Hệ thống giáo dục Mỹ: 6.500 trường sau bậc trung học cạnh tranh để phát triển

(Dân trí) - Chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ Trần Đức Cảnh - Hội đồng Quốc gia Giáo dục & Phát triển nhân lực với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Mỹ đã phân tích một số điểm về mô hình quản lý giáo dục tại các ĐH, CĐ của Mỹ. Đây là thông tin hữu ích đối với các phụ huynh, học sinh có dự định chọn Mỹ làm điểm đến du học.

Mô hình giáo dục đa dạng

Chuyên gia Trần Đức Cảnh cho hay, hiện nay, hệ thống đào tạo sau bậc trung học ở ở Mỹ có khoảng 6.500 trường, trong đó có 1.100 trường đào tạo nghề chuyên môn được cấp chứng chỉ; 1.530 trường cao đẳng; 2.870 trường đại học. Cụ thể là:

Trường đạo tạo nghề sau bậc trung học: Thay vì chọn học cao đẳng hay đại học, học sinh tốt nghiệp trung học có thể học một nghề chuyên môn tại một trường nghề, thời gian học thường từ 6 tháng đến 2 năm và được cấp chứng chỉ sau tốt nghiệp.

Trường Cao đẳng: Mục tiêu chính của loại trường này là đào tạo các chương trình 2 năm ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Chương trình học cao đẳng chia thành 2 hệ. Một là đào tạo theo chương trình 2 năm đầu và liên thông lên đại học 4 năm. Hai là đào tạo sâu vào lĩnh vực chuyên môn, có khả năng đi làm ngay sau khi tốt nghiệp, nhưng nếu muốn liên thông lên đại học thì thường phải mất một năm.

Hệ thống giáo dục Mỹ: 6.500 trường sau bậc trung học cạnh tranh để phát triển - 1

Chuyên gia Trần Đức Cảnh nói về sự đa dạng trong mô hình giáo dục của Mỹ tại hội thảo “Sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh tự chủ giáo dục và Hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các thập niên đầu của thế kỷ 21” .

Trường Đại học: Cấu trúc đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trên tổng thể của nền kinh tế và xã hội, hay từng phân khúc ngành nghề chuyên môn. Đại học được chia thành các loại gồm:

Đại học thiên về nghiên cứu: Khoảng 300 ĐH thiên về các loại nghiên cứu, đứng đầu là Havard, MIT, Stanford,... đào tạo trình độ cử nhân lên đến tiến sĩ, quy mô đào tạo thường khoảng từ 10.000 đến 30.000 sinh viên, ngoại trừ một số viện nghiên cứu quy mô nhỏ như Caltech.

Đại học khai phóng (Liberal Arts): Khoảng 650 ĐH theo loại này, hầu hết chỉ đào tạo bậc cử nhân. Chương trình giảng dạy chú trọng phần đại cương, tư duy, kiến thức nền về khoa học tự nhiên, xã hội, nhân văn, ... và chuyên ngành rộng. Thường quy mô đào tạo chỉ nằm trong khoảng 2.000 đến 3.500 sinh viên. Phần lớn các trường này là chuẩn bị cho sinh viên học lên cao hơn sau khi tốt nghiệp.

Đại học vùng: Khoảng 1.200 đại học tập trung đào tạo các ngành nghề chuyên môn ở cấp đại học, có khả năng đáp ứng nhu cầu công việc mà thị trường cần. Quy mô đào tạo ở các trường này trong khoảng từ 3.500 đến 25.000 sinh viên.

Đại học chuyên ngành ứng dụng: Loại trường đào tạo theo các chuyên ngành ứng dụng, có khả năng làm việc sau khi tốt nghiệp, đáp ứng nhu cầu công việc tại khu vực. Thường số sinh viên ở các trường này không quá 5.000 sinh viên.

“Hệ thống các trường đào tạo sau trung học ở Hoa Kỳ được phân làm các loại như vậy cho thấy đặc điểm chung của đại học Hoa Kỳ có tính linh động, sáng tạo, đa dạng và thực tiễn, bao gồm cả hệ liên thông, học bán thời gian (part time), ngoài giờ trực tuyến (online)... nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng yêu cầu của thị trường”, ông Cảnh nhấn mạnh về tính đa dạng, linh động của hệ thống giáo dục Mỹ.

Cạnh tranh theo cơ chế thị trường

Giáo dục đại học Mỹ xem là dịch vụ công nhưng không thể thoát ra khỏi sự vận hành và tác động của thị trường. Thương hiệu, uy tín, chất lượng ảnh hưởng trực tiếp đến việc tuyển sinh và hoạt động tài chính của trường.

Các trường đại học cũng phải cạnh tranh đầu vào chất lượng đào tạo tốt, gắn liền với nhu cầu thực tiễn ngành nghề thị trường cần. Nếu không thì uy tín của đại học sẽ giảm, không có người học dẫn đến buộc phải cắt giảm.

Đại học Harvard chỉ nhận 5% số đơn nộp, cũng có trường nhận 80%, có trường không đủ số sinh viên học, hay trường... buộc phải đóng cửa.

Do đó, các đại học Mỹ dù là công hay tư cũng luôn năng động sáng tạo, chủ động có chiến lược và kế hoạch phát triển cũng như giữ/ tìm lợi thế cạnh tranh cho riêng mình. Ngay cả các đại học công, tuy có nguồn hỗ trợ cũng phải tự thân vận động, xây dựng nguồn tài chính khác để phát triển.

“Nhìn chung, cạnh tranh nguồn nhân lực theo sự vận hành của cơ chế thị trường buộc các bên phải làm tốt nếu muốn tồn tại. Giáo dục đại học Mỹ cũng không ngoại lệ”, ông Cảnh nhấn mạnh.

Lệ Thu