Hai “người cha” đáng kính của DHS Việt tại Kanazawa

(Dân trí) - Có lẽ với bất cứ DHS Việt đã, đang học tập tại Kanazawa đều cảm thấy may mắn vì có hai người cha đáng kính giúp đỡ, dành nhiều tình cảm yêu mến cho họ từ ngày đầu còn chân ướt chân ráo đến Nhật hay khi đã thông thuộc mọi ngõ ngách của thành phố này.

Chúng tôi đang nói đến hai người Nhật đã dành rất nhiều tình cảm đặc biệt cho người Việt Nam nói chung và lưu học sinh Việt Nam ở Kanazawa.

Một người chúng tôi trìu mến gọi tên thân thuộc là Cụ Otousan (theo tiếng Nhật có nghĩa là Bố). Tên thật của Cụ là Abe Yukio (sinh ra tại Hokkaido nhưng gắn bó với Kanazawa đã hơn 70 năm). Và người thứ hai là Bác Mi (tên thật là Michigami Tetsuo, quê tại tỉnh Ishikawa). Điều thật đặc biệt là bác Mi có thể nói được khá nhiều tiếng Việt ( kể cả tiếng lóng) và Bác chơi được đàn bầu.

Cả hai người cha đáng kính của chúng tôi đều giúp từ tâm mà không mong nhận lại điều gì.

Chúng tôi luôn trân quý và biết ơn những tình cảm nồng hậu mà hai người cha đã dành cho. Chúng tôi coi cụ Otousan và bác Mi như những người thân trong gia đình. Nơi đây đúng nghĩa là một gia đình thứ hai của chúng tôi trên đất nước mặt trời mọc.


Hai người cha Abe Yukio và Michigami Tetsuo của DHS Việt tại Kanazawa (Nhật Bản)

Hai "người cha" Abe Yukio và Michigami Tetsuo của DHS Việt tại Kanazawa (Nhật Bản)

Trong một ngày cuối năm 2015, chúng tôi đã ngồi tâm sự và hỏi han thật lâu hai Cụ về những điều mà thường ngày ít chia sẻ được.

Cơ duyên nào đưa Cụ Abe và bác Mi đến với Việt Nam, yêu mến con người Việt Nam đến thế?

Cụ Abe: “Khi tôi còn trẻ tôi đã biết đến Việt Nam qua phong trào phản đối chiến tranh đế quốc Mỹ xâm lược. Năm 1995, tôi bắt đầu tham gia chương trình hữu nghị của Hội Nhật – Việt với việc nhận hai người Việt Nam làm con nuôi.

Số tiền tôi hỗ trợ cho hai bạn đó là 1,1 man yên/ năm ( cấp tiểu học) và 1,6 man yên/ năm (bậc trung học). Cho đến nay cụ vẫn liên hệ với hai người con nuôi đó (một người học đến hết cấp 3 và 1 người học lên đến Đại học. Hiện họ sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh)”.

Chương trình nhận con nuôi của hội hữu nghị Nhật Việt là cầu nối đầu tiên trong mối liên hệ giữa Cụ và người Việt Nam.

Bác Mi: Tôi đến Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh) lần đầu tiên năm 1997 trong một chuyến du lịch nước ngoài. Tôi đã vô cùng bất ngờ với khung cảnh đường phố náo nhiệt, khác hẳn với sự yên ả ở thành phố nơi tôi sống. Chỉ tiếp xúc trong dịp ngắn ngủi nhưng tôi có cảm tình với người Việt Nam.

Sau đó quay lại Nhật Bản tôi đã mong muốn tìm lớp học Tiếng Việt. Tôi đã tìm được một lớp dạy tiếng do một du học sinh Việt Nam mở. Tuy nhiên vì lớp học 7-8 người nên tôi thấy hiệu quả chưa cao nên đã mời giáo viên dạy 1 kèm 1 trong vòng 3 năm. Mỗi tháng tôi gửi lệ phí học là 2 man yên ( số tiền này ở thời điểm đó là khá lớn).

Vì yêu thích tiếng Việt và con người Việt Nam nên tôi tận dụng thời gian, cơ hội tiếp xúc tối đa để học tiếng Việt. Ví dụ trên xe ô tô của tôi luôn có một cuốn sổ nhỏ ghi từ vựng. Cứ mỗi lần dừng đèn đỏ tôi lại ngó vào xem một vài từ. Hoặc khi gặp sinh viên Việt Nam tôi thích nói chuyện với họ bằng tiếng Việt.

Cảm nhận về con người Việt Nam nói chung và sinh viên Việt Nam nói riêng mà Cụ Abe và bác Mi đã được tiếp xúc?

Bác Mi: Tôi thấy phần đông người Việt Nam có đức tính cần cù, chăm chỉ. Tôi thích cách người Việt dành tình cảm cho gia đình mình, người thân trong gia đình. Ví dụ như người Việt ngồi quây quần ăn chung, chấm chung bát nước mắm, xem ti vi chung. Người Nhật nay xã hội phát triển nên mỗi người có một không gian riêng, ít thời gian quây quần bên nhau hơn.

Cụ Abe: Người Việt có nhiều điểm giống người Nhật là điềm tĩnh, không dễ nổi nóng, nhẫn nại.

Điều gì khiến Cụ Abe và bác Mi dành nhiều tình cảm cho sinh viên Việt Nam tại Kanazawa đến thế?

Bác Mi: Tôi vô cùng cảm động vì các bạn lưu học sinh khi sang học tại Kanazawa luôn có những món quà nhỏ dành tặng cho tôi. Nhà tôi vẫn hay nấu các món Việt như bún, phở do các bạn lưu học sinh tặng. Đặc biệt là những dịp lễ như sinh nhật hay ngày của Cha, tôi nhận được nhiều lời chúc mừng từ các bạn. Tôi cảm thấy xúc động vô cùng.

Cụ Abe: Tôi có rất nhiều “Con”. Đó là niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có được. Có lẽ đối với mỗi lưu học sinh Việt Nam tại Kanazawa và gia đình họ sẽ không thể quên được những sự giúp đỡ từ những vật dụng nhỏ bé mà hai Người thu nhận, xin lại từ người Nhật khác để cho sinh viên Việt Nam. Hay khi đi làm thủ tục giấy tờ, ốm đau, xin học cho con đều được cụ tư vấn, giúp đỡ hết khả năng của mình.

Xin cám ơn cụ Abe và bác Mi về cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa này.

Thu Vân

Hội Sinh Viên Việt Nam tại Đại học Kanazawa - Nhật Bản