“Nhà báo tương lai” và chuyện “tác nghiệp” ở nước ngoài

(Dân trí) - Có thể học báo, có thể không, nhưng họ là những cộng tác viên tích cực của các cơ quan báo chí, và ở nơi cách xa tòa soạn, đài truyền hình đến hàng nghìn cây số.

Mỹ Nga -   Đại học Tổng hợp Voronezh, LB Nga:

 

Với mình, một sinh viên báo chí, thì nghề báo – 1 nghề điển hình cho “chủ nghĩa xê dịch”. Chúng ta không thể ngồi một chỗ mà nghĩ ra sự kiện, và tạo ra các nhân vật. Người viết báo, làm báo phải đi, phải lăn lộn đến tận nơi để tìm cho mình những tình tiết mới. Có như thế mới truyền tải được đến người đọc những thông tin đặc sắc. Nhưng ở nước ngoài, là một sinh viên học ngành báo, nhiều khi mình thấy gặp khá nhiều khó khăn trong việc tìm tin. Bởi vì việc đi lại gặp rất nhiều hạn chế, chứ không phải đi tự do, không lo lắng như khi ở Việt Nam.

 

Thường thì khi học xong một thể loại của báo, giảng viên thường xuyên yêu cầu sinh viên về tìm đề tài và viết đúng thể loại. Chính vì gặp khó khăn trong việc “xê dịch” nên hầu như các đề tài viết ra chỉ xoay quanh cuộc sống ký túc xá. Thành ra nhiều khi cũng cảm thấy ngòi bút quá nhàm chán.

 

“Với mình, làm báo ở nước ngoài là những trải nghiệm thật khó quên”.
“Với mình, làm báo ở nước ngoài là những trải nghiệm thật khó quên”.



Để nghĩ và truyền đạt lại ý tưởng của mình khi viết bằng tiếng mẹ đẻ đã khó. Cho nên ngôn ngữ là rào cản thứ hai khi chúng mình viết báo cộng tác với sinh viên nước ngoài. Đôi lúc thấy bất lực lắm, vì viết bài không nên.

 

Chính trong cái lúc đấy, thì chính SV365Irk đã kéo mình ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Dù chỉ là một kênh truyền hình của sinh viên du học tại Liên bang Nga, nhưng với mình, cộng tác với SV365Irk là  kỷ niệm tuyệt vời trong những năm tháng mình học ngành báo tại Nga. Từ những mô hình làm báo như thế đã truyền cho mình không chỉ nhiệt huyết, lòng yêu nghề, niềm tin, mà còn những kỹ thuật, kinh nghiệm làm báo hình. Đấy là những kiến thức quý giá, mà mình tự học, tự khám phá, bởi khó mà tìm thấy nó nếu chỉ học trong những bài giảng.

 

Kỷ niệm Ngày báo chí  Việt Nam, là một sinh viên ngành báo, mình cũng cảm thấy tự hào, hãnh diện. Tuy chưa trở thành nhà báo chính thức, nhưng được nhận quà và những lời chúc mừng của người thân, bạn bè xung quanh, nên hạnh phúc lắm. Ước mơ trở thành một biên tập viên giỏi luôn là một ngọn lửa thôi thúc mình rèn luyện, phấn đấu,tích cực tham gia hoạt động từ những việc nhỏ nhất. Và nhân ngày nhà báo Việt Nam, xin chúc những người làm báo có sức khỏe, sức trẻ để cống hiến nhiều hơn nữa cho ngành báo Việt Nam.

 

Trung Kiên – Đại học Khoa học ứng dụng Leipzig, CHLB Đức:

 

Trong suốt thời gian gần hai năm cộng tác với báo điện tử Dân Trí, chuyên mục Du học, mình cũng đã gặp không ít khó khăn nhưng có lẽ thuận lợi vẫn nhiều hơn (cười).

Khi được giao nhiệm vụ chụp ảnh, quay phóng sự ghi lại hình ảnh chuẩn bị đón giao thừa náo nhiệt ở cổng thành Berlin, yêu cầu tin tức và hình ảnh phải được cập nhật liên tục từ hiện trường, mình đã phải làm việc liên tục từ sáng đến tối để đảm bảo hình ảnh mới nhất luôn được gửi về cho ban biên tập. Khi màn bắn pháo hoa diễn ra cũng là lúc mình phải tìm được 1 vị trí tốt nhất để có thể quay lại những thước phim sống động nhất về khoảnh khắc đón giao thừa của người dân TP Berlin, CHLB Đức.

 

“Với mình, làm báo ở nước ngoài là những trải nghiệm thật khó quên”.
Với chiếc máy ảnh và sự hỗ trợ của bạn bè, du học sinh Việt cũng đã làm nên những “sản phẩm báo chí” được đón nhận



Khi rời khỏi quảng trường và về nhà đã là 5h sáng ở Đức (tức là khoảng 11h trưa ở Việt Nam), dù rất mệt nhưng vẫn phải cố gắng biên tập xong video, upload và gửi về Việt Nam mới đi ngủ được. Đó là một trong số những khó khăn mà mình gặp phải khi “tác nghiệp” trong những sự kiện lớn như đón mừng năm mới.

 

Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của những người bạn thân thiết, việc “tác nghiệp” của mình trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Mỗi video clip, mỗi bài phỏng vấn của mình đều được những người bạn thân thiết hỗ trợ nhiệt tình, dù phải dậy từ sáng sớm và đi xa để thực hiện phóng sự. Nhờ đó, mỗi bài viết, phóng sự của mình đều hoàn thành đúng thời hạn và gửi kịp cho ban biên tập để cập nhật tin tức, hình ảnh mới nhất từ nước Đức xa xôi tới độc giả yêu quý.

 

Có thể nói, mỗi lần tác nghiệp đều có những kỷ niệm vui buồn khác nhau. Mình nhớ có lần được yêu cầu quay phóng sự không khí Tết ở chợ người Việt tại thành phố Leipzig và phải gửi bài ngay trong ngày sau đó, mình và một chị bạn (là nữ MC thường giúp đỡ mình trong các phóng sự ) đã phải nghỉ học sáng hôm đó và đến chợ thật sớm dưới tiết trời lạnh giá để ghi hình.

 

Khi đến nơi thì hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa, hỏi ra mới biết là các ngày đầu tuần thường không đông khách nên các cửa hàng đóng cửa để dành thời gian tranh thủ làm việc khác, còn không khí tết với  hoa mai hoa đào thì… một tuần nữa mới có. Lúc đó rất hụt hẫng và lo lắng vì không hoàn thành được công việc, sau khi gọi về Việt Nam thông báo tính hình và được phép hoãn lại phóng sự, hai chị em đã vào ngay một quán ăn Việt Nam ở khu chợ và động viên mình bằng những món ăn truyền thống nóng hổi, sau đó trở về tiếp tục tiết học đang bỏ dở.

 

Tuy là một sinh viên Kinh tế, nhưng báo chí cũng là một niềm đam mê của mình. Thời gian qua, báo chí nước nhà phát triển ngày càng mạnh mẽ và mang đến cho bạn đọc những tin tức cập nhật liên tục và nóng hổi, những bài viết, phóng sự, những bài phê bình chất lượng của những nhà báo giỏi.

 

Nhân ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21 tháng 6, mình xin chúc cho ngành báo chí nước nhà ngày càng phát triển và có nhiều nhà báo giỏi, có mạng lưới CTV rộng khắp để mang lại những tin tức cập nhật nhất cho bạn đọc trong và ngoài nước. Chúc các anh chị em nhà báo, cộng tác viên của báo chí Việt Nam trong nước và khắp mọi nơi trên thế giới sức khoẻ và nhiều thành công trong sự nghiệp báo chí của mình.

 

Cùng với dòng chảy sôi động của báo chí nước nhà, vẫn có hàng ngàn “nhà báo không chuyên”, những cộng tác viên trên toàn thế giới, trong đó không thể không kể đến những bạn du học sinh Việt đầy nhiệt thành đang ngày ngày làm phong phú them cho thực đơn thông tin của bạn đọc. Họ xứng đáng được nhớ đến trong ngày hội của những người làm báo Việt Nam – 21/6.

 

Bài: Hải Nam

Ảnh: Nhân vật cung cấp