Những người trẻ áp dụng khoa học để làm thay đổi thế giới

(Dân trí) - Họ là một trong số những người rất trẻ nhưng mang trong mình khát vọng góp phần làm cho thế giới dần trở nên tốt đẹp hơn nhờ khoa học.

Cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Khoa học trẻ Regeneron 2020, một sân chơi khoa học uy tín và lớn nhất dành riêng cho học sinh phổ thông trung học toàn nước Mỹ, đã tìm ra được 10 gương mặt trẻ tài năng xuất sắc nhất năm 2020 trong số hơn 2.000 ứng viên tham gia.

Giải thưởng với tổng trị giá lên đến 1.8 triệu USD (tương đương 42 tỷ đồng) đã được trao tặng để giúp các em thực hiện những dự án góp phần giải quyết các vấn đề và thách thức toàn cầu mà con người đang phải đối mặt hiện nay.

Cùng tìm hiểu 3 gương mặt nổi bặt trong top 10 để được truyền cảm hứng cũng như tìm hiểu xem họ sẽ làm gì với phần thưởng lớn và ý nghĩa này.

Những người trẻ áp dụng khoa học để làm thay đổi thế giới - 1
Ba gương mặt trẻ đạt giải thưởng cao nhất cho cuộc thi năm 2020

Cô gái với “sứ mệnh” xóa nạn đói ở châu Phi

Lillian Kay Patterson, cô gái 17 tuổi đến từ tiểu bang New Mexico, đã xuất sắc đứng lên bục danh dự cao nhất để giành giải Nhất cho cuộc thi khoa học danh giá và lâu đời này với giải thưởng trị giá 250.000 USD (gần 6 tỷ đồng).

Lillian được vinh danh với việc sáng tạo ra một công cụ đơn giản có khả năng dự đoán sớm và chính xác thời gian thu hoạch nông sản, từ đó giúp người nông dân chủ động lên kế hoạch tìm đầu ra, phân phối nông sản.

Nhờ mô hình này, người nông dân có thể biết một cách chính xác họ cần phải làm gì ngay từ 3 đến 4 tháng trước khi đến mùa thu hoạch bằng phương pháp phân tích ảnh vệ tinh.

Phương pháp này được đánh giá là có thể tạo ra được một hệ thống phân phối lương thực hiệu quả và kịp thời góp phần làm giảm tình trạng thiếu đói cũng như giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực đang xảy ra trên toàn cầu, nhất là ở các nước nghèo, kém phát triển.

Những người trẻ áp dụng khoa học để làm thay đổi thế giới - 2
Lillian nuôi dưỡng ý tưởng giúp đỡ người nghèo ngay từ khi còn nhỏ

Các đây 9 năm, gia đình Lillian có nhận nuôi 3 trẻ mồ côi người Ethiopia nhập cư vào Mỹ. Những đứa trẻ đáng thương này đều là nạn nhân của nạn đói ngay từ khi còn thơ ấu, và vì vậy, đều bị suy dinh dưỡng nặng cùng đủ thứ bệnh tật.

Khi tìm hiểu thì Lillian còn biết thêm rằng, hạn hán và lạc hậu đã khiến 18 triệu người dân ở quốc gia châu Phi này chìm trong nạn đói triền miên.

Điều đó đã thôi thúc cô bé nghiên cứu sâu về vấn đề phát triển ở châu Phi qua các bài luận trên lớp và các hoạt động thiện nguyện do các tổ chức cộng đồng phát động.

Với phát minh đạt giải cao nhất của mình, ít ai biết là ngay từ những ngày đầu thực hiện ý tưởng, cô bé 17 tuổi này đã làm thí nghiệm bằng cách hàng ngày ghi chép và phân tích ảnh chụp từ vệ tinh ngay trong vườn rau nhỏ sau nhà mình.

Để rồi sau đó, cô đã mang phương pháp này đi thực nghiệm trên cánh đồng của nhiều quốc gia khác nhau trên khắp châu Phi. Có công mài sắt, có ngày nên kim... giờ đây sáng kiến của cô đã và đang giúp hàng triệu phụ nữ và trẻ em ở các nước nghèo thoát khỏi nạn đói và có cơ hội để vươn lên trong cuộc sống.

“Em muốn gửi lời khuyên cho các bạn trẻ là, hãy biết tò mò và đam mê và không ngừng theo đuổi mục tiêu. Đó chính là những cánh cửa giúp thế hệ trẻ bước chân vào thế giới kì diệu của khoa học, và từ đó góp phần làm thay đổi thế giới trở nên tốt đẹp hơn”, Lillian chia sẻ trong buổi lễ trao giải.

Chàng trai với ước mơ biến máy tính thành những thiết bị có cảm xúc

Giải Nhì trị giá 175.000 USD (tương đương 4 tỷ đồng) đã được trao cho Jagdeep Bhatia, chàng trai 18 tuổi đến từ New Jersey với việc phát minh ra chuỗi thuật toán giúp máy tính học và phân tích dữ liệu một cách hiệu quả, chính xác, với tốc độ nhanh hơn các thuật toán hiện tại. Phát minh này sẽ giúp cho việc huấn luyện robot và các thiết bị tự động khác trở nên nhanh và dễ dàng hơn.

Khi còn là một cậu nhóc, Jagdeep từng nghĩ rằng, khoa học máy tính chỉ đơn giản là công việc lập trình tẻ nhạt và đơn điệu. Thế nhưng, càng đào sâu tìm hiểu, cậu càng phát hiện ra cả một bầu trời những điều thú vị, từ khía cạnh toán học, lý thuyết hóa, cho đến khoa học máy tính - một ngành khoa học tối cần thiết cho sự phát triển của con người trong thế giới hiện đại.

Hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) do Jagdeep tạo ra có thể giúp ích rất nhiều cho các doanh nghiệp và cá nhân ứng dụng vào công việc hàng ngày như: huấn luyện robot, lập trình các hệ thống tự động hóa hoá cho dây chuyền sản xuất, hay thậm chí đơn giản và thiết thực hơn cả, là thiết lập các “chatbot” (một phần mềm máy tính giúp tương tác, nói chuyện với từng khách hàng một cách tự động, 24/7) thường được ứng dụng trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng). Thế nhưng, Jagdeep còn muốn hơn thế nữa.

Cậu đang tìm cách cải thiện thuật toán để trí tuệ nhân tạo không chỉ sử dụng như những cổ máy tự động vô cảm, mà phải là những “con người” có cảm xúc, thấu hiểu con người, và đặc biệt là không phân biệt đối xử.

Những người trẻ áp dụng khoa học để làm thay đổi thế giới - 3
Trong tương lai gần, những chiếc điện thoại thông minh có thể đọc hiểu được suy nghĩ của bạn nhờ phát minh của chàng trai này

“Đừng e ngại đặt câu hỏi ‘Tại sao’ với bất cứ vấn đề gì trong cuộc sống hàng ngày. Và cũng đừng sợ ai đó cười chê khi đặt câu hỏi. Không có câu hỏi nào là ngốc nghếch hay buồn cười cả. Chỉ có ngốc nghếch mới không chịu đặt câu hỏi mà thôi”, Jagdeep chia sẻ bí quyết thành công của mình.

“Chàng trai môi trường” với ý tưởng trị giá hàng tỷ USD

Ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm ni-tơ (NOx), là một trong những vấn nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất trên toàn cầu hiện nay bởi nó chính là nguyên nhân gây nên những cơn mưa axit cũng như gây hại đến mùa màng và chăn nuôi.

Các công trình kiên cố như cao ốc, cầu cống, kênh mương bê tông hóa,... cũng bị thoái hóa và xuống cấp nhanh chóng do loại ô nhiễm này.

Và ít ai ngờ rằng, cậu nhóc ham mê lập trình Brendan Cotty đến từ thành phố Oklahoma lại chính là người phát minh ra giải pháp để giải quyết vấn đề môi trường này, đồng thời mang lại cho cậu giải Ba với phần thưởng trị giá 150.000 USD (tương đương 3,5 tỷ đồng)

Chàng trai trẻ 18 tuổi này chưa từng bước chân đến trường học nào. Cậu chỉ theo đuổi các chương trình học tại nhà (home-school system) với sự hỗ trợ của bố mẹ và các bài giảng trực tuyến qua mạng internet.

Hệ thống đốt NOx nhiệt độ cao do cậu phát minh có thể làm giảm đến 19% lượng khí điôxít nitơ độc hại đang hứa hẹn được áp dụng vào ngành công nghiệp sản xuất năng lượng và chế biến vật liệu nhằm hướng tới một giải pháp “sạch” không gây ô nhiễm trong quá trình xử lý và sản xuất các sản phẩm phục vụ đời sống con người.

Những người trẻ áp dụng khoa học để làm thay đổi thế giới - 4
Chàng trai này là tấm gương của sự kiên trì và khả năng tự học hỏi

“Những sinh viên trẻ này chính là ‘kho báu’ giá trị nhất cho tương lai của chúng ta. Đại dịch quy mô toàn cầu Covid-19 mà loài người đang chứng kiến chính là lời khẳng định rõ ràng nhất cho tầm quan trọng của khoa học đối với cuộc sống của con người.

Chúng ta cùng tin tưởng rằng, những ý tưởng sáng tạo này chính là những ngọn lửa làm thổi bùng lên khát khao nghiên cứu khoa học của thế hệ trẻ để góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách mà loài người đang phải đối mặt hiện nay và cả trong tương lai”, bà Maya Ajmera, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Khoa học và Công chúng phát biểu.

Những người trẻ áp dụng khoa học để làm thay đổi thế giới - 5

“Regeneron Science Talent 2020” là cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ trong linh vực khoa học uy tín nhất nước Mỹ.

Nguyễn Thuận