Cuộc sống du học thú vị qua chia sẻ của Đại sứ sinh viên Việt tại Brisbane

(Dân trí) - Lê Quang Minh, chàng trai 9X Việt đảm nhận vị trí Đại sứ sinh viên thành phố Brisbane chia sẻ những trải nghiệm du học nhiều màu sắc và bí quyết hoà nhập, phát huy khả năng tại môi trường quốc tế.

Đại sứ sinh viên Việt thànhh phố Brisbane - Lê Quang Minh

Sinh năm:1999

Tốt nghiệp trường THPT Chu Văn An, Hà Nội

Hiện là du học sinh năm cuối ngành Khoa học Thực Phẩm Trường Đại học Queensland (University of Queensland, viết tắt là UQ).

Thành tích cá nhân:

- Học bổng dành cho sinh viên Việt Nam có thành tích học tập xuất sắc tại đại học Queensland

- Học bổng Director’s Recommendation tại International House College

- Học bổng Chartwells Housie tại International House College

- Xuất hiện trong báo trường Đại học Queensland

- Giữ nhiều vị trí lãnh đạo trong các hội sinh viên và phòng ban của trường như Đại sứ khuyến học tại trường đại học Queensland

- Trưởng ban sự kiện văn hóa tại International House và Hội du học sinh Việt Nam tại UQ.

Sở thích: Thể thao nói chung (đặc biệt là bóng rổ), guitar, đi du lịch...

PV: Em vượt qua những thử thách nào để thực hiện ước mơ du học Úc?

Lê Quang Minh: Em bắt đầu nghĩ về việc du học cuối lớp 11. Để chọn được ngành nghề và địa điểm du học phù hợp nhất, em lên mạng đọc nhiều tin báo và hỏi kinh nghiệm của các anh chị đi trước qua các diễn đàn du học online/facebook hoặc người quen của mình.

Về hệ thống giáo dục, Úc có nhiều trường đại học đứng top 50 trên thế giới với thế mạnh về khoa học (nhóm ngành em muốn theo đuổi). Em cũng có tìm hiểu thấy Úc là một đất nước có chính trị ổn định, nền kinh tế vững mạnh và ở Brisbane có thời tiết đẹp (nắng nhiều quanh năm).

Để du học ngành Khoa học Thực phẩm tại UQ, em cần phải có đủ điểm tiếng Anh IELTS (tùy ngành, ngành của em là ít nhất 6.5, em đạt 7.5) và điểm tốt nghiệp lớp 12 (ít nhất 8.0, em đạt 8.9).

Cuộc sống du học thú vị qua chia sẻ của Đại sứ sinh viên Việt tại Brisbane - 1

Minh phát biểu tại lễ nhận học bổng ở International.

- Tại sao em chọn theo đuổi ngành Khoa học thực phẩm?

Em bắt đầu học ngành Khoa học Thực phẩm tại UQ từ tháng 2 năm 2018. Ngành này có 3 năm học và em đang ở trong năm cuối của mình.

Em quyết định chọn ngành này vì hai lý do. Thứ nhất là vì em giỏi môn hóa học và sinh học nhất trong tất cả các môn học của mình. Thứ hai đơn giản vì tất cả mọi người từ già đến trẻ đều cần đồ ăn thức uống, nên em nghĩ sẽ luôn có một thị trường rộng cho sinh viên tốt nghiệp ngành này.

Sau khi vào học không lâu, em trở nên đam mê với ngành của mình. Những kiến thức về dinh dưỡng học được em áp dụng ngay để đề ra một chế độ ăn điều độ và nhiều dinh dưỡng. Việc em liên tục áp dụng những kiến thức được học vào cuộc sống hang ngày giúp em càng yêu ngành nghề của mình hơn.

- Ngoài học tập, em trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng về ngành ra sao?

Từ đam mê nhiệt huyết dành cho ngành, em quyết tâm tìm vài vị trí thực tập từ năm 2. Em đã phải gọi điện và gửi email tới rất nhiều công ty, bị từ chối nhiều, mãi rồi mới có câu trả lời “Chúng tôi sẽ tuyển bạn” đầu tiên.

Em đã rất vui mừng và hứng khởi chuẩn bị cho công việc thực tập đầu tiên trong thời sinh viên. Đợt thực tập đó em học được rất nhiều, có thêm được nhiều mối quan hệ trong ngành, còn được lên báo điện tử của kí túc xá và sau đó là báo điện tử trường đại học Queensland.

Từ đợt thực tập đó em tiếp tục dấn tới và trong đợt từ tháng 11/2019 đến 2/2020 (đợt nghỉ hè ở Úc) xin được việc ở một công ty khác về bánh ngọt, quy mô lớn hơn và trả lương khá hơn. Sắp tới là đợt nghỉ đông ở trường, em muốn tiếp tục xin thực tập ở một công ty khác.

Mặc dù Covid-19 làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, em tin rằng sẽ luôn có cơ hội đâu đó ngoài kia nếu em quyết tâm tìm kiếm đến cùng.

- Được biết, tại trường đại học Úc, em là lãnh đạo nhiều chương trình sinh viên. Làm sao một sinh viên quốc tế như em có thể khẳng định mình?

Em đặt một trong những trọng tâm của mình khi đi du học Úc vào mặt ngoại khóa. Em nghĩ rằng kiến thức chuyên môn thôi là chưa đủ mà cần mình phải có những kĩ năng mềm khác, những kĩ năng giúp cho mình xin được việc sau này (mục tiêu của bất kì sinh viên nào).

Đôi khi vấn đề không phải là bạn làm được những gì mà quan trọng hơn là bạn biết những ai. Có đúng mối quan hệ sẽ giúp em thành công trong đời sống cá nhân và trong thị trường việc làm sau này.

Cuộc sống du học thú vị qua chia sẻ của Đại sứ sinh viên Việt tại Brisbane - 2
Minh tổ chức và làm MC tại cuộc thi tài năng The Viet Face.

- Trong năm 2020 này, em đã có những hoạt động, dấu ấn nào nổi bật?

Sang tới năm 2020, em không còn làm ở trong một CLB nào nữa mà chuyển hướng sang tập trung cho công việc chuyên ngành của mình. Trước đợt dịch Covid, em làm vị trí kiểm định chất lượng (Quality Assurance - QA) và phát triển sản phẩm mới (New Product Development - NPD) tại một công ty bánh ngọt.

Cũng trong năm nay, em được bổ nhiệm làm Đại sứ sinh viên quốc tế đại diện cho Việt Nam ở thành phố Brisbane. Ở trong trường đại học Queensland (UQ), em ứng tuyển thành công vào làm Đại sứ khuyến học nhằm khuyến khích những học sinh cấp 3 ở các vùng lân cận chọn học đại học sau khi tốt nghiệp cấp 3 thay vì dừng việc học hoàn toàn.

Ở trường UQ, em bắt đầu tham gia vào các buổi “Hội chợ du học online” và “Giao lưu trực tuyến” với tư cách khách mời chia sẻ kinh nghiệm được tổ chức bởi ban Tuyển sinh Quốc tế của trường cho khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam. Sắp tới khi những lệnh cấm được gỡ bỏ hoàn toàn, em dự định sẽ tham gia rất nhiều sự kiện ở các vị trí này.

- Việc tham gia nhiều hoạt động cộng đồng giúp ích những gì cho một du học sinh như em?

Hồi đầu em sang Úc, tiếng Anh Úc khá là khó nghe. Vì ở Việt Nam, hầu hết mọi người dạy em đều có ngữ âm Anh Mỹ nên khi sang Úc em phải mất khoảng 1 tháng mới quen được cách nói của họ.

Úc là một nước đa văn hóa với sinh viên và dân cư đến từ khắp nơi trên thế giới, vì vậy sự nhạy cảm về văn hóa (cultural sensitivity) là rất quan trọng để mình có thể làm việc và sinh sống hài hòa với họ.

Cung cách ứng xử đối với mỗi người ở những nước khác nhau cũng rất khác nhau. Điều này đặc biệt quan trọng khi em làm trưởng ban sự kiện trong International House khi trong đội tình nguyện viên của em có rất nhiều sắc tộc.

Qua tổ chức các sự kiện văn hóa của các nước và nói chuyện với nhiều sinh viên từ những nước đó, em hiểu hơn về sự đa dạng văn hóa của Úc và có thêm “vốn văn hóa” cho mình.

Cuộc sống du học thú vị qua chia sẻ của Đại sứ sinh viên Việt tại Brisbane - 3
Chàng trai Việt tổ chức và làm MC tại một đêm sự kiện văn hóa Nhật Bản tại Brisbane.

- Những ngày đầu trở thành du học sinh Úc chắc hẳn có nhiều kỷ niệm khó quên?

Những ngày đầu, ngữ âm Anh Úc khá khó nghe và em cũng cần làm quen với văn hóa của Úc. Một điều thú vị là ở Úc sinh viên đến trường mặc quần áo khá thoải mái với quần short, áo phông và đi dép tông.

Em mới đầu đều mặc áo sơ mi quần dài tới trường như ở Việt Nam nên đi qua bạn bè ai cũng hỏi là chuẩn bị đi chơi đâu đấy. Dần sau em cũng hòa vào kiểu ăn mặc của họ.

Em nghĩ mỗi nước có một phong cách ăn mặc ở giảng đường và không kiểu nào được coi là đứng đắn lịch sự hơn mà quan trọng là phù hợp với văn hóa của nước sở tại – nhập gia tùy tục thôi.

- Bí quyết giúp em thích nghi môi trường sống để học tập, khẳng định bản thân ở xứ người?

Bí quyết của em đó là mình phải đặt ra đường hướng rõ ràng cho mình càng sớm càng tốt. Cá nhân em, khi mới vào năm nhất, em định ra trong 2 năm đầu sẽ tham gia thật nhiều hoạt động ngoại khóa để phát triển bản than và có them nhiều mối quan hệ hữu ích.

Tuy nhiên, hết năm nhất, em nghĩ rằng những hoạt động em làm lúc đó so với thời sinh viên thì hay nhưng một khi tốt nghiệp, những hoạt động đó trừ việc trau dồi những kĩ năng cần thiết của bản thân, không có liên quan gì nhiều lắm tới ngành nghề đi làm của em.

Vì vậy, sang năm 2, em đổi trọng tâm của mình từ việc chỉ tham gia hoạt động ngoại khóa ở trường, em đặt sự quan tâm của mình nhiều hơn về mặt việc làm. Với đường hướng đó, em quyết tâm tìm được công việc thực tập ngay từ năm 2.

Quay lại chuyện hoạt động ngoại khóa. Ở Úc, điểm cao thôi chưa đủ mà em còn cần rất nhiều kĩ năng mềm khác nữa. Kể cả bạn có đi theo con đường nghiên cứu (cần điểm rất cao để vào các chương trình nghiên cứu thạc sĩ/tiến sĩ ở đây) hay không, bạn sẽ vẫn cần các kĩ năng mềm quan trọng như kĩ năng giao tiếp, làm việc nhóm hay sự linh hoạt trong công việc.

Em luôn nghĩ rằng “một cây làm chẳng nên non”. Vì lẽ đó, em luôn hướng tới việc tạo ra những mối quan hệ tốt và gia nhập vào những tổ chức có uy tín và có tiềm năng cho sự phát triển của bản thân. Nếu em làm việc cùng với những người giỏi hơn mình rất nhiều, tốc độ học tập và phát triển của em cũng nhờ đó mà tăng vượt bậc.

Bắt đầu mỗi năm học, em đều đặt ra mục tiêu phát triển của mình cho năm đó và cuối năm, em tổng kết lại xem mình làm những gì và so sánh bản than mình hiện tại và 1 năm trước đó. Nếu nói ra thì thật sự có quá nhiều thứ cần để một người có thể đạt được thành công.

Đối với em, em nghĩ rằng quan trọng nhất là mình phải đặt ra đường hướng phát triển đúng đắn cho tương lại, luôn quyết tâm và kiên định trước bất kì thử thách vấp ngã nào.

Qua hai năm rưỡi tại Úc, em tự thấy mình đã trưởng thành rất nhiều nhưng đồng thời em cũng còn một chặng đường dài phía trước.

Cuộc sống du học thú vị qua chia sẻ của Đại sứ sinh viên Việt tại Brisbane - 4
Minh tham gia một giải đấu bóng rổ giữa các kí túc xá thuộc trường đại học Queensland.

- Đâu là điều em ấn tượng về nền giáo dục ở xứ sở chuột túi?

Điểm đầu tiên là cách ăn mặc nơi giảng đưởng của sinh viên bên đó như em nói trên. Các giáo sư thì mặc rất chỉn chu lịch sự nhưng sinh viên thì thoải mái hơn nhiều!

Ở đây có một môi trường năng động và mỗi người đều có thể đi theo con đường mà mình thích. Cách học ở đây khá là thoải mái cho sinh viên. Em có nhiều quyền tự chủ trong cách học.

Các giáo sư trong những môn em đã học có tư tưởng đổi mới và thường xuyên hỏi sinh viên xem các bạn có muốn các giáo sư thay đổi gì về khóa học này không.

Nếu các giáo sư thấy các đề xuất thay đổi của sinh viên đến từ số đông, hợp lý và khả thi, các giáo sư sẽ thay đổi ngay lập tức chương trình học.

Họ làm được vậy vì các giáo sư có quyền quyết định về nhiều mặt trong một môn học họ chịu trách nhiệm. Trừ khi có các quyết định lớn cần tham khảo với trưởng khoa, các giáo sư có quyền khá lớn trong môn học của họ.

Cuối mỗi kì học, trường sẽ gửi tới tất cả sinh viên các mẫu đánh giá về những môn học mà những sinh viên đó vừa học tại kì này. Trong mẫu đánh giá này, sinh viên có quyền nêu ra ý kiến của mình về những thay đổi họ muốn thấy cụ thể trong những môn học này.

Sinh viên cũng có thể nhận xét về các giáo sư một cách thẳng thắn nhất về cách truyền đạt bài giảng, cách chấm bài, v.v. Những đánh giá này sẽ được lưu dưới dạng ẩn danh và được các khoa nhìn nhận một cách thẳng thắn và thành thật nhất nhằm không ngừng cải thiện chất lượng giảng dạy của trường. Vì những điều này, em cảm thấy sinh viên ở trường UQ có tiếng nói và được lắng nghe.

Em chưa học đại học ở Việt Nam bao giờ vì sau khi tốt nghiệp cấp 3 em sang thẳng Úc để du học nên không có so sánh gì giữa đại học Việt Nam và Úc.

- Theo em, một đại sứ du học sinh cần hội các yếu tố gì? Ở cương vị Đại sứ sinh viên tại thành phố Brisbane, em có dự định gì để giới thiệu quảng bá hình ảnh người Việt với bạn bè quốc tế?

Một đại sứ du học sinh cần là một người toàn diện cả về mặt học tập và ngoại khóa. Đại sứ cần có một độ hiểu biết nhất định về Brisbane để có thể quảng bá cho hình ảnh của thành phố.

Em ý thức được rằng khi đã là một đại sứ sinh viên, những hành động và phát ngôn của mình sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh của thành phố Brisbane và đất nước của mình (Việt Nam).

Vì vậy, các đại sứ luôn cần cẩn trọng trong vấn đề này để có thể vừa thể hiện được tiếng nói bản sắc của cá nhân mình vừa hài hòa được bổn phận của một đại sứ.

Các đại sứ đại diện cho toàn thể bộ phận du học sinh tại Brisbane, vì vậy khả năng lắng nghe và thấu hiểu cũng rất quan trọng. Đại sứ là điểm kết nối giữa các du học sinh trong và ngoài Brisbane với bên thành phố để giúp các bạn sinh viên có thể nêu ra những nguyện vọng của mình và giúp thành phố Brisbane đón nhận và đáp ứng được những nguyện vọng đó.

- Ước mơ và mục tiêu của em trong thời gian sắp tới?

Ước mơ lớn nhất của em cho tới thời điểm hiện tại có lẽ là trở nên thành đạt và giúp đỡ cho xã hội. Mục tiêu của em trong thời gian sắp tới là tốt nghiệp thành công và bắt đầu sự nghiệp của mình bằng cách gia nhập một công ty thực phẩm/đồ uống lớn để phát triển công việc với chuyên môn của mình.

Cảm ơn Minh chia sẻ, chúc em có nhiều hoạt động ý nghĩa trên cương vị Đại sứ sinh viên thành phố Brisbane!

Lệ Thu