Không đoàn tụ gia đình ngày Tết, các DHS xa nhà nhớ gì nhất?

(Dân trí) - Đa phần các du học sinh vì lí do học tập, công việc thường không thể sum vầy đón Tết cùng gia đình. Tết Bính thân đến, ở một nơi xa nào đó, họ bộc bạch những nỗi nhớ rất thực không khí, phong vị của những mùa Tết đoàn tụ năm nao...

Ai quên được không khí “rất Tết”

Không đoàn tụ gia đình ngày Tết, các DHS xa nhà nhớ gì nhất? - 1

Phan Đức Huy, nghiên cứu sinh tiến sĩ Viện công nghệ số 1 thế giới - Massachusetts Institute of Technology (MIT), Mỹ trải lòng: “Nhớ nhất là không khí đầm ấm bên gia đình, cả nhà tất bật sửa soạn đón tết, chuẩn bị bánh mứt, dọn dẹp nhà cửa.

Tâm lý mọi người cũng thoải mái, vui tươi hơn hẳn, mọi ưu tư phiền muộn tạm thời gác qua một bên. Thích cái khí trời mát mẻ, đường phố vắng hơn hẳn, tha hồ vi vu…

Nhớ đêm giao thừa ngồi coi gặp nhau cuối năm, chờ pháo hoa và cả nhà chúc nhau một năm mới khỏe mạnh, thành công. Nói chung mình thích nhất là mọi người ai cũng có không khí "rất Tết". Chả bù như bên này, nếu không phải Việt Nam thì chẳng ai quan tâm”.

Nhớ làn khói mờ ảo từ nồi bánh chưng bà nấu

Không đoàn tụ gia đình ngày Tết, các DHS xa nhà nhớ gì nhất? - 2

Trịnh Thị Hoài, sinh viên trường tiếng Human academy Japanese language, Tokyo, Nhật Bản lại đón một cái Tết xa quê nữa. Cô miên man nỗi nhớ: “Tôi thấy nhớ khoảnh khắc Giao thừa, cùng gia đình quây quần trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp ấm áp.

Bữa tiệc đầu năm mới nghe tiếng pháo bông rộn ràng, ngắm ánh sáng lấp lánh từ những cây đào cây quất khiến tôi cảm thấy háo hức hơn bao giờ hết. Bây giờ học xa nhà, có lẽ năm sau mới có dịp sum vầy bên gia đình.

Tuy Nhật là một đát nước hiện đại đẹp đến lộng lẫy nhưng có lẽ cái bếp với làn khói mờ ảo từ nồi bánh chưng bà nấu sẽ gắn liền tâm trí tôi mãi mãi không bao giờ quên”.

Thèm nhớ bát bún mắm dân dã, đậm đà vị quê

Không đoàn tụ gia đình ngày Tết, các DHS xa nhà nhớ gì nhất? - 3

Đó là chia sẻ của nữ du học sinh Nguyễn Minh Phương, sinh viên trường Đại học University of South Australia, Úc. Xa gia đình, Phương mới cảm nhận được hết ý nghĩa sum họp, đoàn tụ những ngày Xuân. Với Phương, gia đình và quê nhà vẫn luôn là nơi bình yên nhất.

Cô gái Đà Nẵng chia sẻ, tại Úc thì người miền Trung không nhiều, nên hầu như cả năm Phương không được ăn những món ăn.

“Tết thì tụi em đi xa về thích ăn mấy món dân dã, đặc trưng của quê hương Đà Nẵng như búm mắm, mì Quảng, bún chả cá, gỏi cá”.

Bên cạnh đó, ở Đà Nẵng dịp Tết mọi người không du lịch xa mà sẽ ở nhà, đi chúc Tết vòng quanh khắp xóm giềng nên khá là vui”, Phương nói.

Vơi nỗi nhớ bằng cách tạo “vị” Tết Việt ở xứ người

Không đoàn tụ gia đình ngày Tết, các DHS xa nhà nhớ gì nhất? - 4

Nguyễn Phan Bảo Thụy, chàng sinh viên trường Đại học Rennes I cho rằng, được đón Tết cổ truyền ở nơi đất khách quả là một niềm may mắn lớn của bản thân.

Với Thụy, Tết của du học sinh là dịp để mọi người cùng nhau gặp gỡ sau những ngày dài học hành vất vả và cũng là dịp nhắc nhở mỗi chúng ta nhớ về nguồn cội, để quảng bá nét văn hóa truyền thống nước mình tới bạn bè quốc tế.

“Trước Tết một tuần, công tác chuẩn bị đón Tết đã được các du học sinh Pháp chúng mình gấp rút hoàn thiện từ tập luyện những tiếc mục văn nghệ đặc sắc, gói bánh chưng, bánh tét với các anh chị Việt kiều, …

Tuổi trẻ Việt ở xứ người góp sức sức sẽ đủ xua tan nỗi buồn Tết xa nhà và tạo nên không khí Tết rất háo hức, khẩn trương, ấm áp không khác gì Việt Nam”, Bảo Thụy chia sẻ.

Không thể đón Tết cùng gia đình nhưng các bạn bè du học sinh, các anh chị Việt kiều tốt bụng đó chính là gia đình thứ hai, Thụy khẳng định.

Lệ Thu

Ảnh: NVCC