Chiến dịch chống tình trạng kỳ thị kinh nguyệt phụ nữ ở đại học Trung Quốc

Nguyễn Thuận

(Dân trí) - Sinh viên tại các trường đại học ở Trung Quốc đang khởi động chương trình thiết lập các điểm cấp phát băng vệ sinh miễn phí ở nhà vệ sinh trong các trường đại học trên khắp cả nước.

Đây là chiến dịch quy mô lớn do sinh viên khởi xướng và thực hiện nhằm chống lại tình trạng kì thị kinh nguyệt (period shaming: các hành vi chọc ghẹo tiêu cực hoặc kì thị hướng đến người phụ nữ vì chuyện kinh nguyệt - PV) gây tác động tiêu cực đến trẻ em gái và thiếu nữ đang xảy ra phổ biến ở đất nước tỉ dân.

Chiến dịch chống tình trạng kỳ thị kinh nguyệt phụ nữ ở đại học Trung Quốc - 1

Bên trong chiếc túi này là những chiếc bang vệ sinh miễn phí được để sẵn cho những nữ sinh viên khi họ cần sử dụng (Ảnh: Li Lingxi).

Hiện có ít nhất là 250 khu học xá thuộc các trường đại học đã có sự hiện diện của những “túi tặng băng vệ sinh”, một sáng kiến được thực hiện bởi chiến dịch truyền thông mang tên “Hãy đứng bên cạnh cô ấy” (Stand By Her) do một nhóm sinh viên điều hành.

Theo đó, những ai đến ngày “đèn đỏ” mà quên mang theo băng vệ sinh đều cảm thấy thuận tiện khi dễ dàng tìm thấy cho mình vật dụng thiết yếu này ngay trong khuôn viên trường đại học mà không phải lo lắng bởi những “tai nạn” khó xử có thể xảy ra. Họ có thể lấy những gói băng vệ sinh cho cá nhân sử dụng ngay lúc đó, và bỏ lại vào túi những gói băng vệ sinh mới sau đó.

Wang Ping, một nữ sinh viên năm thứ 3 tại Đại học Minzu cho biết, có ít nhất 10 điểm cung cấp băng vệ sinh miễn phí như thế này được nhóm của cô lắp đặt trong khuôn viên của trường.

“Chúng tôi làm điều này với nỗ lực chấm dứt vấn nạn kỳ thị kinh nguyệt cũng như phản đối thái độ giễu cợt phụ nữ khi họ đến kỳ kinh”, cô Ping nói.

Chiến dịch chống tình trạng kỳ thị kinh nguyệt phụ nữ ở đại học Trung Quốc - 2

Có hàng trăm trường đại học trên khắp Trung Quốc đang thực hiện mô hình này trong nỗ lực chống lại tình trạng kỳ thị kinh nguyệt phụ nữ (Ảnh: Fiona Fei).

Chiến dịch này được xem là hiếm có bởi người dân Trung Quốc có quan niệm rằng, những vấn đề về sức khỏe phụ nữ như chuyện kinh nguyệt thường là chủ đề tế nhị và hiếm khi mang ra để bàn luận.

Thậm chí, ngay từ những ngày đầu xảy ra đại dịch Covid-19, những nữ y bác sĩ đã rất bức xúc khi không được cung cấp băng vệ sinh trong thời gian họ thực thi nhiệm vụ dài ngày ở các cơ sở y tế.

“Người ta nói rằng, băng vệ sinh phụ nữ không phải là thứ vật dụng cần thiết phải có. Vì vậy, họ không đưa vào danh mục đồ dùng hỗ trợ nhân viên y tế nữ như chúng tôi”, một nữ y tá cho biết.

Bên cạnh đó, tình trạng băng vệ sinh kém chất lượng, không nhãn mác bày bán tràn lan trên thị trường, nhất là ở khu vực nông thôn cũng khiến công luận lo ngại cho sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái trong các gia đình nghèo.

Chiến dịch chống tình trạng kỳ thị kinh nguyệt phụ nữ ở đại học Trung Quốc - 3

Nhiều phụ nữ và trẻ em gái vùng nông thôn đang phải sử dụng những loại bang vệ sinh kém chất lượng (Ảnh: SCMP).

Nhiều nữ sinh viên cho biết, họ thưởng cảm thấy xấu hổ khi phải đi mua băng vệ sinh. Một nữ sinh viên năm 3 Đại học Quảng Tây nói rằng, mỗi khi cô ghé mua băng vệ sinh ở cửa hiệu bên trong khuôn viên trường đại học thì người bán thường tách riêng và gói chúng trong những bao nilon màu đen “cứ như sợ người khác nhìn thấy vậy”.

Tu Yajie, một thành viên tham gia chiến dịch “Hãy đứng bên cạnh cô ấy” tại trường Cao đẳng Y tế Thành Đô nói rằng, việc công khai băng vệ sinh như những món đồ bình thường khác sẽ góp phần chống lại định kiến xem “kinh nguyệt phụ nữ là một điều xấu xa”.

Chiến dịch chống tình trạng kỳ thị kinh nguyệt phụ nữ ở đại học Trung Quốc - 4

Nhiều nhóm hoạt động đang thúc đẩy nhận thức của cộng đồng về quyền được sử dụng sản phẩm vệ sinh an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái (Ảnh: SCMP).

Trong một diễn đàn trực tuyến tập trung nhiều sinh viên tham gia thảo luận về chủ đề này, một tài khoản đã bình luận: “Môi trường đại học nên là một nơi mà quyền của phụ nữ cần được tôn trọng và thúc đẩy. Và chiến dịch này thật sự có ý nghĩa bởi nó cho chúng ta thấy sự hiện diện của phụ nữ một cách rõ nét”.