Hành trình vào Ivy League: Sai lầm của học sinh Việt và cách tiếp cận đúng

(Dân trí) - Hội đồng tuyển sinh một trường Ivy League từng cho hay, một năm họ cũng nhận được vài chục bộ hồ sơ ứng tuyển của sinh viên Việt Nam, tuy nhiên hầu hết các em chưa đạt được những gì họ kỳ vọng.

Thạc sĩ Đào Thu Hiền kể: “Năm 2013 tôi về nước, với tư cách một cựu du học sinh Harvard tôi có phối hợp với một bạn khác để mở ra câu lạc bộ sinh viên Harvard tại Việt Nam. Yêu cầu đặt ra là phải có tối thiểu 100 người từng học Harvard ký vào đơn muốn thành lập câu lạc bộ.

Chúng tôi đi gom khắp mọi nơi, tất cả các chương trình cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ… sau một thời gian rất lâu thì cũng đủ 100. Tôi nhận thấy, có rất ít sinh viên Việt học bậc cử nhân của Harvard (chưa đến 10 người). Đó là gồm những sinh viên Việt Nam đã đi học và một số sinh viên nước ngoài đã học rồi mà ở Việt Nam”.

Có thể có nhiều lý do tạo nên sự thiếu vắng của sinh viên Việt Nam ở các trường Ivy League. Như mọi người đã biết, trường Đại học Harvard bậc cử nhân là một trong những trường danh tiếng nhất ở Mỹ và cũng là một trường danh tiếng nhất trong hệ thống các trường ở Harvard.

Hành trình vào Ivy League: Sai lầm của học sinh Việt và cách tiếp cận đúng - 1
Đào Thu Hiền – nữ thạc sĩ Đại học Harvard và Đại học Columbia.

“Tôi biết các trường khác như Darmouth hoặc Cornell, Browm, Columbia gần đây đã nhận rất nhiều sinh viên Việt Nam nhưng Harvard vẫn còn rất ít. Và tôi cũng khá tò mò về điều này”, chuyên gia này đặt vấn đề.

Cách đây khoảng vài năm, chị Hiền có mang thắc mắc sang một trường Ivy League và đặt câu hỏi với hội đồng tuyển sinh rằng: Chúng tôi không đạt yêu cầu của các anh chị hay các em sinh viên Việt chưa dám nộp hồ sơ?

Họ nói rằng, một năm họ cũng nhận được 50-60 bộ hồ sơ của sinh viên Việt Nam ứng cử vào bậc cử nhân, tuy nhiên hầu hết các em chưa đạt được những gì họ kỳ vọng.

Vậy phải chăng cách tiếp cận vấn đề và cách chuẩn bị cho việc ứng tuyển vào đại học Ivy League của học sinh Việt chưa đúng?

Theo thạc sĩ Đào Thu Hiền, có một số sai lầm của học sinh Việt như sau.

Thứ nhất, các em đều tập trung vào học thật nhiều để có điểm thật cao. Theo truyền thống, không chỉ học sinh Việt mà một số nước khác cũng vậy… thường nghĩ rằng, đạt điểm thật cao sẽ tăng cơ hội được vào trường top của Mỹ (điều này đúng một phần bởi vì điểm số 1/3 của những gì hội đồng tuyển sinh cần – đây là phần cứng). Còn 2/3 còn lại, các em phải thể hiện sự phát triển cá nhân của em và tiềm năng của các em trong tương lai.

“Về học thuật, các em có học thật giỏi bây giờ thì nó chỉ thể hiện tiềm năng học thuật của em.

Chẳng hạn em nào đó vừa thi vào MIT đạt huy chương vàng quốc tế về thiên văn, nó một phần thể hiện em có sự xuất sắc về mặt học thuật nhưng mọi người cũng đều biết, khi một người có sự xuất sắc về học thuật nhưng không phát triển các khía cạnh khác trong con người họ để có thể trở thành con người toàn diện hơn thì họ không đi xa được nhiều lắm.

Vì thế, Mỹ mới dùng phương pháp holistic (nghĩa là toàn diện.) Tức là em học thật giỏi mà bỏ các phần khác đi thì em mới chỉ đạt 1/3 thôi thì chưa đủ”, nữ thạc sĩ chia sẻ.

Thứ hai, khi tiếp cận phần mềm, các học sinh cũng nhận ra mình phải năng nổ tham gia các hoạt động ngoài học thuật. Cuối cùng, các em đi xây dựng hồ sơ của mình, sau một thời gian dài viết thành 2-3 trang tất cả hoạt động ngoại khoá của các em: thi học sinh giỏi, thành lập hoạt động ngoại khoá, tham gia hoạt động thiện nguyện, đi dạy thêm và rất nhiều thứ… nó gần như một cái danh sách.

Khi ta tiếp cận hoạt động ngoại khoá như một bài thi, làm cho nó có đủ các thành phần có thể làm thì có nhiều em quên đi cái quan trọng rằng: em là gì, em là ai, mục tiêu em muốn đi về đâu? Và điều đó cũng không có lợi cho các em.

Ở Việt Nam cũng hiếm hoạt động ngoại khoá thế này cho nên khi các em làm lại giống nhau và hội đồng tuyển sinh khó tìm ra em là ai, em có gì đặc biệt.

Thứ ba, khi xây dựng hồ sơ vào đại học các em lại xây dựng giống những người các em từng được nhận. Ví dụ, năm ngoái có chị được nhận vào Stanford từng thi cuộc thi này thì ứng viên năm nay cũng muốn thi theo.

Từ năm 2000 trở về trước, rất ít học sinh Việt Nam nộp đơn vào trường top và thông tin du học Mỹ chưa nhiều như bây giờ. Mỗi khi tiếp nhận hồ sơ từ học sinh Việt thì các trường rất hào hứng muốn được nhận học sinh vào. Họ có quá nhiều học sinh Trung Quốc rồi nên muốn nhận học sinh Việt Nam…

Bởi vậy, dù thời điểm đó, hồ sơ của học sinh từ Việt Nam gửi sang có thể còn rất đơn giản, nhưng những gương mặt tiềm năng vẫn có cơ hội được nhận vào.

Còn trong thời buổi ngày ngay, các em đi ra nước ngoài du học nhiều hơn rồi. Các em học ở Việt Nam cũng tiếp cận với trường quốc tế, thông tin du học rất đầy đủ cho nên các em bây giờ đang cạnh tranh ở khía cạnh toàn cầu.

“Tức là các em đang đi thi vòng loại World Cup chứ không phải đá ở quê nhà với đội tuyển ở miền nam hay miền trung nữa. Vậy các em phải tiếp cận rất khác, phải so sánh mình với những người ngoài biên giới của mình và đó là một thực tế đối với học sinh ngày nay.

Cá nhân tôi cũng cảm thông với các em nhiều vì thời tôi đi học dễ hơn và tôi rất may mắn có điều đó còn bây giờ cạnh tranh hơn rất nhiều, nhưng đổi lại các em có nhiều nguồn lực và có nhiều người đi trước có thể chia sẻ và bố mẹ sẵn sàng đầu tư thời gian tâm huyết để cho con cơ hội du học tốt nhất”, chị Đào Thu Hiền nhấn mạnh.

Chuyên gia này lưu ý các bậc phụ huynh, từ lớp 7 bố mẹ thầy cô đã phải làm việc để phát hiện ra một đứa trẻ thế nào và định hướng cho các em.

Từ lúc đầu phải phân tích để xem điểm mạnh của các con là gì, thiên hướng ra sao, sở thích ra làm sao, phản ứng của các em thế nào với từng môi trường, từng người hỗ trợ các em.

Đó là một quá trình hỗ trợ và giúp các con rèn luyện những thói quen, tố chất để nó trở thành tự nhiên của chúng.

Lệ Thu