập đường bay Huế - Bangkok, Huế - Đà Lạt và Huế - Nha Trang, đón tàu du lịch quốc tế cỡ lỡn; các dự án có quy mô như các khu du lịch nghỉ dưỡng, các nhà máy sản xuất, nâng cấp Cảng hàng không, xây dựng bến cảng… đang được nghiên cứu đầu tư.

Tại hội nghị, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao 16 giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư 7.744,5 tỷ đồng và ký 6 Thỏa thuận hợp tác với các đối tác, nhà đầu tư. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ký kết thỏa thuận tài trợ Quy hoạch du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng mức tài trợ 7 tỷ đồng. Ngoài ra BIDV ký kết các thỏa thuận/hợp đồng nguyên tắc tài trợ vốn tín dụng cho 7 dự án với tổng mức đầu tư 4.558 tỷ đồng. Đại diện hãng hàng không Vietjet Air cho biết sẽ tăng chuyến bay từ TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tới Huế thêm từ 2-3 chuyến/ngày để thúc đẩy sự phát triển du lịch, thương mại của địa phương.

Ý kiến của nhiều đại biểu tâm huyết góp ý cho việc đầu tư, phát triển du lịch Huế
Ý kiến của nhiều đại biểu tâm huyết góp ý cho việc đầu tư, phát triển du lịch Huế
Trao giấy chứng nhận đầu tư cho các đối tác đầu tư tại Huế năm 2016
Trao giấy chứng nhận đầu tư cho các đối tác đầu tư tại Huế năm 2016

Ở Thừa Thiên Huế thu hút đầu tư còn thấp, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 350 triệu USD, chiếm 1% tổng vốn FDI vùng Bắc Trung Bộ, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược lớn. Số lượng các dự án FDI vào tỉnh còn chưa nhiều, vốn đăng ký bình quân là 26,7 triệu USD/dự án. Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 5.900 doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ doanh nghiệp lớn (có vốn trên 100 tỷ) chỉ chiếm 1%, doanh nghiệp vừa và nhỏ (vốn dưới 100 tỷ) chiếm 54% và doanh nghiệp siêu nhỏ (vốn dưới 1 tỷ) chiếm 45%.

Các di tích lịch sử văn hóa ở Huế chỉ mới khai thác được một phần trên cơ sở các điểm cũ, chưa mở rộng thêm các điểm mới, chưa được đầu tư tu bổ, tôn tạo hoàn chỉnh để trở thành các điểm du lịch hấp dẫn. Hệ thống sản phẩm du lịch chính tại Huế là văn hóa – di sản chậm đổi mới chất lượng nên dẫn đến bão hòa, khả năng hấp dẫn du khách ít hơn giai đoạn trước. Giá trị của ngành du lịch, dịch vụ của Thừa Thiên Huế là 50% GDP của tỉnh nhưng đóng góp vào ngân sách thì rất thấp. Dự kiến tới năm 2020, tỉnh chỉ đặt mục tiêu du lịch, dịch vụ đóng góp từ khoảng 30% vào thu ngân sách địa phương.

Trong số 30 dự án kêu gọi đầu tư vào Thừa Thiên Huế trong đợt này, số dự án về du lịch chiếm phân nửa như: Dự án Bến tàu du lịch cảng Chân Mây; Khu du lịch sinh thái biển Hải Dương; Khu du lịch Hồ Thủy Tiên; Quần thể sân Golf – Làng du lịch sinh thái phong cảnh Việt Nam; Khu du lịch Cồn Hến; Khu du lịch Cồn Dã Viên; Khu du lịch sinh thái biển Thuận An; Xây dựng câu lạc bộ thủy thủ phục vụ tàu du lịch cảng Chân Mây; Khu du lịch Bãi Cả; Khu vui chơi giải trí, thể thao kết hợp du lịch nghỉ dưỡng Hói Cạn; Khu du lịch ven đầm Lập An; Trung tâm tổ chức sự kiện Huế xưa – Huế nay; Khách sạn Midtown 2…

Đại Dương