DMagazine

Ế khách quốc tế chưa từng thấy, giám đốc bán khách sạn để trả nợ

(Dân trí) - Chỉ sau đợt dịch Covid-19 kéo dài 2 năm, vợ chồng ông Juergen Eichhorn (ngụ TPHCM) đã phải bán đi căn nhà gắn bó của mình để gồng gánh cho công ty du lịch thua lỗ nặng.

Ế khách quốc tế chưa từng thấy, giám đốc công ty du lịch bán khách sạn để trả nợ

Chỉ sau đợt dịch Covid-19 kéo dài 2 năm, vợ chồng ông Juergen Eichhorn (ngụ TPHCM) đã phải bán đi khách sạn của mình để gồng gánh cho công ty du lịch vì thua lỗ nặng. 

Vì sao khách quốc tế chưa "mặn mà" với Việt Nam?

Năm 2022, khi dịch Covid-19 dần lắng dịu, Việt Nam đón 3,6 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn con số mục tiêu là 5 triệu.

Năm 2023 được kỳ vọng là năm bứt tốc của du lịch Việt Nam. Trước làn sóng suy thoái kinh tế và sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường Đông Nam Á, du lịch Việt Nam buộc phải chuyển mình, khắc phục quyết liệt những hạn chế và phát huy thế mạnh.

Tuyến bài là trải nghiệm thực tế của khách du lịch, về nạn chặt chém, về chính sách visa, về đường bay, về việc "xuất khẩu" văn hóa đến đa dạng các loại hình du lịch. Việt Nam có nhiều câu chuyện để kể với khách du lịch, nhưng kể như thế nào, và bằng cách nào là vấn đề đáng suy ngẫm.

Năm 2023, du lịch Việt cần phải đổi thay và bùng nổ!

Bán khách sạn vì vắng khách du lịch ngoại quốc

"Chúng tôi không thể tồn tại chỉ dựa vào khách nội địa. Hai đợt dịch Covid-19 đã làm tôi mất mọi thứ. Đầu năm 2023, đợt khách quốc tế ở mức thấp kỷ lục đã nhấn chìm doanh nghiệp của tôi một lần nữa", ông Juergen Eichhorn (42 tuổi, người Đức, chủ một công ty du lịch tại TPHCM) thốt lên.

Vài tháng trước, ông đã "nuốt nước mắt" bán đi căn nhà mình đang ở bởi tình hình khó khăn do sụt giảm khách du lịch quốc tế.

Cách đây 16 năm, ông Juergen Eichhorn cùng người vợ Việt Nam thành lập công ty chuyên cung cấp tour cho du khách nước ngoài. Lịch trình được thiết kế dựa theo sở thích của du khách, tuyến tour nối dài từ Cà Mau đến Hà Nội, Hà Giang, Lạng Sơn... Thu nhập khấm khá, vợ chồng ông mở thêm nhà hàng và mua nhà để sinh sống. Trải qua hai năm dịch Covid-19, cả hai buộc phải thu hẹp quy mô hoạt động. 

Ế khách quốc tế chưa từng thấy, giám đốc bán khách sạn để trả nợ - 1

Tháng 1/2023, khách quốc tế đến Việt Nam giảm 42% so với cùng kỳ năm 2019, khi chưa có dịch Covid-19 (Ảnh: Tiên Phùng).

Thông thường, quý 1 và quý 4 của năm sẽ là đợt cao điểm của khách du lịch quốc tế bởi trùng với đợt nghỉ đông. Nhưng đầu năm 2023, khách quốc tế vẫn chưa đến nhiều, công ty của ông Juergen chỉ có thể nhận 15 khách/tuần.

"Nhiều tài xế của đã phải bán xe, còn tôi buộc phải bán khách sạn khi công suất phòng không thể đạt được 50%. Chúng tôi vẫn đang cố gắng duy trì và hy vọng tình hình sẽ tốt hơn vào tháng 8/2023", ông chủ công ty du lịch nói.

Ế khách quốc tế chưa từng thấy, giám đốc bán khách sạn để trả nợ - 2
Ế khách quốc tế chưa từng thấy, giám đốc bán khách sạn để trả nợ - 3

Không riêng ông Juergen Eichhorn, nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và tiểu thương ở chợ trung tâm TPHCM cũng rơi vào khó khăn, khi lượng khách quốc tế đầu năm 2023 đang ở mức thấp. Tại các tuyến đường trung tâm TPHCM như đường Lê Thánh Tôn, đường Bùi Thị Xuân, đường Đề Thám, đường Bùi Viện (quận 1) - nơi từng có nhiều khách sạn - cũng đã bị tháo dỡ, chuyển sang cho thuê mặt bằng làm văn phòng.

Chợ Bến Thành nằm trong điểm tham quan chính của khách quốc tế tại TPHCM cũng thưa khách so với thời gian trước dịch Covid-19. Năm 2022, lượng khách có hồi phục nhưng lại đạt mức thấp vào đầu năm 2023, sức mua của du khách cũng giảm mạnh. "Có khi ngồi buổi sáng chỉ bán được một túi đan lục bình", bà H. (tiểu thương chợ Bến Thành) chia sẻ.

Anh Đông Thuận, Giám đốc điều hành khách sạn C.P, cho biết, chưa bao giờ rơi vào tình trạng "thê thảm" như hiện nay khi công suất phòng chỉ đạt được 25%.  Mỗi tuần, khách sạn nhận khoảng 40 khách quốc tế, đa phần là khách lẻ. Con số này đã khiến lợi nhuận của đơn vị ở mức âm, buộc phải "nương nhờ" thêm các dịch vụ khác bao gồm nhà hàng và tổ chức tiệc cưới.

Trước đó, khách sạn của anh Thuận có ba nhóm khách lớn là Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc. Trong đó, khách Trung Quốc là có số lượng lưu trú "khổng lồ", là đối tác truyền thống nhưng thị phần này bị mất đi do dịch Covid-19, khách Nga bị ảnh hưởng bởi tình hình chiến sự. Lượng khách Hàn Quốc trở lại và có tăng trưởng nhưng con số không quá đông để có thể cứu vãn tình thế hiện tại. 

Ế khách quốc tế chưa từng thấy, giám đốc bán khách sạn để trả nợ - 4

Một số địa điểm từng là nhà hàng, khách sạn trên đường Lý Tự Trọng (quận 1) treo biển cho thuê mặt bằng (Ảnh: Ngọc Ngân).

Ế khách quốc tế chưa từng thấy, giám đốc bán khách sạn để trả nợ - 5

Những góc ngã tư thường là mặt bằng đắc địa giờ cũng vắng người thuê, kinh doanh (Ảnh: Ngọc Ngân).

Một số doanh nghiệp lữ hành khác vẫn đang trong tình trạng "ngóng" khách. Anh Bảo Lâm hiện đang quản lý bộ phận điều hành tour của công ty lữ hành thuộc quận 1, TPHCM, tâm sự: "Mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ thiếu … khách du lịch". Là công ty chuyên khách Trung Quốc, đơn vị của anh đã có hai năm "đóng băng" do dịch Covid-19, một năm … chờ đợi. 

Trong thời gian không có khách du lịch, anh Lâm đã phải xoay bằng cách làm thêm cùng lúc 3 công việc: giao hàng, bán hoa và viết quảng cáo. Do công ty thu hẹp chi nhánh hoạt động, từ Nha Trang, anh buộc phải trở về TPHCM, bán đi laptop và 3 chỉ vàng tích cóp được trước đó. Cuối năm 2022, anh quay về công ty du lịch để làm việc, dù đơn vị chỉ trả lương cơ bản "cầm chừng". 

"Chúng tôi nhận được những tín hiệu vui vào đầu năm 2023 với hy vọng thị trường Trung Quốc sẽ mở cửa lại. Suốt 3 tháng qua, công ty đã tất bật chuẩn bị nhân sự, tuyến điểm, kết nối khách sạn, nhà hàng… nhưng mọi chuyện vẫn chưa khả quan. Chính sách visa vẫn làm "đau đầu" nhiều công ty du lịch. Hiện tại, công ty vẫn đang nhận khách Trung Quốc đến Việt Nam với visa thương mại nhưng rất nhỏ giọt", anh Lâm nói thêm.

Sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường Đông Nam Á

 Trước tình hình thiếu hụt khách du lịch quốc tế, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch Xã hội, nhận định, đây là tình hình riêng của Việt Nam, không phải câu chuyện chung của thị trường du lịch Đông Nam Á. 

Cuối năm 2022, Thái Lan chạm mốc 10 triệu lượt khách quốc tế. Trong khi đó, Việt Nam chỉ hoàn thành 70% chỉ tiêu đặt ra với 3,6 triệu lượt khách, thấp hơn so với các quốc gia cùng khu vực như Malaysia, Singapore...

Sau hai năm "đóng băng" vì dịch Covid-19, thị trường du lịch ở Đông Nam Á đã nhộn nhịp hơn vào năm 2022, và hứa hẹn bứt tốc vào năm 2023. Nhìn chung du lịch Việt Nam đang đứng trong cuộc cạnh tranh mới và trong đó, Thái Lan vẫn luôn là đối thủ mạnh.

Ông Juergen Eichhorn cho biết, nhiều khách du lịch quốc tế đã thay đổi lịch trình từ Việt Nam sang Thái Lan bởi nhiều lý do, trong đó, một phần từ chính sách visa. "Thái Lan luôn cho họ cảm giác được chào đón ngay từ những phút đầu tiên", ông Juergen Eichhorn chia sẻ. 

Ế khách quốc tế chưa từng thấy, giám đốc bán khách sạn để trả nợ - 6

Khách Tây có nhu cầu lưu trú dài hạn tại Việt Nam, dù chính sách thị thực vẫn chưa "mở cửa" (Ảnh: Tiên Phùng).

Các quốc gia Đông Nam Á đang tạo điều kiện cho khách du lịch quốc tế thông qua chính sách visa. Thái Lan miễn thị thực cho 65 quốc gia, thời gian lưu trú từ 30-45 ngày. Trong khi đó, phần lớn du khách quốc tế đến Việt Nam có giới hạn trong 15 ngày. Với kinh nghiệm 16 năm làm du lịch, ông Juergen Eichhorn đánh giá, khách phương Tây thường có xu hướng dành 20-30 ngày tại Việt Nam.

"Họ muốn nghe câu chuyện về văn hóa, tận hưởng cuộc sống như người dân bản địa. Vì thế, chính sách visa hiện tại một phần chưa thể đáp ứng nhu cầu của du khách. Chúng tôi đã rất khó khăn để xoay xở và thuyết phục du khách đến Việt Nam", ông nói.

Du khách Tom Holgersson (người Thụy Điển) khẳng định, Việt Nam đầy tiềm năng để phát triển du lịch, thiên nhiên ưu đãi, lịch sử, văn hóa hấp dẫn. Tuy nhiên, cơ hội cạnh tranh lại hẹp dần khi chính sách visa, hạ tầng và dịch vụ du lịch vẫn đang hạn chế. Anh vẫn gặp khó khăn khi tìm thông tin bằng tiếng Anh. Trong khi đó, các quốc gia cùng khu vực đang thực hiện điều này rất tốt. 

Cần mở những "cánh cửa mới"

 Ông Hoàng Phương cho biết, nguyên nhân của sự thiếu hụt khách quốc tế phần lớn đến từ việc xin thị thực chưa được thuận lợi. "Chúng ta mở cửa từ giữa tháng 3/2022 nhưng vẫn chưa bứt tốc được. Thông thường, quý 1 và quý 4 là thời gian cao điểm của thị trường Inbound nhưng hiện vẫn ảm đạm. Khách quốc tế đổ xô đến Thái Lan và chúng ta đã bỏ qua nhiều cơ hội quý giá", ông nói.

Theo ông Phương, miễn phí visa cũng là một trong những cách kích cầu thị trường Inbound. Tính trung bình, một du khách quốc tế đến Việt Nam sẽ mất 20 USD cho visa, nhưng họ có thể chi 500-1.000 USD cho chi phí ăn uống, đi lại, lưu trú. Vì thế, phí visa là con số nhỏ so với nguồn thu từ du khách trong thời gian họ ở Việt Nam. 

Ế khách quốc tế chưa từng thấy, giám đốc bán khách sạn để trả nợ - 7

TPHCM có nhiều tiềm năng để thu hút khách quốc tế (Ảnh: Tiên Phùng).

 Đồng thời, việc vắng bóng khách quốc tế ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty lữ hành, du lịch, đơn vị nhà hàng, khách sạn, tiểu thương chợ trung tâm TPHCM. Giá phòng hiện đang ở mức "rẻ bèo". Để khách sạn có lời, công suất phòng phải đạt tỷ lệ trên 80%, trong khi đó, con số này đang ở mức thấp.

Nhằm cải thiện lượng khách quốc tế, ông Phương cho rằng chất lượng phục vụ nhà hàng, khách sạn, nhà xe… buộc phải được nâng cao. Với nhóm khách chiếm tỷ trọng lớn là khách Nga, khách Trung Quốc, địa phương cũng cần có bảng giới thiệu những thông tin địa điểm bằng ngôn ngữ đó.

Việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới đã được thực hiện bằng cách trình chiếu video trên các quảng trường lớn, xuất hiện trên kênh Discovery. Hình ảnh của Quảng Bình, Hạ Long cũng từng được xuất hiện trên các bộ phim Hollywood. Tuy nhiên, mỗi người dân đều có thể làm du lịch, gây ấn tượng bằng sự thân thiện với khách quốc tế.

Bài 2: Khách quốc tế "một đi không trở lại" vì nạn chặt chém, văn hóa nói thách

Nội dung: Ngọc Ngân

Ảnh: Tiên Phùng, Ngọc Ngân