Huế

Lập “bảo tàng” sinh thái lịch sử ở sông Hương

(Dân trí) – Hội thảo “Chiến lược toàn diện Thiết kế đô thị và Quy hoạch vùng nhằm thiết lập kế hoạch quản lý di sản Huế và phát triển bền vững Bảo tàng sinh thái lịch sử ở lưu vực sông Hương” vừa diễn ra chiều 28/3 với nhiều nhà khoa học trong, ngoài nước.

Hội thảo do Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, UBND tỉnh TT-Huế, Viện Quy hoạch tỉnh, ĐH Khoa học Huế tổ chức. Có sự tham gia của một số giáo sư, sinh viên quốc tế đến từ ĐH Waseda (Nhật Bản), ĐH Berkeley California (Mỹ), Trường kiến trúc Grenoble (Pháp), Trường Cảnh quan Versailles (Pháp) và ĐH Khoa học Huế.

Quang cảnh buổi hội thảo quốc tế
Quang cảnh buổi hội thảo quốc tế

Thành phố Huế có dân số khoảng 340.000 người, là thành phố lớn thứ 2 của miền Trung sau Đà Nẵng. Từng là thủ phủ của triều Nguyễn từ 1802 đến 1945, đến nay vẫn còn lưu giữ thuộc dạng nhiều nhất các di sản trên cả nước. Quần thể di tích Huế nằm ở dọc sông Hương đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.

Ở dọc lưu vực sông Hương, con sông chính quan trọng nhất bắt ngang giữa thành phố là hệ thống núi, sông, làng mạc và thành phố, khu vực đầm rộng lớn, bãi biển. Đặc biệt có nhiều lăng tẩm, đền cổ là những điển hình cho di sản văn hóa quan trọng nhất của cả vùng. Đây là những nền văn hóa cực kỳ quý báu mà các thành phố hiện đại nhất đã bị mất. Cho nên con sông Hương được xem như một “bảo tàng lịch sử” đầy quý giá không những cho riêng cố đô Huế mà còn ở phạm vi cả nước lẫn quốc tế.

Quang cảnh buổi hội thảo quốc tế
Bản đồ sinh thái - lịch sử vùng Huế được thiết lập chủ yếu dọc theo con sông Hương chảy từ 2 nhánh thượng nguồn (phía dưới) đổ vào thành phố Huế qua khúc eo giữa (có đường gạch chéo), chảy tiếp ra đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á (ô chữ nhật) trước khi ra biển Đông

Di sản kiến trúc và di sản văn hóa dựa trên phương pháp Phong – Thủy điển hình ngày nay là một “điểm chuẩn” văn hóa, và là 1 công cụ mạnh mẽ cho sự phát triển của xã hội, kinh tế và trong những chương trình du lịch. Vì vậy, nó cần thiết được bảo tồn cả các công trình xưa và hệ thống sinh thái như Huế là một thành phố Phong – Thủy mẫu mực, trong đó sông Hương như là yếu tố chính cho tất cả sự phát triển xung quanh.

Và khái niệm “Bảo tàng sinh thái lịch sử ở lưu vực sông Hương” là 1 khái niệm mới do GS. Satoh Shigeru (ĐH Waseda, Nhật Bản) đưa ra nhằm có 1 chuẩn chung trong việc quy hoạch thiết kế về đô thị và nông thôn dọc theo lưu vực con sông (từ thượng nguồn đến hạ nguồn) nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát triển vùng đô thị Huế.

Quang cảnh buổi hội thảo quốc tế
Du lịch trên sông Hương. Trong ảnh là 1 chiếc thuyền rồng đi du xuân lướt ngang Kỳ Đài Huế, xưa kia là nơi treo cờ ngũ sắc của vua Nguyễn, nay treo cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam

Những đề xuất thiết kế được đề xuất tại hội thảo chia thành 6 nhóm gồm: Nghiên cứu nguyên lý Sơn – Thủy ở Huế, lưu vực sông Hương, khu vực đầm phá, khu vực Bao Vinh (hạ nguồn sông Hương), khu vực xã Thủy Biều (điểm chuyển tiếp giữa vùng núi và đồng bằng, ở phía gần dẫn lên thượng nguồn sông Hương), khu vực thượng nguồn sông Hương.

Những nhóm này sẽ nghiên cứu và đưa ra đề xuất thiết kế ứng với điều kiện cụ thể của từng vùng về các mặt: lịch sử, văn hóa, du lịch, cảnh quan, kinh tế, lối sống của người dân địa phương… để từ đó đề ra các hướng dẫn nhằm bảo vệ môi trường cảnh quan, di tích; cải thiện môi trường sống của cư dân địa phương; phát triển kinh tế.

Dân cư sinh sống dựa vào sông nước, dọc theo sông Hương ở Huế là rất nhiều (ảnh: Ngọc Thụ)
Dân cư sinh sống dựa vào sông nước, dọc theo sông Hương ở Huế là rất nhiều (ảnh: Ngọc Thụ)

Theo TS.Phan Thanh Hải, GĐ TTBTDTCĐ Huế, từ các kết quả của hội thảo hy vọng, không những sẽ được xem xét tính khả thi và phù hợp cho các dự án bảo tồn tại Huế mà còn góp phần định hướng cho những dự án quy hoạch trong tương lai của tỉnh nhà.

Ông Ngô Hòa, PCT UBND tỉnh TT-Huế cho rằng, những báo cáo sẽ đóng góp vào quy hoạch phát triển bền vững văn hóa – kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới để Huế tiến tới trở thành TP trực thuộc Trung ương với những chiến lược phát triển đặc trưng riêng trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, đặc thù của mình.

Dân cư sinh sống dựa vào sông nước, dọc theo sông Hương ở Huế là rất nhiều (ảnh: Ngọc Thụ)
Một bến đò ngang với con đò nhỏ chở người sang sông trên sông Đông Ba (một nhánh sông đào dẫn nước từ sông Hương) ở phố Huỳnh Thúc Kháng qua phố cổ Bạch Đằng (ảnh: Ngọc Thụ)

Đại Dương