Bến Tre:

Ngắm “lão” bạch mai 300 tuổi độc nhất ở đất phương Nam

(Dân trí) - Cây bạch mai ở đình Phú Tự trên 300 năm tuổi được xem là độc nhất vô nhị của vùng đất Nam bộ vừa được công nhận là “cây di sản Việt Nam”. Đặc biệt mỗi năm “lão” bạch mai này đều trổ bông 1 lần để ban phát may mắn cho dân làng.

Đình Phú Tự (xã Phú Hưng, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) từ xưa đã nổi tiếng vì gắn với cây bạch mai cổ thụ là nhân chứng cho sự hình thành, phát triển của cả vùng đất Nam bộ. Ngôi đình được xây dựng từ năm nào vẫn chưa xác định nhưng được vua Minh Mạng sắc phong vào năm 1824. Đến năm 1094 đình được trùng tu lại cho đến ngày nay. Riêng cây bạch mai trước cửa đình thì lại có mặt trước đó từ rất lâu.

Cây bạch mai khổng lồ được công nhận là cây di sản Việt Nam
Cây bạch mai khổng lồ được công nhận là "cây di sản Việt Nam"

Đầu năm 2014, cây bạch mai được Hội bảo vệ thiên nhiên Việt Nam công nhận là “cây di sản quốc gia”. Theo hồ sơ bảo tồn, cây nguyên thủy có chiều cao khoảng 14 m, tán lá rộng chiếm diện tích khoảng 200 m2. Hiện thân cây chính không còn nhưng từ gốc cây cũ đã mọc ra chín nhánh có chiều cao khoảng trên 4 m với tán lá chiếm diện tích chừng trên 40 m2. Sân đình có cây mai trên hiện là nơi diễn ra Ngày thơ Nguyên tiêu của tỉnh Bến Tre hằng năm. Cây cũng là nguồn cảm hứng để Hội Văn học nghệ thuật tỉnh hình thành nên một câu lạc bộ thơ ca mang tên Bạch mai thi hội.

Mỗi năm cây bạch mai đều trổ hoa rất đẹp
Mỗi năm cây bạch mai đều trổ hoa rất đẹp

Ông Nguyễn Văn Bồn, SN 1929, Chánh bái (chức vụ cao nhất trong đình – PV) đình Phú Tự kể lại: “Ngày xưa tôi được ông nội kể rằng cây bạch mai này có từ thời ông cố tổ tôi đến vùng đất này khai phá đất đai, lập làng. Tên gọi cây mai cổ thụ này là Nam Mai và đến nay cũng không ai nhớ chính xác cây mai này có từ lúc nào nhưng chắc chắn đã trên 300 năm tuổi”.

Hàng ngày người dân đến xung quanh gốc cây để lượm hoa
Hàng ngày người dân đến xung quanh gốc cây để lượm hoa

Theo ông Bồn, trước đây cây bạch mai này trổ ngay ngày 30 tháng Chạp nên dân làng đến bẻ nhánh về chưng trong nhà mấy ngày tết Nguyên đán. Cây mai ngày càng còi cọc nên những người cai quản đình tiến hành lập hương án, cầu xin “lão” bạch mai trổ nghịch mùa để người dân xung quanh không đến bẻ cành về chưng tết nữa. Từ đó cây bạch mai này trổ một mùa duy nhất trong năm vào khoảng rằm tháng giêng đến tháng ba.

Ông Bồn mấy chục năm chăm sóc cây bạch mai
Ông Bồn mấy chục năm chăm sóc cây bạch mai

Trải qua bao biến cố lịch sử, cây bạch mai này vẫn đứng vững. Nhiều vị cố cựu ở xung quanh kể rằng, năm 1968 có trận đánh lớn ở gần đó, xung quanh đình bị 3 trái bom xăng, cây bạch mai cũng bị trúng ngay cành nhưng cũng chỉ bị cháy xém một vài nhánh. Cây bạch mai sao đó lại phát triển bình thương cho tới ngày nay.

Hoa được phơi khô, cất giữ cẩn thận để phát cho dân làng
Hoa được phơi khô, cất giữ cẩn thận để phát cho dân làng

Ngày nay có nhiều khách du lịch đến đình Phú Tự thăm cây bạch mai rất đỗi ngạc nhiên khi thấy vào mùa ra hoa xung quanh gốc mai cổ thụ này được lót lưới, bạt để hứng hoa mai. Mỗi ngày có 3 đến 4 người ở xung quanh đến lượm số hoa này phơi khô để phân phát cho dân làng lấy lộc đầu năm, nấu uống trị một số bệnh thông thường. Bà Nguyễn Thị Lâu, đến lượm hoa mai cho biết: “Bông bạch mai này có màu trắng rất thơm nấu nước pha như nước trà uống có tác dụng giải độc còn ngâm với rượu để dành uống có tác dùng trị một số bệnh đường tiêu hóa rất tốt”. Vì vậy từ rất lâu, mỗi năm sau tết người dân xung quanh đều lượm hoa mai này để phơi khô đợi tới lễ Kỳ Yên (ngày 16/3 AL) sẽ chia thành từng phần nhỏ phân phát cho dân làng để lấy lộc của “lão” bạch mai.

Cây bạch mai ở đình Phú Tự gắn liền sự hình thành của vùng đất phương Nam
Cây bạch mai ở đình Phú Tự gắn liền sự hình thành của vùng đất phương Nam

Ông Đoàn Văn Mười, trông giữ đình cho biết: “Việc xin lộc cây bạch mai trở thành thông lệ hàng năm của đình nhưng không biết có từ khi nào. Mỗi năm tùy theo sản lượng hoa mai mà chia cho dân làng nhiều hay ít. Tuy nhiên, trung bình mỗi năm “lão” bạch mai phát lộc cho khoảng 700 phần nhỏ để người đi dự lễ cúng đình mang về cầu mai mắn, trị bệnh”. Theo ông Mười hoa mai chỉ trị những bệnh thông thường và pha với trà uống sẽ có được mùi thơm thơm. Tuy nhiên, hằng năm ai cũng háo hức đợi đến ngày cùng đình để được “lão” bạch mai phát lộc để được may mắn suốt cả năm.

Minh Giang