5 điều không nên “tuyệt đối hóa” khi đi du học

(Dân trí) - Đi du học là để học thêm những kiến thức mới, có cơ hội làm quen những người bạn mới, biết thêm những văn hóa, phong tục cũng như có những trải nghiệm cần thiết cho bản thân.

Tuy nhiên, để có được những điều ấy thì rất cần đến sự cố gắng trong học tập, tỉnh táo trong vui chơi cũng như không nên “tuyệt đối hóa” việc đi du học là chắc chắn sẽ thành công, sẽ hơn được rất nhiều người, sẽ đứng trên đỉnh cao...

 

“Tuyệt đối hóa” trong suy nghĩ nhưng có thể sẽ ảnh hưởng đến hành động và kết quả đôi khi không như mong đợi. Vì vậy, các bạn cần tránh những suy nghĩ:

 

1. Hễ đi du học là sẽ rất giỏi ngoại ngữ:

 

Ra nước ngoài thì chắc chắn là dùng ngoại ngữ trong học tập, sinh hoạt, vui chơi,.. Nhưng, để giỏi ngoại ngữ lại là một chuyện khác. Nếu không giao tiếp nhiều, không chịu khó đọc, nghe tin tức, tìm hiểu những “ngóc ngách” của ngôn ngữ đó thì không thể giỏi ngoại ngữ được. Đó là còn chưa kể đến việc khi đã lớn tuổi thì việc học thêm một ngoại ngữ sẽ khó hơn rất nhiều so với trẻ em.

 

Hơn nữa, việc phát âm trong tiếng Anh chẳng hạn cũng hoàn toàn khác xa cách phát âm trong tiếng Việt nên không luyện tập thường xuyên thì khó mà thành công trong giao tiếp. Việc ngại giao tiếp với người bản xứ, thích giao tiếp với bạn bè là người Việt hoặc nói tiếng Việt quá nhiều thì giỏi ngoại ngữ còn rất xa vời.

 

Người sử dụng ngoại ngữ chắc chắn sẽ có những sai sót vì ngay cả người bản xứ đôi khi cũng lúng túng trong giải thích hay cho ví dụ về một từ nào đó. Quan trọng nhất là có thể giải quyết được công việc bằng ngoại ngữ. Thành thạo ngoại ngữ lại cần đến nỗ lực, năng khiếu và thời gian. Khi bạn đi du học vài năm thì đó là thời gian không nhiều nên cũng không nên “tuyệt đối hóa” nó, đòi hỏi quá cao ở bản thân để rồi bị áp lực, stress và kết quả chẳng đi đến đâu. Học ngoại ngữ là “mưa dầm, thấm lâu”, bạn nhé.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


2. Sẽ rất giỏi chuyên môn:

 

Chuyên môn, kỹ năng là những yếu tố cần thiết để một người có thể thành công trong công việc. Tuy nhiên, kỹ năng không thể tự nhiên mà hình thành. Nó cũng cần đến thời gian, những nỗ lực của bản thân và việc chấp nhận khó khăn ban đầu để “lao” vào tìm hiểu, giải quyết các vấn đề trong học tập, nghiên cứu.

 

Không những thế, máy móc có hiện đại đến đâu, trang thiết bị có tiên tiến như thế nào thì cũng cần có tác động của con người để giải quyết công việc. Vì vậy, chỉ khi bạn biết kết hợp máy móc với việc thu thập những kinh nghiệm từ giảng viên thì bạn sẽ dần dần tiến bộ.

Cũng như ngoại ngữ, kỹ năng và kỹ xảo trong nghề nghiệp đều cần thời gian cũng như hành động chứ chỉ đi du học mà không hỏi, không làm thì vẫn không thể tiến bộ đâu nhé.

 

3. Có thể tự lo bằng cách đi làm thêm:

 

Nếu được như vậy thì quá tốt. Tuy nhiên, đi làm thêm sẽ ảnh hưởng đến việc học của bạn. Chẳng hạn quá “say mê” kiếm tiền mà “quên” việc học. Hoặc cũng có thể là ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến bản thân khi làm thêm mà không đăng ký, làm quá thời gian quy định và bị phát hiện.

Làm thêm không có gì sai nhưng chú ý để cân bằng việc học và làm là cần thiết. Đi làm thêm, bạn sẽ trải nghiệm được nhiều điều và có thể chẳng có sách vở nào chỉ dạy. Đó là điều tuyệt vời nhất. Còn tự lo về tài chính thì không đơn giản khi chỉ chờ vào thu nhập từ đi làm thêm và việc “một thân, một mình” khi đi du học ở nơi hoàn toàn xa lạ.

 

4. Cố kết bạn thật nhiều:

 

Có được những người bạn ở xứ người thì sẽ giúp bạn được nhiều điều, làm ấm lòng thêm trong thời gian xa nhà. Tuy nhiên nên “chọn bạn mà chơi” vì bạn nhiều nhưng lại lôi kéo, rồi đi xa con đường học tập đã được vạch ra thì thật nguy hiểm. Hơn nữa, sinh viên nước ngoài cũng không hẳn ai đi du học cũng đều xác định học là nhiệm vụ số 1.

 

Chính vì nhiều tác động xung quanh mà có thể làm họ thay đổi. Khi bạn cùng họ giao lưu, không khéo lại trở thành “cái gai” trong mắt rất nhiều người khác và nhận những đánh giá, nhận xét không tốt của người bản xứ về sinh viên nước ngoài. Quan trọng hơn cả là tình bạn chân thành, dù ít bạn nhưng là những “đôi bạn cùng tiến”, bạn nhé.

 

5. Mọi chuyện đã có người khác lo:

 

Khi sống và học ở nước ngoài thì thường là bạn sẽ nhận được những kế hoạch cụ thể cho từng công việc. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn ỷ lại vì khi đã có kế hoạch thì cần đến sự chủ động của bản thân mỗi người để thực hiện, để giải quyết. Đôi khi, sự ỷ lại cả về việc bảo quản đồ dùng cá nhân vì nghĩ rằng nếu mất thì cảnh sát sẽ tìm thấy cũng đã gây không ít phiền toái cho nhiều sinh viên nước ngoài.

 

Cẩn thận trong mọi việc vẫn hơn và đừng để bất kỳ những chậm trễ, rắc rối nào xảy ra với bạn chỉ vì tính ỷ lại cũng như trông chờ vào người khác. Thực tế luôn khác xa với những gì bạn đã nghĩ. Vì vậy, đi du học không đơn giản là sẽ “được” tất cả. Và cũng đừng “tuyệt đối hóa” mọi việc để rồi thất vọng. Biết thích nghi, cố gắng và một chút may mắn nữa thì bạn sẽ thành công.

 

Nguyễn Quốc Vỹ

nguyenquocvy@gmail.com – DHS Đức