Hành trang du học châu Âu: Quan trọng hơn cả vẫn là ngôn ngữ và tâm lý

(Dân trí) - Trong “Ngày hội Giáo dục châu Âu” diễn ra tại Hà Nội mới đây, sinh viên Việt Nam đã có cơ hội tìm hiểu hệ thống giáo dục xuất sắc của châu Âu, văn hóa và truyền thống của châu lục này qua chia sẻ về kinh nghiệm thực tế từ các cựu sinh viên xuất sắc.

Theo thống kê của Cục Đào tạo nước ngoài về số lượng du học sinh Việt Nam đang học tập ở các nước năm 2017, trong tổng số hơn 70.000 sinh viên Việt Nam hiện đang du học nước ngoài, châu Âu là một trong những điểm đến có số lượng sinh viên Việt Nam lớn nhất với hơn 15.000 người hiện đang học tập.

Năm 2018, 33 sinh viên đã nhận được học bổng toàn phần từ Chương trình Erasmus để theo học Thạc sĩ ở châu Âu, tăng đáng kể so với số 25 sinh viên nhận học bổng năm 2017.

Ngoài ra, hàng trăm sinh viên khác đang theo học các khóa trao đổi tín chỉ (3 - 12 tháng) của chương trình trao đổi quốc tế hoặc làm nghiên cứu sinh tiến sĩ thông qua 51 dự án hợp tác đang diễn ra giữa các trường đại học châu Âu và Việt Nam.

Ngài Bruno Angelet – Trưởng Đại sứ đại diện Lãnh đạo của Phái đoàn Liên minh châu Âu phát biểu khai mạc “Ngày hội giáo dục châu Âu”.
Ngài Bruno Angelet – Trưởng Đại sứ đại diện Lãnh đạo của Phái đoàn Liên minh châu Âu phát biểu khai mạc “Ngày hội giáo dục châu Âu”.

Theo các đại diện từng có thời gian du học tại các nước châu Âu, trước tiên, mỗi sinh viên cần chủ động, tự lập trong mọi việc của bản thân.

Anh Đặng Hoàng Linh (hiện đang là Phó trưởng khoa quốc tế Học viện Ngoại giao) chia sẻ: “Khi ở nhà, hầu hết các bạn được chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ. Nhưng với môi trường hoàn toàn mới và cách xa gia đình, thậm chí hàng ngàn cây số thì việc các bạn tự lo được cho bản thân là điều cần thiết nhất.

Mới đi học, tôi cũng từng rất bỡ ngỡ và lạ lẫm với nhiều điều. Gặp vấn đề về rào cản ngôn ngữ, không chép kịp bài giảng trên lớp, tôi đã chủ động đưa ra lời đề nghị nhờ các bạn bản địa xung quanh giúp đỡ”.

Các cựu du học sinh cho biết, người châu Á du học thường có tâm lý ngại chơi với người châu Âu. Hơn nữa, người Việt thường tự ti về ngoại hình của mình, từ đó dẫn đến khép mình lại.

Nhưng kinh nghiệm để học tập tốt ở châu Âu chính là chơi với người phương Tây nhiều hơn, hòa nhập với cuộc sống của họ.

Các cựu sinh chia sẻ kinh nghiệm học tập tại châu Âu.
Các cựu sinh chia sẻ kinh nghiệm học tập tại châu Âu.

Chị Nguyễn Minh Châu (cựu sinh viên tại Bồ Đào Nha) nói: “Những cái gì bên ngoài bản thân, mình không thể điều khiển được nhưng những cái thuộc về chính mình thì mình có thể thay đổi được.

Quan trọng nhất là hãy tôn trọng chính bản thân bạn và hiểu rõ con người bạn thì người khác sẽ không thể coi thường bạn được”.

“Học tập ở châu Âu để có được sự tự tin và sự sáng tạo hơn. Sống trong môi trường đại học hiện đại để có cơ hội học tập tốt nhất với công nghệ tốt nhất trên thế giới, đồng thời bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm thiên nhiên tuyệt vời ở châu Âu, phong cảnh đa dạng, tham quan và văn hóa để có thêm kiến thức về lục địa văn minh nhất thế giới”, anh Đặng Hoàng Linh (Phó trưởng khoa quốc tế Học viện Ngoại giao) chia sẻ thêm.

Hành trang cần thiết khi du học châu Âu chính là ngôn ngữ. Có nhiều du học sinh chọn du học tại các nước không sử dụng tiếng Anh. Khó khăn nhất khi xa gia đình chính là giải quyết những nhu cầu cuộc sống. Ngôn ngữ sẽ giúp du học sinh khắc phục những trở ngại xung quanh mình.

Anh Đặng Minh Tuấn (cựu sinh Pháp) chia sẻ: “Nếu các bạn đi Pháp thì các bạn buộc phải học tiếng Pháp vì chương trình các bạn đăng ký có thể là chương trình học như người dân bản địa.

Khi mới đến Pháp, tiếng Pháp của tôi chỉ cơ bản. Thực sự nghe mọi người nói tôi không hiểu. Lúc ấy, tôi đã kết thân với một bạn người Pháp trong lớp và cùng nhau học tập. Sau 6 tháng, tiếng Pháp của tôi tiến bộ rõ rệt.”

Hồng Vân