Xúc động người phụ nữ nghèo cưu mang chàng trai cụt nửa người

(Dân trí) - Trong những tháng ngày bế tắc nhất của cuộc đời, Hảo may mắn gặp bà Đinh Thị Thương (57 tuổi, Đại Từ, Thái Nguyên), người phụ nữ không chỉ dang tay che chở, chăm sóc mà còn tiếp thêm nghị lực giúp Hảo vươn lên trong cuộc sống.

Cuộc đời tận cùng nỗi đau của chàng trai bị cắt cụt nửa người

Bất hạnh từ tấm bé…

Câu chuyện về cuộc đời Phạm Văn Hảo (SN 1989, Đại Từ, Thái Nguyên) vẫn được ví như chuyện cổ tích giữa đời thường.

Hiện tại, toàn bộ phần thân dưới, hông, phần xương cụt của Hảo đã bị tháo bỏ. Ảnh: NVCC
Hiện tại, toàn bộ phần thân dưới, hông, phần xương cụt của Hảo đã bị tháo bỏ. Ảnh: NVCC

Sinh ra trong một gia đình khó khăn, mẹ mất từ khi Hảo lên 9 tuổi, người cha thường xuyên đau ốm, bệnh tật nên mọi gánh nặng trong gia đình đều do một mình Hảo lo liệu. Học hết cấp 2, Hảo nghỉ học ở nhà, bươn chải đủ nghề để kiếm sống. Năm 2008, khi đang làm thuê cho một mỏ đá gần nhà, Hảo không may bị tai nạn sập hầm khiến cho đôi chân bị liệt phải nằm một chỗ.

Vụ tai nạn đã khiến cho Hảo phải nằm một chỗ, hai chân bị liệt hoàn toàn.
Vụ tai nạn đã khiến cho Hảo phải nằm một chỗ, hai chân bị liệt hoàn toàn.

Điều đáng nói chỉ 4 tháng sau vụ tai nạn, bố Hảo cũng mắc bệnh hiểm nghèo qua đời. Kinh tế trong nhà suy kiệt, Hảo phải sống dựa vào sự đùm bọc giúp đỡ của mọi người xung quanh. Không có người thân chăm sóc, Hảo nằm trên chiếc giường đã khoét một lỗ.

Hàng ngày, bà chủ mỏ đá sang đổ phế thải giúp còn cậu mợ gần nhà nấu cơm mang sang. Cuộc sống cứ thế lay lắt qua ngày. “Cuộc đời em lúc đó là một chuỗi những ngày tháng đau khổ vì bệnh tật giày vò. Nhiều đêm không ngủ được, nằm cô đơn trong căn nhà trống trải em đã từng nghĩ đến cái chết để giải thoát”, Hảo xúc động nhớ lại.

Trong những ngày tháng tuyệt vọng nhất của cuộc đời, Hảo đã may mắn gặp được người mẹ thứ 2 bà Đinh Thị Thương
Trong những ngày tháng tuyệt vọng nhất của cuộc đời, Hảo đã may mắn gặp được người mẹ thứ 2 bà Đinh Thị Thương

Trong những tháng ngày bế tắc nhất của cuộc đời, Hảo may mắn gặp bà Đinh Thị Thương (57 tuổi, xóm 7, xã Hùng Sơn, Đại Từ, Thái Nguyên) người phụ nữ không chỉ dang tay che chở, chăm sóc mà còn tiếp thêm nghị lực giúp Hảo vươn lên trong cuộc sống.

Người mẹ đặc biệt và hành trình sống sót kỳ diệu

Theo đó, cách đây 3 năm, khi biết được hoàn cảnh khó khăn của Hảo, bà Thương cùng một vài người phụ nữ trong xóm rủ nhau quyên góp, đến thăm hỏi. Chứng kiến chàng trai trẻ mồ côi, khắp người lở loét phải nằm co ro trong căn phòng tối, nồng nặc mùi xú uế, bà Thương bật khóc vì xúc động.

“Thằng bé nằm lâu quá, nên một phần da thịt bám vào dát giường, phần xương cụt khoét sâu thành lỗ. Khi tôi lấy bông băng vệ sinh, xương thịt bở ra rơi thành từng mảng. Hai mẹ con cứ vừa làm vừa nhìn nhau khóc”, bà Thương rơm rớm nước mắt nói.

Tháng 6/2015 bà Thương quyết định đón Hảo về nhà chăm sóc và nhận anh làm con nuôi.
Tháng 6/2015 bà Thương quyết định đón Hảo về nhà chăm sóc và nhận anh làm con nuôi.

Từ đó, hàng ngày cứ tranh thủ lúc rảnh rỗi bà lại một mình đạp xe lên thăm Hảo, khi thì mang cơm, lúc lại tắm rửa, động viên Hảo cố gắng. Thời gian sau đó, Hảo được một vị linh mục gần nhà đón về nuôi. Đến tháng 6/2015, vị linh mục bận rộn nên bà Thương bàn bạc với chồng con, xin phép nhận Hảo làm con nuôi, đồng thời tiến hành nhập hộ khẩu, đón Hảo về nhà chăm sóc.

Quyết định của bà Thương khi ấy được xem là liều lĩnh bởi hoàn cảnh gia đình bà không hề dư dả. Bà có 5 người con, trong đó người con đầu bị động kinh, thường xuyên đau ốm, không làm được gì, người con út hiện vẫn đang đi học cấp 3. Kinh tế gia đình chủ yếu trông vào mấy sào ruộng và đồi chè, việc nhận nuôi thêm Hảo đồng nghĩa với gánh nặng cũng sẽ đè lên vai bà nhiều hơn.

Hiện tại, toàn bộ phần thân dưới, hông, phần xương cụt của Hảo đã bị tháo bỏ.
Hiện tại, toàn bộ phần thân dưới, hông, phần xương cụt của Hảo đã bị tháo bỏ.

Suốt ba năm qua, bà Thương tất tả chạy vạy ngược xuôi, đồng hành cùng Hảo kiên cường chiến đấu với bệnh tật. Bà Thương kể, do nằm một chỗ quá lâu nên vết thương của Hảo bị hoại tử rất nặng, thịt bong tróc thành từng mảng, nhiều người không dám đến gần.

“Lần mới đón Hảo về, em sốt cao, người lịm đi, đưa đến bệnh viện Thái Nguyên thì bác sỹ trả về bảo “nhìn thấy cả ruột rồi”, không cứu được nữa. Tôi không đành lòng nên quyết định đưa con xuống Hà Nội với hi vọng “còn nướt, còn tát”, bà Thương xúc động kể.

Xúc động người phụ nữ nghèo cưu mang chàng trai cụt nửa người - 6
Suốt ba năm qua, bà Thương tất tả chạy vạy ngược xuôi, đồng hành cùng Hảo kiên cường chiến đấu với bệnh tật

Lần đó bà Thương “vét” sạch tiền của trong nhà được gần 10 triệu. Hai mẹ con đặt chân đến bệnh viện cũng là lúc trời nhá nhem tối. Không quen biết ai, lại chưa một lần đến Hà Nội, vừa thấy một bác sỹ ngang qua, bà Thương gần như quỳ sụp xuống nói trong nước mắt.

Bà bảo: “Bác sỹ ơi, cứu thằng bé với, nó mồ côi cả cha lẫn mẹ, cuộc đời nó khổ quá rồi. Xin bác sỹ cho nó được sống”. Cũng may, biết hoàn cảnh bi đát của Hảo, các bác sỹ bệnh viện đều tận tình và tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Nhiều người trong bệnh viện còn ủng hộ tiền để hai mẹ con có thêm kinh phí điều trị.

Mọi sinh hoạt cá nhân đến bữa ăn, giấc ngủ của Hảo đều do bà Thương chăm chút, lo liệu.
Mọi sinh hoạt cá nhân đến bữa ăn, giấc ngủ của Hảo đều do bà Thương chăm chút, lo liệu.

Sau khi phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ hai chân, Hảo phải trải qua nhiều đợt điều trị nhiễm trùng, lở loét do vết thương quá lâu. Hiện tại, phần xương cùng cụt của Hảo đã bị tháo bỏ. Để cậu có thể ngồi được, các bác sỹ phải tiến hành tái tạo lấy phần da thịt bên dưới đắp lên, đồng thời cậu phải mặc áo giáp cố định. Nếu cởi bỏ chiếc áo, cơ thể lại sụp xuống, khiến Hảo cảm thấy khó thở.

Dù hành trình chữa bệnh còn lâu dài nhưng nụ cười lạc quan vẫn luôn nở trên môi hai mẹ con.
Dù hành trình chữa bệnh còn lâu dài nhưng nụ cười lạc quan vẫn luôn nở trên môi hai mẹ con.

Suốt 3 năm qua, Hảo nằm viện nhiều hơn ở nhà, hết phẫu thuật chân, lại phẫu thuật cột sống, cố định xương… và điều trị viêm loét, áp xe phổi. Sức khỏe yếu nên mọi sinh hoạt cá nhân của Hảo đều do một tay bà Thương chăm chút, lo liệu. “Em nhớ, mỗi lần từ phòng phẫu thuật ra, người đầu tiên nhìn thấy là mẹ. Lần nào mẹ cũng cười hiền hậu, nắm tay hỏi: “Còn đau không con” khiến em trào nước mắt vì cảm động”, Hảo nói.

Nhà nghèo nên để có tiền chạy chữa cho Hảo, bà Thương chủ yếu vay mượn và nhờ tới sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Để tiết kiệm chi phí, hàng ngày bà ăn cơm bình dân giá rẻ, ngủ ngoài hành lang bệnh viện mà không dám dành tiền thuê phòng.

Lý giải về những việc làm của mình, người mẹ đặc biệt này chỉ cười hiền hậu cho đó là duyên số. “Nhiều người cũng nói ra vào nhưng tôi bỏ ngoài tai. Hoàn cảnh của Hảo khiến tôi thực sự bị ám ảnh và mong muốn được chăm sóc, bù đắp cho con bớt thiệt thòi. Hiện tại, tôi chỉ mong con sớm khỏi bệnh để hai mẹ về quê, tôi xa nhà cũng đã lâu nên rất sốt ruột”, Bà Thương tâm sự.

Hiện tại, bà Thương và Hảo vẫn đang điều trị tại bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hảo vừa trải qua đợt phẫu thuật nên sức khỏe vẫn còn khá yếu nhưng bệnh tình đã ổn định hơn nhiều. Nói về những dự định tương lai, khuôn mặt chàng trai này lấp lánh niềm vui và lạc quan. Cậu bảo sẽ cố gắng điều trị thật tốt, sau đó kiếm một công việc phù hợp để báo hiếu người mẹ đặc biệt đã sinh ra mình lần thứ hai.

Hà Trang

Ảnh, Video: Toàn Vũ