8X Việt trở thành tiến sĩ, dược sĩ tại bệnh viện Nhi top 3 nước Mỹ

(Dân trí) - Từ thủ khoa đầu ra Khoa Dược khoá 2003 - 2008 – ĐH Y Dược TPHCM, Phạm Đức Hùng lấy bằng tiến sĩ tại Bỉ rồi nghiên cứu tại Đại học Harvard trước khi qua làm việc tại Bệnh viện Nhi Cincinnati, Mỹ.

Ông ngoại mất vì căn bệnh ung thư tế bào ống mật thôi thúc chàng sinh viên Phạm Đức Hùng (còn gọi là Philip Phạm) học tập lên cao để nghiên cứu sâu hơn.

Sinh năm 1985, Tiến sĩ – Dược sĩ Phạm Đức Hùng từng Giải nhất Quốc gia môn Hoá 2003 và tốt nghiệp thủ khoa đầu ra đầu ra Khoa Dược khoá 2003 – 2008.

Ngay sau đó, giành học bổng Thạc sĩ Erik Bleumink Fund (ĐH Groningen, Hà Lan); nhiều học bổng học Tiến sĩ tại KU Leuven (Bỉ), Đại học British Columbia (Canada) và ĐH Groningen, cuối cùng Đức Hùng chọn ĐH KU Leuven để theo đuổi con đường y khoa.

8X Việt cũng giành nhiều học bổng tham gia hội nghị: Marco Polo Fund (ĐH Groningen, Hà Lan), ĐH Cambridge (Anh), Flander Research Foundation (Bỉ), Tổ chức chống động kinh quốc tế (ILAE, Mỹ).

8X Việt trở thành tiến sĩ, dược sĩ tại bệnh viện Nhi top 3 nước Mỹ - 1
Tiến sĩ Phạm Đức Hùng.

Từ bé, nhà không có điều kiện nên Phạm Đức Hùng đều tự học, kể cả tiếng Anh để tìm đường vươn ra thế giới, học lên thạc sĩ, tiến sĩ và sau đó làm việc tại Bệnh viện Nhi Cincinnati (hiện đang là bệnh viện lớn thứ 3 toàn nước Mỹ).

Anh có hơn 10 năm kinh nghiệm trong các nghiên cứu sử dụng cá sọc vằn và chuột để khảo sát dược tính và bệnh học về gan và tự miễn.

TS. DS. Phạm Đức Hùng là tác giả của hơn 10 bài báo quốc tế (ISI) với một số công bố trên các tạp chí hàng đầu trong chuyên ngành như: Journal of Hepatology (IF= 18.9), Proceedings of the National Academy of Sciences (IF = 9.5), và Frontier in Immunology (IF=5.5).

Với tinh thần học không ngừng nghỉ, TS. Hùng đang tiếp tục học postdoc (nghiên cứu sau tiến sĩ) tại bệnh viện Nhi Cincinnati.

Cùng PV Dân trí tìm hiểu về hành trình tự lực cánh sinh vươn ra thế giới, trở thành tiến sĩ tại Mỹ của 8X Việt:

Tìm ra một trong những gene gây ra bệnh tắc mật

PV: Ở bậc đại học, đâu là lý do thôi thúc anh theo đuổi ngành Dược?

TS-BS Phạm Đức Hùng: Mình học Dược tại Khoa Dược, ĐH Y Dược TP. HCM.

Từ khi mình còn bé hay bị bệnh, cha mẹ hay đưa đi bác sĩ chích thuốc. Hồi đấy nhà nghèo mà bố mẹ cứ mỗi lần đưa đi khám là tốn nhiều tiền nên mình luôn tự hỏi trong ống thuốc đấy có gì mà thần kỳ vậy, có thể trị bệnh mà cũng rất có giá trị.

Có lẽ bắt nguồn tự sự tò mò về thuốc và bệnh nên mình lúc nào cũng học rất chăm hai môn là Hoá và Sinh.

Sau khi được giải Nhất Quốc gia môn Hoá, mình được tuyển thẳng vào Khoa Dược, ĐH Y Dược. Chương trình học tại ĐH Y Dược rất nặng, ngày nào cũng học sáng chiều.

Buổi tối mình tranh thủ học thêm tiếng Anh, tập gym và chơi bóng chuyền. Chơi thể thao giúp thoải mái đầu óc và kết giao bạn bè, nên từ đại học về sau mình luôn cố gắng dành thời gian chơi hai môn này.

8X Việt trở thành tiến sĩ, dược sĩ tại bệnh viện Nhi top 3 nước Mỹ - 2
TS. Hùng tại một hội thảo.

- Anh có thể kể lại cơ duyên và hành trình du học của mình?

Có lẽ nói ngược lại thời điểm mình thích tìm hiểu về thuốc, nên mình vào học tại Khoa Dược, ĐH Y Dược TP. HCM. Từ lúc học xong năm nhất, các thầy cô đã hay khuyên mình nên đi du học nước ngoài.

Ý định đi du học càng lớn khi ông ngoại của mình mất vì bệnh ung thư tế bào ống mật khi mình học cuối năm 2. Các bệnh ung thư về gan mật chưa có thuốc trị thế nên mình rất muốn nghiên cứu sâu hơn. Từ đấy ngoài bổ sung kiến thức trên trường thì mình tranh thủ buối tối học thêm tiếng Anh.

Thử thách lớn nhất của mình là tiếng Anh vì từ bé nhà không có điều kiện nên mình toàn tự học. Các trường ngoại ngữ tốt ở TP. HCM đều lấy giá rất cao. Từ khi mình lên đại học, mình đã muốn tự lập, nên tiền học đại học đa số do mình lấy từ học bổng của trường hoặc đi làm thêm.

Mình quyết tâm tự học tiếng Anh mà không đến trung tâm lớn, khi ra trường thì mình được thủ khoa còn điểm IETLS của mình cũng vừa đủ 6.5 nên lúc nộp hồ sơ học bổng thạc sĩ cũng có nhiều lợi thế.

Mình vô tình tìm thấy thông tin về trường ĐH Groningen trên một tờ báo, thế nên mình thử ứng tuyển và được nhận nên mình lấy học bổng đấy luôn.

Sau khi có bằng Thạc sĩ tại Hà Lan, con đường sau đấy “trơn tru” hơn nhiều. Mình apply lên Tiến sĩ, làm nghiên cứu tại Harvard, rồi đến Bệnh viện Nhi Cincinnati.

- Thời gian mới sang Mỹ, đâu là khó khăn lớn nhất đối với anh?

Khó khăn lớn nhất khi sang Mỹ có lẽ là hoà nhập về mặt văn hoá. Chẳng hạn riêng về mặt tiền bạc, ở Châu Âu, mình thấy một cái điện thoại ghi giá 500 euro thì chỉ phải trả 500 euro.

Còn ở Mỹ, một cái điện thoại ghi 500 đô có khi mình phải trả cả 1.000 đô cho nó vì còn nhiều thứ không được ghi trên giá như thuế, tiền phí kích hoạt, nâng cấp…

Về mặt cá tính, khi mình mới qua Hà Lan, người dân nơi đây coi mình là khách nên rất dễ tính, rộng rãi cho mình thời gian hoà nhập.

Còn khi mình qua Mỹ thì hơi “shock” vì người Mỹ ngay lập tức mặc định là mình phải biết những điều luật và cách sống của họ. Điều này ngược lại có lợi về lâu dài khi mà họ không coi mình là người ngoài nên dễ hoà nhập hơn, chỉ cần nói được tiếng Anh tốt.

- Các công trình khoa học, nghiên cứu của anh tập trung vào lĩnh vực gì? Công trình nào khiến anh tâm đắc nhất?

Mình nghiên cứu về khá nhiều dự án, chủ yếu xoay quanh tác dụng thuốc lên gan và các bệnh gan mật: Sử dụng cá sọc vằn làm mô hình sàng lọc độc tính thuốc và tiểu phân nano dùng làm thuốc; Mô hình cá sọc vằn trong nghiên cứu bệnh Wilson và sàng lọc thuốc chộng bệnh này (một bệnh di truyền về gan); Mô hình cá sọc vằn để sàng lọc thuốc chống động kinh; Mô hình cá sọc vằn nghiên cứu các bệnh động kinh do di truyền; Nghiên cứu vai trò của microRNA và protein HP1g trên bệnh tự miễn (lupus ban đỏ) và các bệnh ung thư liên quan tới hệ miễn dịch (mô hình chuột); Nghiên cứu vai trò của gene ABCC12 là nguyên nhân gây bệnh viêm gan tắt mật tiến triển di truyền (mô hình cá sọc vằn, chuột và bệnh nhân)…

Công trình mình tâm đắc nhất là số 6, bệnh tắt mật di truyền (progressive familial intrahepatic cholestasis – viết tắt PFIC) là một bệnh có tỉ lệ gặp khá lớn trong dân số (1/50 000 trẻ sơ sinh), bệnh chưa có cách điều trị, có thể dẫn tới xơ gan, ung thư gan và tử vong. Hiện giờ các nhà khoa học mới tìm ra 6 genes gây ra bệnh này, tuy nhiên có nhiều gene gây nên bệnh vẫn chưa được biết rõ.

Nhờ kỹ thuật giải mã bộ gene mới nhất trên hơn 100 bệnh nhi tại hệ thống bệnh nhi tại Mỹ, mình đã tìm được 4 bệnh nhân có đột biến trên gene ABCC12, nghi ngờ là nguyên nhân gây ra bệnh tắc mật.

Đây là một gene hoàn toàn “mới” vì tìm trong y văn thế giới có rất ích công trình nghiên cứu về gene này. Kiến thức về vai trò và vị trí của ABCC12 hoàn toàn bí ẩn.

Chính vì vậy mà mình và nhóm nghiên cứu đã sử đụng kết hợp 2 mô hình động vật chuột và cá và sử dụng kỹ thuật điều chỉnh gene mới nhất (Crispr/cas9) để gây đột biến gene ABCC12 và nghiên cứu chức năng của nó.

Mình tìm ra nhiều bằng chứng thuyết phục là gene ABCC12 chính là một trong những gene gây ra bệnh tắc mật. Nghiên cứu này đã được mời trình bày tại 2 hội nghị lớn nhất trong ngành gan mật do Tổ chức nghiên cứu bệnh gan nước Mỹ và Châu Âu tổ chức.

Bản tóm tắt được xuất bản lên tạp chí Journal of Hepatology (Impact factor: 18.9 – cao nhất trong ngành gan mật). Sau nghiên cứu của mình và nhóm mình thì gene ABCC12 đã được đặt tên là PFIC 7 và đưa vào danh sách các gene cần được sàng lọc cho thai phụ có nguy cơ sinh con bị bệnh tắc mật cao tại Mỹ.

Nghiên cứu này có ý nghĩa thực tiễn (lâm sàng) rất lớn vì dùng các kỹ thuật như lấy ADN từ dịch màng ối của thai phụ ta có thể chuẩn đoán trước từ sớm là phôi thai có bị mang gene mắc bệnh (2 bản copy) hay không.

Nếu biết được phôi thai có mang 2 bản copy của gene bệnh, gia đình bệnh nhân sẽ có đầy đủ thông tin để ra quyết định sáng suốt nhất (ví dụ: nên bỏ thai hay là giữ lại, giữ lại thì sẽ biết trẻ sinh ra sẽ bị bệnh và khả năng sống sót không cao).

Đồng thời công trình này cũng nghiên cứu sâu về cơ chế gây bệnh giúp tìm ra các liệu pháp điều trị trong tương lai.

- Được biết anh từng có thời gian nghiên cứu ở Đại học Harvard? Anh có thể chia sẻ cụ thể về chặng đường này và những kỷ niệm đáng nhớ?

Trong năm thứ 2 học Thạc sĩ tại Hà Lan thì mình muốn tìm hiểu sâu hơn về vai trò của các tế bào miễn dịch trong bệnh viêm gan. Nhờ giáo sư tại Hà Lan giới thiệu mình biết về phòng thí nghiệm của giáo sư (GS). Tsokos tại Đại học Harvard làm về mảng này.

Mình rất thích nghiên cứu của họ nên đã quyết định xin vào. Tất nhiên là phải trải qua 2 vòng phỏng vấn và 1 vòng nộp hồ sơ, sau đấy GS bên Harvard chịu nhận mình vào làm như là nhân viên của lab với hợp đồng 6 tháng và giao cho một cô trợ lý GS hướng dẫn trực tiếp.

8X Việt trở thành tiến sĩ, dược sĩ tại bệnh viện Nhi top 3 nước Mỹ - 3
Hùng cùng nhóm nghiên cứu tại Đại học Harvard.

Mình chú ý thấy, bài báo xuất bản đầu tiên là công trình của cô trợ lý GS, các bài còn lại làm cùng chủ đề của cô và xuất bản sau. Đến hôm thứ 2 cô hỏi thế nào thì mình nói là công trình đầu tiên có ý nghĩa vì đã khám phá được nhiều giá trị khoa học mới, còn tôi thấy các công trình còn lại gần như lặp lại y chang bài đầu tiên, không có nhiều điều mới!

Cô nghe có vẻ rất thích, cười mỉm và nói với mình rất tự hào là “khi mà người khác ra kết quả giống những gì bạn xuất bản, tức là công trình của bạn rất chính xác (chữ cô nói là ‘very nature’). Từ đấy về sau cô rất thoải mái với mình, có vấn đề gì cô đều dành rất nhiều thời gian giảng chi tiết và cho mình tham gia nhiều dự án.

Mình rời phòng thí nghiệm không lâu thì cô ra đứng phòng thí nghiệm độc lập, tuy nhiên cô vẫn hay mời về làm chung đề tài. Từ lúc học Tiến sĩ tới sau Tiến sĩ, mình đã quay lại lab của cô 3 lần, mỗi lần hơn 2 tháng, nên tới giờ vẫn có nhiều đề tài xuất bản chung.

- Làm nghiên cứu ở ngôi trường hàng đầu thế giới đã mang đến cho anh những gì?

Ngoài trừ kiến thức, những bài báo xuất bản trên các tạp chí lớn (ví dụ: PNAS (proceeding of the national academy of sciences: tạp chí của Hội Hàn Lâm Khoa học Mỹ: IF = 10) và CV (sơ yếu lý lịch) sáng hơn một chút, mình nghĩ thứ rất quan trọng mà mình học được từ thời gian làm việc tại đây là cách nhìn nhận vấn đề:

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh của vấn đề: điều này đến từ thử thách đọc báo ở trên. Sau này mình nghĩ lại thì thực ra cô muốn dạy mình về điều này: các chi tiết, kỹ thuật, phương pháp thí nghiệm hoàn toàn có thể học, chỉ cần thời gian và người ta sẵn sàng chỉ mình, quan trọng là cách mình nhìn nhận vấn đề.

Khi gặp vấn đề càng phức tạp thì mình càng không tập trung vào chi tiết mà nhìn vào cục diện chung giúp mình có suy nghĩ và hướng đi đúng hơn.

Lấy thẻ xanh ở Mỹ

- Thời gian làm tiến sĩ, anh bảo vệ luận án về đề tài gì?

Thời gian làm Tiến sĩ tại Bỉ hơi vất vả vì mình phải làm cùng lúc 4 đề tài:

Sử dụng cá sọc vằn làm mô hình sàng lọc độc tính thuốc và tiểu phân nano dùng làm thuốc.

Mô hình cá sọc vằn trong nghiên cứu bệnh Wilson và sàng lọc thuốc chộng bệnh này (1 bệnh di truyền về gan).

Mô hình cá sọc vằn để sàng lọc thuốc chống động kinh.

Mô hình cá sọc vằn nghiên cứu các bệnh động kinh do di truyền.

Mình thích dùng cá sọc vằn vì mô hình này hiệu quả kinh tế và có hiệu suất sàng lọc cao hơn mô hình chuột truyền thống. Lý do mình chọn những đề tài tiến sĩ này vì nghĩ là mô hình này có thể ứng dụng cho môi trường Việt Nam.

Nền dược học Việt Nam có lợi thế nguồn dược liệu phong phú, tuy nhiên việc sàng lọc thuốc còn hạn chế ở dịch chiết thô mà chưa đi vào tìm hiểu sâu các thành phần thuốc trong dịch chiết.

Với mô hình cá sọc vằn hiệu năng cao, mình có thể ứng dụng sàng lọc nhiều thuốc dược liệu và tinh chất dùng làm thuốc. Đợt rồi mình về Việt Nam có trình bày nghiên cứu tại các trường ĐH tại TP. HCM và được hưởng ứng tốt.

- Như vậy anh đã trải qua hành trình từ Việt Nam sang Bỉ lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ rồi rẽ sang Mỹ để làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại bệnh viện nhi lớn thứ 3 nước Mỹ. Anh có được cơ hội này thế nào?

Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ thì mình xin qua Mỹ để làm sau Tiến sĩ, mình chọn phòng thí nghiệm tiếp tục làm về bệnh gan mật để nâng cao thêm trình độ chuyên môn và mình thích đề tài nghiên cứu tại Bệnh viện nhi, họ nghiên cứu vai trò của gene ABCC12, dùng mô hình bệnh nhân nhi, chuột và cá sọc vằn. Vì hợp với mình nên mình gửi hồ sơ lập tức được phỏng vấn và được nhận luôn.

- Anh có thể chia sẻ một chút về cuộc sống hiện tại ở đất Mỹ của mình và gia đình nhỏ?

Cuộc sống của cả nhà mình trên đất Mỹ đơn giản nhưng rất hạnh phúc. Đầu năm 2019 mình quyết định lấy thẻ xanh vì nó giúp mình có điều kiện làm việc tốt hơn (xin được nhiều nguồn tài trợ nghiên cứu). Vợ mình đang theo học chương trình để thành bác sĩ gia đình.

Cả nhà mình có một sự mâu thuẫn nho nhỏ: mình và vợ cố gắng học tiếng Anh để hoà nhập với người Mỹ, nhưng đang ráng "ép" con gái học tiếng Việt để không quên văn hoá cội nguồn.

Quyết tâm, tự tin và tự giác

- Để có được những thành quả như ngày hôm nay, gạch đầu dòng những bí quyết cơ bản của anh là gì? Anh có chia sẻ kinh nghiệm nào với các bạn trẻ Việt muốn thành công với “giấc mơ Mỹ”?

Có nhiều người Việt Nam giỏi và thành công trên toàn thế giới nên mình cũng không dám nói bí quyết, chỉ có vài kinh nghiệm mình học được hy vọng có ích cho các bạn trẻ đi sau.

Quyết tâm và lòng dũng cảm: con đường du học không dễ, nhưng không phải quá khó. Hiện giờ có rất nhiều trang báo, kênh youtube, facebook page/group chia sẻ thông tin và bí quyết du học, xin học bổng. Chỉ cần bạn có quyết tâm và một chút can đảm và tìm hiểu đúng nguồn, chắc chắn sẽ thành công.

Học tiếng Anh: cái này chắc không mới nhưng thực sự tiếng Anh rất cần thiết dù là giai đoạn nào trong sự nghiệp du học và làm việc ở trời tây. Tiếng Anh tốt giúp chúng ta hoà nhập và hiểu văn hoá người địa phương.

8X Việt trở thành tiến sĩ, dược sĩ tại bệnh viện Nhi top 3 nước Mỹ - 4
Hùng tổ chức Tết cho hội sinh viên.

Tham gia hoạt động phong trào, và các nhóm sinh viên Việt Nam: Điều này giúp các bạn giải toả stress, giữ gìn văn hoá dân tộc và học hỏi được nhiều từ những bạn khác.

Ví dụ hồi mình ở Leuven, mình có làm chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Leuven, điều này giúp mình quen biết nhiều người và rèn luyện nhiều kỹ năng sống tốt như khả năng tổ chức sự kiện (làm Tết, tốt chức các chuyến đi chơi …).

- Trải nghiệm nhiều nền giáo dục, anh có nhận xét gì khi so sánh với nền giáo dục Việt Nam? Từ đó, anh nghĩ bạn trẻ Việt có lợi thế và cần cải thiện điều gì để thích nghi và khẳng định mình ở môi trường toàn cầu?

Nền giáo dục Châu Âu thường dựa vào sự tự giác của người học, họ cho người học tự chọn con đường học thuật, học những gì họ thích, vì yêu thích nên có người học ngày đêm không chán. Người Châu Âu cũng chú trọng thăng bằng giữa làm việc và cuộc sống.

Còn người Mỹ cũng cho sinh viên chọn học dựa vào việc họ thích, tuy nhiên khi vào "guồng" làm việc (học thuật hay công ty) thì họ thúc đẩy hiệu suất rất cao, người làm phải cố gắng 100% để thành công.

Vào 10 năm trước khi mình còn học ở Việt Nam thì nên giáo dục Việt Nam còn chú trọng vào kiến thức lý thuyết. Các thầy cô rất muốn học trò học tốt nên khi họ đi du học về thì thích đem các kiến thức nước ngoài đưa vào chương trình, nên học sinh thường được học rất nhiều.

Tuy nhiên kiến thức thực hành bị hạn chế. Ít nhất là về mảng Y Dược của mình, vì các thiết bị nghiên cứu Y Dược thường đắt tiền nên các bạn sinh viên ít được tiếp xúc mà chủ yếu dành cho thầy cô nghiên cứu.

Lợi thế của các bạn trẻ Việt Nam là sự chăm chỉ, khả năng học và nhớ của người Việt Nam không thua bất cứ bạn bè quốc tế nào. Lợi thế khác của người Việt Nam là các thầy cô ở nước mình rất “dễ thương”, khi dạy thì thầy cô rất nghiêm tuy nhiên khi học trò muốn đi du học các thầy cô rất nhiệt tình, đây là lợi thế lớn cho các bạn để xin thư giới thiệu và thậm chí là có nhiều bạn được thầy cô giới thiệu trực tiếp đi du học luôn.

Các bạn trẻ Việt Nam khi ra nước ngoài thường thiếu sự tự tin. Một phần đến từ việc tiếng Anh còn hạn chế (speaking), một phần là do văn hoá tranh luận của người Việt khác với phương Tây.

Khi người Tây tranh luận họ sẽ đưa ra quan điểm và bảo vệ quan điểm, tuy nhiên họ rất tôn trọng sự khác biệt về quan điểm của người khác, dù quan điểm đấy có thể đúng hay sai; bằng cách tranh luận, họ học được từ người khác. Các bạn sinh viên Việt còn nhút nhát có lẽ do văn hoá “sợ” nói sai.

- Phương châm cuộc sống của anh là gì?

Mình thích câu nói của Orison Swett Marden “We must give more in order to get more”, dịch đại ý là “để thu được trước hết chúng ta cần cho đi”. Mình nghĩ cuộc sống rất công bằng, khi bạn cho đi điều tốt đẹp thì cuộc sống sẽ phản hồi điều tốt đẹp lại cho bạn.

Hiện tại mình đang mở một kênh youtube chia sẻ các kinh nghiệm học tiếng Anh và xin học bổng du học nhằm giúp các bạn trẻ Việt Nam cạnh tranh với các bạn Sinh viên Ấn Độ hay Trung Quốc.

Nhiều bạn xem kênh youtube, và liên hệ mình trợ giúp đã xin được học bổng Tiến sĩ toàn phần tại Đức, Anh, và Mỹ. Có bạn còn xin được làm nghiên cứu viên tại Harvard.

Ngoài ra mình còn đang hướng dẫn nhiều bạn cộng tác viên là Bác sĩ, Dược sĩ tại Việt Nam viết các bài viết cập nhật về Y Dược, hy vọng đem những thực hành Y Dược mới của thế giới về Việt Nam.

- Ước mơ lớn nhất của anh và dự định cá nhân trong thời gian tới?

Ước mơ lớn nhất của mình là mang lại hạnh phúc cho bản thân, vợ con, cha mẹ và gia đình. Dự định sắp tới là mình đang kết hợp với bạn bè chuẩn bị cho ra một cuốn ebook chia sẻ các kinh nghiệm học tiếng Anh và thi IELTS/TOEFL iBT đạt điểm cao. Tất nhiên là hoàn toàn miễn phí cho các bạn sinh viên Việt Nam.

Ngoài ra như nói ở trên, dự án nghiên cứu về cá sọc vằn của mình rất thích hợp với môi trường khoa học Việt Nam. Hiện mình đã có vài lời mời từ các trường Đại học Việt Nam để hợp tác làm nghiên cứu, tuy nhiên do 2 bên ở xa nên mọi việc tiến triển chậm.

Hy vọng trong thời gian tới mình sẽ có nhiều thời gian về Việt Nam để đẩy nhanh tiến độ.

Cảm ơn TS-DS. Phạm Đức Hùng!

Lệ Thu