DMagazine

Lữ hành len qua "khe cửa 2020" tồn tại như thế nào?

(Dân trí) - Năm 2020 là khoảng thời gian "đen tối" đối với ngành du lịch khi dịch Covid-19 bùng phát. Bằng mọi cách, các đơn vị lữ hành vượt qua đại dịch, sinh tồn chờ phục hồi.

Năm 2020 là khoảng thời gian "đen tối" đối với ngành du lịch khi dịch Covid-19 bùng phát. Bằng mọi cách, các đơn vị lữ hành vượt qua đại dịch, sinh tồn chờ phục hồi.

Lữ hành len qua khe cửa 2020 tồn tại như thế nào? - 1

Ông Trần Văn Long vốn là CEO của công ty Du Lịch Việt, hoạt động trong lĩnh vực du lịch nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, đầu năm 2020 cũng như hàng ngàn doanh nghiệp trong ngành, Du Lịch Việt đã phải đóng băng mọi hoạt động vì cú sốc Covid-19. 

Vốn là người có tính không chịu ngồi yên và không ngại thử thách nên ông Long đã nghĩ tại sao không thử làm khẩu trang để vừa chung tay cùng cả nước chống dịch lại vừa tạo công ăn việc làm cho đội ngũ nhân sự của mình.

Nghĩ là làm, ngay sau khi Việt Nam công bố giãn cách xã hội chống dịch vào tháng 4/2020, ông Long đã bắt tay vào tìm đối tác để nhập máy móc, dây chuyền sản xuất làm khẩu trang. 

Tuy nhiên, do "tay ngang" bước chân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới, lại không có nền tảng nhà xưởng máy móc hay nhân công nên công ty đã gặp không ít khó khăn. Theo ông Long, cái khó nhất khi làm khẩu trang là chất lượng hàng hóa, rồi đủ loại giấy tờ pháp lý cũng như vốn liếng và dây chuyền máy móc.

Ngoài các vấn đề này thì việc làm thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm ở thị trường nước ngoài cũng không hề đơn giản bởi thời điểm đó các quốc gia như Mỹ hay EU có tốc độ lây nhiễm Covid-19 tăng chóng mặt, việc di chuyển vô cùng khó khăn. 

Ông Long nhớ lại: "Để có vốn, tôi đi vay ngân hàng nhưng đâu có dễ do tôi còn quá mới nên chỉ nhận về những cái lắc đầu. Cuối cùng tôi đã nghĩ tới việc kêu gọi đầu tư, góp vốn cùng làm và may mắn nhận được ủng hộ của đối tác, bạn bè. Với máy móc sản xuất, thời điểm đó việc nhập được một dây chuyền hoàn chỉnh là điều không thể vì thế chúng tôi đã phải nhập từng thiết bị riêng lẻ ở các nước khác nhau như Nhật Bản, Đức… rồi sau đó lắp ráp theo đúng các tiêu chuẩn để có thể sản xuất được".

"Tuy nhiên, khi nhập về máy bị lỗi, không chạy được khiến tôi mấy hàng tỷ đồng để tìm được dàn máy vận hành như bây giờ".

Ông Long cho hay, không nghĩ sản xuất khẩu trang lại vất vả như vậy vì ngay cả ở khâu nguyên liệu đầu vào lâu nay Việt Nam đa số phải nhập khẩu từ Trung Quốc, vậy nên nhiều khi đang sản xuất không đủ nguyên liệu phải tạm dừng lại.

Mở quán cà phê… chờ thời

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty Golden Smile Travel (chuyên tổ chức tour du lịch quốc tế, trụ ở tại quận Phú Nhuận, TPHCM), chủ doanh nghiệp du lịch với 7 năm có mặt trên thị trường đã phải mở quán cà phê, tự pha cà phê cho khách…

Lữ hành len qua khe cửa 2020 tồn tại như thế nào? - 2
Lữ hành len qua khe cửa 2020 tồn tại như thế nào? - 3
Lữ hành len qua khe cửa 2020 tồn tại như thế nào? - 4
Lữ hành len qua khe cửa 2020 tồn tại như thế nào? - 5

 Trước dịch, công ty có trên 70 nhân viên có lương, thưởng ổn định. Nhưng từ tháng 3/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, khách giảm dần rồi không có khách khiến công ty lao đao, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, rồi cuối cùng là… không có doanh thu.

"Khó khăn nhưng vẫn nhìn thấy tương lai. Câu chuyện là nghề chọn mình, có đam mê, có ngọn lửa và quán cà phê chính là nơi để tạo cảm hứng. Những kế hoạch vẫn đang được ấp ủ, xây dựng chiến lược để chờ dịch đi qua, chờ khách hàng trở lại", ông Nguyễn Trần Hoàng Phương chia sẻ.

Lữ hành len qua khe cửa 2020 tồn tại như thế nào? - 6

Theo thống kê, lượng khách thị trường du lịch nội địa năm 2020 của đơn vị Lữ hành Fiditour tăng khoảng 35% so với năm 2019.

Ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Lữ hành Fiditour kể: "Đa phần các công ty không vượt qua được là không giữ được người. Lợi thế của chúng tôi chính là mỗi nhân sự đều có cổ phần nên cũng là động lực để cùng nhau vượt qua.

Chúng tôi phục hồi nhanh chóng trong khoảng tháng 5/2020. Nhìn vào lịch tour nội địa chúng tôi bất ngờ khi không giảm mà còn tăng. Tất cả mọi người đều lúng túng, từ công ty đến các nhà cung cấp dịch vụ, đặc biệt hàng không. Tháng 7/2020, chúng tôi còn nhớ phải mất cả tháng để xử lý tour đến Đà Nẵng do lượng khách hoãn, hủy quá lớn. Tất cả anh em trong công ty nỗ lực hết mình chăm sóc khách hàng trong suốt giai đoạn".

"Trong năm, các cơ quan ban ngành cũng đã ủng hộ các sản phẩm về nguồn của chúng tôi như Biệt động Sài Gòn, chiến khu D, các tỉnh lân cận… như một lựa chọn thay thế. Căn cứ vào hiện tại, ngoài các tiêu chí an toàn chống dịch thì chúng tôi phải làm việc rất rõ với đối tác về tiền cọc và chế độ thanh toán theo hướng chia sẻ khó khăn với nhau. Câu chuyện tiền cọc chính là yếu tố lớn khiến nhiều công ty nhỏ phá sản", ông Dũng chia sẻ. 

"Trong nguy có cơ"

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐTV đơn vị lữ hành Vietravel:  Một khi du lịch bị ảnh hưởng sẽ kéo theo lượng khách đột ngột giảm, dòng tiền trong mỗi đơn vị nói chung sẽ đi xuống và toàn bộ hệ thống lúc này sẽ bị 'shut down' (bị sập - PV). Lúc này, các doanh nghiệp bị thiếu tiền trầm trọng và việc đầu tiên chúng ta nghĩ đến là buộc sa thải nguồn nhân lực vì chi phí quản trị nguồn nhân lực lớn nhất.

Lữ hành len qua khe cửa 2020 tồn tại như thế nào? - 7

Tuy nhiên, khi sa thải như vậy, mọi người thường không nghĩ rằng tới lúc công ty quay trở lại hoạt động sẽ tạo ra sự thiếu hụt nguồn nhân lực. 

"Điều này đã được chứng minh vào thời điểm 4/2020 vừa rồi, khi Chính phủ bỏ giãn cách toàn xã hội, bỏ cách ly thì đợt cao điểm 30/4 và 1/5 vừa rồi, lượng khách du lịch tăng lên rất nhanh. Lúc này, chúng tôi thấy rằng nhiều cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch không có nhân lực để làm việc.

Sự quá tải đã diễn ra khiến chất lượng dịch vụ chưa như cam kết và làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách. Đây là những gì đã diễn ra trong tháng 6, tháng 7/2020 vừa rồi", ông Kỳ nhớ lại. 

"Lúc đó, chúng tôi đã đạt được doanh thu vượt cao hơn cả trước dịch, đây là điều rất lạ dù hoạt động lữ hành chỉ còn mỗi thị trường nội địa thôi. Bình quân, doanh thu của chúng tôi đạt khoảng 300 - 400 tỷ đồng/tháng, tháng cao điểm đạt khoảng 700 tỷ - tuy nhiên, đó là có cả mảng du lịch outbound.

Thế nhưng, trong tháng 7 vừa rồi, chỉ riêng nội địa thôi Vietravel đã đạt doanh thu khoảng 460 tỷ đồng. Con số thu rất tốt mà chúng tôi không ngờ tới", ông Kỳ bất ngờ.

Lữ hành len qua khe cửa 2020 tồn tại như thế nào? - 8

 "Chúng tôi vừa qua cũng đã khai trương hãng hàng không Vietravel Airline. Cũng có nhiều quan điểm cho rằng sao quyết định táo bạo như thế giữa lúc dịch Covid-19 đang căng thẳng.

Tôi cho rằng, không khai trương lúc này thì lúc nào. Dẫu biết để cho ra một hãng hàng không phải trả một cái giá rất đắt, nhưng khi các hãng hàng không sa thải người hàng loạt thì làm gì còn chuyện kiện nhau để giành người.

Nhân sự hàng không là nhân sự có điều kiện, tất cả các vị trí đều có giấy phép chuyên môn, chính vì thế mà câu chuyện nhân sự hàng không là câu chuyện khá đau đầu. Chúng tôi tuyển được một lượng nhân sự với mức lương hợp lý. Quan trọng hơn chính là thái độ làm việc rất tốt. Chúng tôi đánh giá thái độ cao hơn trình độ", ông Nguyễn Quốc Kỳ nói về việc ra đời hãng hàng không giữa lúc khó khăn mùa đại dịch.