Vì sao lượng hồ sơ vào đại học top đầu Mỹ tăng kỷ lục bất chấp đại dịch?

Lệ Thu

(Dân trí) - Trái với những lo lắng ban đầu về giảm sút nhu cầu học đại học do Covid-19, hội đồng tuyển sinh các trường ĐH hàng đầu nước Mỹ vừa có một năm bận rộn với số lượng hồ sơ tăng đáng kinh ngạc.

Việc không bắt buộc điểm chuẩn hóa SAT/ACT là một trong những nguyên nhân chính khiến cho lượng hồ sơ ứng tuyển vào các trường Ivy League và các trường đại học danh tiếng khác tại Mỹ tăng đột biến, vô hình chung xoáy sâu hơn sự bất bình đẳng về lợi thế tuyển sinh giữa nhóm trường Đại học top đầu và nhóm trường có độ cạnh tranh thấp.

Theo tờ New York Times, những trường Đại học danh tiếng như Cornell chưa bao giờ khó khăn trong việc thu hút học sinh nộp hồ sơ xét tuyển. Năm nay, lượng hồ sơ ứng tuyển trường nhận được nhiều hơn mọi năm tới 17 nghìn hồ sơ.

Ông Jonathan Burdick, Phó Hiệu trưởng phụ trách tuyển sinh cho biết: "Khi các trường Đại học có độ khó cao như Cornell quyết định miễn điểm chuẩn hóa SAT/ACT, rất nhiều thí sinh trước đây không bao giờ nghĩ tới Cornell vì điểm chuẩn hóa thấp đột nhiên cho rằng mình có thể có cơ hội vì những ưu điểm khác trong hồ sơ".

Vì sao lượng hồ sơ vào đại học top đầu Mỹ tăng kỷ lục bất chấp đại dịch? - 1

Lượng hồ sơ vào đại học top đầu Mỹ tăng kỷ lục bất chấp đại dịch Covid-19.

Bà Jenny Rickard, giám đốc điều hành của Common Application, hệ thống nộp hồ sơ xét tuyển được sử dụng bởi hầu hết các trường đại học ở Mỹ, cho biết với nhóm các trường đại học cạnh tranh nhất của Mỹ, cả trường công và tư, mức tăng hồ sơ trung bình là khoảng 17%.

Số hồ sơ ứng tuyển vào trường Penn State, một trường Big Ten (top 10 trường đại học công lập quy mô lớn) và top 63 National University, đã tăng 11%. Đại học California, Los Angeles (#20 National University) có số lượng hồ sơ tăng 28%. Trường ĐH Harvard chứng kiến mức tăng đột biến 42%.

Các trường đại học khai phóng ("liberal arts", LAC) quy mô nhỏ nhưng thứ hạng cao cũng có lợi thế tuyển sinh trong mùa năm nay. Ví dụ, số lượng đơn đăng ký vào trường Swarthmore (#3 LAC) và Haverford (#15 LAC) lần lượt tăng 12% và 16%. Trong khi đó, ở Đại học Colgate (#20 LAC), số hồ sơ ứng tuyển tăng 103%.

Trái ngược lại đà tăng trưởng hồ sơ ở các đại học top đầu, nhóm các trường có mức độ cạnh tranh kém hơn, cả trường công và tư, đã chứng kiến sự sụt giảm hồ sơ ứng tuyển đáng kể.

Số hồ sơ ứng tuyển giảm 14% tại nhóm trường Đại học của bang New York, hệ thống trường ĐH công lập lớn nhất nước Mỹ. Với trường Portland State ở Oregon (#284 National University), các đơn đăng ký của sinh viên năm nhất giảm 12% và sinh viên chuyển tiếp giảm 28%.

Đại học Loyola Maryland, một trường tư ở Baltimore và đứng thứ 4 nhóm trường vùng phía Bắc, có tổng số đơn đăng ký giảm 12%, ngay cả sau khi đã gia hạn thời gian nộp hồ sơ thêm hai tuần.

Dữ liệu của Common App không bao gồm các trường Cao đẳng Cộng đồng (Community college), vì các trường này thường nhận hầu hết học sinh ứng tuyển chứ không có tiêu chuẩn tuyển sinh cao như hệ thống đại học 4 năm.

Tuy nhiên, lượng hồ sơ nộp vào nhóm trường Cao đẳng cộng đồng cũng có sự sụt giảm nghiêm trọng. Vào kỳ học mùa thu năm 2020, số sinh viên nhập học năm thứ nhất giảm hơn 20%.

Khoảng 1.700 trường không yêu cầu điểm SAT hoặc ACT trong mùa nộp hồ sơ năm vừa rồi. "Bình thường, để dự đoán khả năng đỗ vào 1 đại học nhất định, thí sinh thường so sánh điểm chuẩn hóa SAT/ACT và GPA (điểm trung bình môn) của mình với điểm chuẩn hóa và điểm trung bình môn của các thí sinh đã trúng tuyển vào một trường đại học" - bà Jenny Rickard, đại diện của Common App cho biết.

"Việc không bắt buộc điểm chuẩn hóa đã khiến cho thí sinh khó đánh giá được khả năng được nhận của mình và khiến thí sinh cho rằng với điểm GPA cao hay nhiều hoạt động ngoại khóa tốt, biết đâu mình có cơ hội ở những trường Đại học cạnh tranh hơn. Điều này phần nào khiến nhiều thí sinh quyết định nộp hồ sơ vào các Đại học top cao để thử vận may."

Vì sao lượng hồ sơ vào đại học top đầu Mỹ tăng kỷ lục bất chấp đại dịch? - 2

Số lượng ứng viên nộp vào Đại học Colgate ở Hamilton tăng gấp đôi mùa dịch.

Bà Trần Phương Hoa, chuyên gia có thâm niên hơn 10 năm trong lĩnh vực tư vấn du học Mỹ tại Việt Nam, thành viên Hiệp hội tư vấn Quốc tế, cho biết: "Nhiều phụ huynh châu Á hay Việt Nam cho rằng đại dịch khiến nhu cầu du học Mỹ giảm và khiến đầu vào các trường dễ hơn.

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, do nhu cầu nộp hồ sơ vào các trường top tăng đột biến, việc được nhận vào các Đại học top đầu Mỹ năm nay lại khó lên".

Bà Hoa cũng lưu ý rằng, với mùa nộp hồ sơ vừa rồi, hầu hết các trường Đại học để yêu cầu điểm SAT/ACT là test-optional, không bắt buộc, nghĩa là học sinh có thể lựa chọn gửi điểm SAT/ACT của mình cho trường nếu thấy điểm cạnh tranh, hoặc không gửi nếu không kịp thi hoặc điểm không đủ cao.

Chính sách "test optional" này khác với "test-blind", tức là hoàn toàn không xét điểm SAT/ACT, là chính sách chỉ đếm trên đầu ngón tay các trường lựa chọn. Vì vậy, với các sinh viên Việt Nam và học sinh quốc tế, việc có thi và nộp được điểm số chuẩn hóa cao vẫn có lợi.

Vì lý do này, học sinh vẫn nên ôn luyện sớm ngay từ lớp 10 & lớp 11 và đăng ký thi sớm nhất có thể để tránh hết chỗ, hủy thi do dịch bệnh.

Vì sao lượng hồ sơ vào đại học top đầu Mỹ tăng kỷ lục bất chấp đại dịch? - 3

Bà Trần Phương Hoa, chuyên gia có thâm niên hơn 10 năm trong lĩnh vực tư vấn du học Mỹ tại Việt Nam, thành viên Hiệp hội tư vấn Quốc tế.

Học sinh cũng cần chú ý, với thí sinh Việt Nam học theo hệ của bộ đào tạo Việt Nam, các trường Đại học sẽ quan tâm đến SATI/ACT và khả năng tiếng Anh (thể hiện qua điểm IELTS/TOEFL, Duolingo), chứ không phải là SAT II hay AP.

Bà Hoa cũng cho biết, xu hướng tuyển sinh năm vừa qua cũng cho thấy các trường top ngày càng coi trọng việc học sinh có điểm trung bình môn lớp 9-10-11-12 cao, ổn định hay có xu hướng đi lên, có các giải thưởng, hoạt động ngoại khóa tốt, hồ sơ độc đáo, thú vị.

Ngoài ra, để đảm bảo ứng viên có thực lực, toàn diện và có khả năng giao tiếp tốt, ngày càng nhiều trường đại học cạnh tranh tiến hành phỏng vấn các thí sinh đến từ Việt Nam.