14 năm sau vụ tấn công 11/9: Đau thương vẫn ám ảnh người Mỹ

Tròn 14 năm sau vụ tấn công cướp đi gần 3.000 sinh mạng, trên đống gạch vụn và khoảng đất trống năm xưa, nhiều t​òa nhà chọc trời khác đã mọc lên xung quanh hai hồ nước lớn, vốn là vị trí của hai t​òa tháp xấu số kia.

14 năm sau vụ tấn công 11/9: Đau thương vẫn ám ảnh người Mỹ - 1

Nhiều người đặt hoa trắng lên tên người thân của mình. (Ảnh: Lưu Văn Đạt/Vietnam+).

Sau khi hai tòa tháp thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) bị tấn công vào sáng 11/9/2001, phải mất 8 tháng người Mỹ mới có thể dọn dẹp hết cả trăm ngàn tấn mảnh vụn từ hai t​òa nhà cao chọc trời này.

Tròn 14 năm sau vụ tấn công cướp đi gần 3.000 sinh mạng, trên đống gạch vụn và khoảng đất trống năm xưa, nhiều t​òa nhà chọc trời khác đã mọc lên xung quanh hai hồ nước lớn, vốn là vị trí của hai t​òa tháp xấu số kia.

Hiện tại, một cao ốc cao 104 tầng One World Trade Center đã hình thành và đón khách tham quan. Người Mỹ còn gọi tòa nhà cao chọc trời này là Tháp Tự Do (Freedom Tower).

Ground Zero là cách người Mỹ gọi vị trí của tòa tháp đôi. Khu đất này rất lớn, rộng khoảng 6,5ha, nằm trong khu tài chính nổi tiếng của Mỹ. Rất nhiều trụ sở ngân hàng và cơ sở tài chính của Mỹ và thế giới đều nằm trong khu này.

Trên đường vào khu Ground Zero, khách tham quan có thể nhìn thấy nhiều rào chắn của các công trình xây dựng còn đang dở dang. Điều này chứng tỏ người Mỹ đang quyết tâm xây dựng khu đất đầy chết chóc đau thương này thành một nơi đẹp và hoành tráng hơn xưa.

Khó có thể bắt gặp một nụ cười hay một nét mặt hân hoan nơi đây dù sự kiện đã xảy ra cách đây 14 năm. Khách tham quan đến để tìm tên của người thân, bạn bè của mình, và không quên để lại một bông hoa. Không ít người dắt theo con cháu của mình, và kể cho chúng nghe những gì đã xảy ra năm xưa.

Nhiều người đứng lặng yên đâu đó xung quanh thành của hai hồ nước hình vuông được ghép từ 16 tấm bảng bằng đồng khắc tên của 2.983 nạn nhân của vụ khủng bố ngày 11/9 và vụ đánh bom WTC năm 1993.

Trên những tấm bảng đồng đó, tên của các nạn nhân không được xếp theo thứ tự các chữ cái, mà được xếp cạnh người thân của mình, và sau đó được đặt trong những nhóm lớn hơn.

Có nhóm những người những người có mặt trên 4 chuyến bay định mệnh hôm 11/9/2001, hay những người ở trong hai tòa tháp đôi, những người làm việc ở Lầu Năm Góc, các nhân viên cứu hộ khẩn cấp và cuối cùng là các nạn nhân của vụ đánh bom WTC vào năm 1993.

Gần hai hồ nước là bảo tàng dưới lòng đất trưng bày các hiện vật còn sót lại sau vụ khủng bố. Dường như, mọi hiện vật trong bảo tàng đều liên quan đến một câu chuyện cảm động để kể. Đứng phía ngoài bảo tàng, du khách có thể dễ dàng nhìn thấy trụ thép còn sót lại của tòa tháp biến dạng do máy bay đâm vào.

Ở Washington DC, có một khu đất khá rộng nằm phía Tây Nam của Lầu Năm Góc. Nơi đó, 184 người đã thiệt mạng sau khi sau khi t​òa nhà bị không tặc tấn công.

Tròn 7 năm sau vụ tấn công, khu tưởng niệm này mới được xây xong và mở cửa đón khách. Vì nằm cạnh trụ sở của Bộ Quốc Phòng Mỹ, nên an ninh khá nghiêm ngặt. Khách tham quan tuyệt đối không được đưa máy ảnh về hướng Lầu Năm Góc. Mặc dù được sửa chữa, nhưng khách viếng thăm có thể dễ dàng nhận ra vị trí bị máy bay đâm vào trong Lầu Năm Góc.

Phía cổng khu tưởng niệm có hai phiến đá đen rất lớn khắc tên của 184 người thiệt mạng sau vụ tấn công. Bước sâu vào phía trong, có 184 ngôi mộ gió làm bằng thép và được xếp theo năm sinh. Nạn nhân nhỏ nhất là 3 tuổi, còn nạn nhân lớn nhất là 71 tuổi.

Trên từng ngôi mộ có khắc tên của từng nạn nhân. Các ngôi mộ được xếp hướng vào Lầu Năm Góc hoặc hướng ra ngoài. Những ngôi mộ được xếp hướng vào Lầu Năm Góc của những nạn nhân làm việc trong t​òa nhà này, còn những người trên chuyến bay thì được xếp hướng ra ngoài.

Cũng như Ground Zero, nơi đây đón tiếp rất nhiều khách tham quan, vốn là người thân, bạn bè của nạn nhân. Họ không quên dắt theo con cháu và kể cho chúng nghe về câu chuyện kinh hoàng đã xảy ra trong quá khứ./.

Theo Lưu Văn Đạt

Vietnamplus